Ân tình dân quân Việt Bắc
Sức hút của thơ Tố Hữu qua các thế hệ người đọc vượt thời gian không chỉ ở niềm say mê lí tưởng, những tình cảm cách mạng tiêu biểu cho khuynh hướng trữ tình - chính trị mà còn ở cả giọng điệu của tình thương mến ngọt ngào, thiết tha, đặc biệt là ở tính dân tộc đậm đà. Đó cũng là một minh chứng rõ nét cho sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân gian trong sáng tác của nhà thơ cách mạng này. Một trong những bài thơ bộc lộ rõ nét đặc điểm phong cách ấy phải nhắc đến Việt Bắc - một đỉnh cao của thơ ca Cách mạng Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp.
Tính dân tộc được xem là phẩm chất tư tưởng, thẩm mĩ của văn học, chỉ mối quan hệ, gắn bó giữa văn học và tinh thần dân tộc. Tính dân tộc do truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tạo thành. Nó làm nên những dấu ấn độc đáo, không lặp lại, biểu hiện những gì là bản sắc, là riêng biệt, là đặc thù trong mỗi tác phẩm, mỗi tác giả, mỗi dân tộc, mỗi nền văn học. Có thể nói Nghệ thuật dân tộc là nghệ thuật mang mùi hương đất đai, trong tiếng mẹ đẻ mỗi từ dường như có hai lần ý nghĩa nghệ thuật… (A. Leptonxtoi). Tính dân tộc đậm đà trong bài thơ Việt Bắc được biểu hiện ở sự gắn quyện giữa tính thời đại với truyền thống dân tộc.
Trong thời điểm lịch sử đặc biệt, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi (1954), hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Cơ quan Đảng và Chính phủ rời chiến khu trở về Hà Nội, Tố Hữu viết bài thơ Việt Bắc gửi lại những tình cảm thiết tha, ân tình, ân nghĩa của miền xuôi đối với miền ngược, của người đi với kẻ ở, của cán bộ kháng chiến với nhân dân Việt Bắc trong suốt mười lăm năm ấy.
Trong thời khắc bịn rịn của buổi chia tay, núi rừng Việt Bắc, nhân dân Việt Bắc, nếp sống con người Việt Bắc trong cuộc trường chinh từ những ngày đầu gian khổ, khó khăn đến ngày thắng lợi, vươn tới tương lai được thể hiện bằng một trăm năm mươi câu thơ lục bát truyền thống hòa điệu cùng sắc màu ca dao - dân ca, trong cách nói, cách ví đậm sắc màu dân gian… Tất cả làm nên dấu ấn dân tộc rõ nét, dấu ấn Việt Bắc, dấu ấn cuộc sống kháng chiến, dấu ấn Cách mạng, dấu ấn thời đại.
Ở trong bài thơ Việt Bắc chúng ta nhận ra dòng chảy của truyền thống ân tình, ân nghĩa , nhận ra những phẩm chất cần cù, chịu thương, chịu khó và cả niềm lạc quan, yêu đời… của nhân dân ta từ xa xưa bắt nguồn về đây, hiện diện trong đời sống kháng chiến hôm nay.
Thể thơ lục bát truyền thống
Tính dân tộc trong bài thơ còn được bộc lộ rõ nét ở thể thơ và cấu tứ của nó.
Để tạo giọng điệu ngọt ngào, da diết, sâu lắng ân tình, Tố Hữu đã tìm đến thể thơ lục bát truyền thống với nhiều cách tân sâu sắc. Trên nền nhịp chẵn của lục bát, nhà thơ còn tạo nhịp du dương phù hợp với tâm trạng buổi chia li lưu luyến, dạt dào cảm xúc. Thể thơ lục bát truyền thống được vận dụng tài tình trong một bài thơ dài một trăm năm mươi dòng, vừa tạo ra âm hưởng thống nhất mà lại biến hóa đa dạng. Câu thơ lúc dung dị, dân dã gần với ca dao, lúc thì cân xứng, nhịp nhàng, trau chuốt mà trong sáng đến độ cổ điển.
