Bên cạnh hàng loạt hình thức sinh hoạt “Tết” nương theo lịch Trăng, hay chính xác hơn, nương theo thứ Âm-Dương hợp lịch, như Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, Tết Cơm mới… Tết Nguyên đán được coi là Tết Cả, nơi hội tụ không khí tưng bừng, nhộn nhịp nhất trong không gian văn hóa của toàn dân tộc, góp phần hình thành nên vóc dáng văn hóa truyền thống mang bản sắc của người Việt nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
qua diễn trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt cũng như một số dân tộc khác như Mường, Tày, Nùng… qua các thế hệ đã không ngừng giữ gìn, trao truyền và bồi đắp các lớp văn hóa thông qua thực hành sinh hoạt lễ tiết.
Để rồi, Tết Nguyên đán trở thành công đoạn sinh hoạt văn hóa đầu tiên và quan trọng nhất trong một năm của hệ thống lễ hội/lễ tiết Việt Nam, góp phần tô đậm cho bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh một cách sinh động nhất cho tinh thần hòa điệu giữa con người và tự nhiên, theo chu kỳ ứng xử với vận hành vũ trụ.
Theo ngôn ngữ cổ truyền của người Việt, Tết Nguyên Đán được khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết), kéo dài đến mồng bảy Tết, trong đó 3 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên thuộc về năm mới được coi là Nguyên đán – Tết đầu năm mới.
Cũng từ khoảng thời gian nằm trong chu trình được coi là Tết đó, hàng loạt “thủ tục” - cách nói của GS. Trần Quốc Vượng - được diễn ra thông qua các hình thức thực hành văn hóa của cộng đồng người dân đã tạo thành một nếp văn hóa mang những ý nghĩa nhân văn cực kỳ gần gũi nhưng sinh động, được các thế hệ bảo lưu, gìn giữ và tuân thủ như một lẽ tự nhiên, trở thành những mỹ tục trong đời sống văn hóa dân tộc.
Trong tâm thức dân gian, công việc thăm mộ tổ tiên luôn được coi như “hoạt động văn hóa tâm linh” đầu tiên, nhắc nhở mọi người mỗi khi chuẩn bị bước vào “chu trình” của Tết Nguyên đán.
Không phải ngẫu nhiên mà hằng năm, cứ vào tuần cuối năm cũ, từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết) cho đến 30 tháng Chạp (30 Tết), mọi gia đình người Việt cũng như hàng chục gia đình dân tộc thiểu số khác, thường tập trung cùng nhau viếng thăm, quét dọn, sửa sang mồ mả tổ tiên, dâng lễ mọn cúng bái và mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tâm lý và ý thức của cộng đồng ngày cuối năm hướng về cội nguồn được thể hiện qua nhiều hình thức thực hành đa dạng, trong đó tín ngưỡng tôn sùng tổ tiên như một phần trong hệ thống sinh hoạt tín ngưỡng Việt Nam, được thể hiện qua phong tục thờ cúng nhân vật được coi là thủy tổ của một tộc người, một dân tộc hay một quốc gia – nhà nước với hiệu danh quốc tổ (chẳng hạn như Lạc Long Quân-Âu Cơ, Hùng Vương), hay là người có công lập làng/bản, được vinh danh là thành hoàng làng, cho đến các bậc tổ tiên mỗi dòng họ, ông bà đã khuất trong mỗi gia đình, trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Thực tế đó được bồi đắp, tôn tạo qua các thế hệ để hình thành nên những hệ giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện một cách liền mạch tâm lý hướng tâm của cộng đồng nhỏ (gia đình, dòng họ, làng xóm) trong hệ thống cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
Xin chữ ngày Tết - nét đẹp văn hóa thể hiện cho truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Ảnh minh họa/internet |
Nét đẹp văn hóa vào buổi sớm đầu năm
Chuẩn bị bước sang năm mới, tuần Tết những ngày cuối năm cũ thường diễn ra hàng loạt “thủ tục” đương nhiên khác, được tiến hành ở hầu khắp mọi gia đình, tạo ra một không khí sinh hoạt văn hóa vừa gần gũi, bình dị thân quen, vừa náo nức, thiêng liêng và cẩn trọng.
Để đáp ứng nhu cầu làm mới nhà cửa, trang trí đẹp đẽ không gian đón Tết, thú vui sắm sửa tranh Tết, câu đối và các loại hoa tươi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa không thể nào thiếu được.
Thú chơi chữ, chơi tranh, chơi hoa hiện diện trong không gian văn hóa gia đình hoặc tại các không gian sinh hoạt văn hóa – tâm linh của cộng đồng đã là những minh chứng cho nét đẹp văn hóa tao nhã, tạo nên cốt cách của không khí đón Xuân với biết bao hy vọng, ước muốn về một năm mới tốt lành, “hòa cốc – phong đăng”, sức khỏe và bình yên, phát đạt.
Cùng với không khí sôi động, háo hức trong những ngày trang trí nhà cửa chờ đón Nguyên