Cấu tứ của bài thơ Việt Bắc là cấu tứ đối đáp quen thuộc trong ca dao - dân ca, với hai nhân vật ta - mình. Bài thơ như lời tâm tình, giãi tỏ của đôi lứa trong tình yêu. Cất lời ở những câu thơ mở đầu là lời hỏi của người ở lại:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy, thiết tha, mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn sông nhớ núi, nhìn cây nhớ nguồn
Vọng về trong những câu lục bát ấy có âm hưởng của những câu ca dao:
Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Hay:
Đường xa thì thật là xa
Mượn mình làm mối cho ta một người
Một người mười chín đôi mươi
Một người vừa đẹp vừa tươi như mình
Thế rồi, vẫn trong mạch chảy của nỗi niềm, người ở lại lại day dứt khôn nguôi:
- Mình đi có nhớ những ngày
- Mình về có nhớ chiến khu
- Mình về rừng núi nhớ ai
- Mình đi có nhớ những nhà
- Mình về còn nhớ núi non
- Mình đi mình có nhớ mình
Dồn dập những câu hỏi có nhớ, còn chớ hướng tới người ra đi, nhưng thực chất người ở lại cũng đang phơi trải lòng mình. Sự hô ứng là một sự đồng điệu.
Toàn bộ một trăm ba mươi câu thơ còn lại với điệp khúc có nhớ, còn nhớ chính là lời khẳng định tình cảm son sắt, thủy chung của người cán bộ kháng chiến. Trong nỗi nhớ ấy, tất cả kỉ niệm, hình ảnh, dấu vết của thiên nhiên, núi rừng, con người Việt Bắc, và đặc biệt là đời sống kháng chiến với khó khăn gian khổ để đi đến ngày thắng lợi hiện lên cụ thể, sinh động. Kỉ niệm hiển hiện mồn một như mới hôm qua. Mỗi lần từ nhớ được điệp lại là một lần ân tình cách mạng được khắc ghi.
Tất nhiên, đây là bài thơ trữ tình Cách mạng. Chủ thể trữ tình trong bài thơ chính là người ra đi, là cán bộ kháng chiến, chính là nhà thơ Tố Hữu. Kết cấu đối đáp là một sự kế thừa mạch nguồn văn hóa dân gian trong cảm hứng sáng tạo của nhà thơ. Hình thức là đối đáp, nhưng thực chất bên trong lại là đối thoại, là sự biểu hiện tâm tư, tình cảm của cái tôi trữ tình, là lời đồng vọng thiết tha của người cán bộ kháng chiến trong giờ phút bịn rịn chia tay nhân dân Việt Bắc về xuôi. Cũng bởi vậy mà có những câu thơ ta không còn phân biệt được cụ thể đối tượng trong hai đại từ mình - ta:
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Cũng có những câu thơ vượt ra ngoài hàm ngôn đối thoại để trở thành câu thơ tự dặn lòng:
Mình đi mình lại nhớ mình
Nhớ mình ở đây phải chăng là nhớ chính con người mình, cuộc đời mình, phần đời mà mình từng trải qua suốt mười lăm năm ấy.
Cứ như thế, hai đại từ mình - ta khi ở đầu - cuối câu thơ trong cuộc tiễn biệt cách xa (Mình về mình có nhớ ta); khi song hành đối đáp; khi lại xoắn xuýt, quyến luyến không rời như một lời nhắn nhủ: trong ta có mình, trong mình có ta, ta với mình tuy hai mà một. Nghệ thuật sử dụng linh hoạt cặp đại từ ta - mình của Tố Hữu trong bài thơ là một sự sáng tạo có ý nghĩa sâu sắc.
Là một bài thơ trữ tình - chính trị, nhưng Tố Hữu đã tiếp thu mạch nguồn văn hóa dân gian, tiếp biến, sáng tạo làm nên vẻ đẹp độc đáo cho bài thơ Việt Bắc. Đậm đà tính dân tộc nhưng vẫn luôn mới mẻ đó là thành công của nhà thơ cách mạng Tố Hữu trong các sáng tác của mình.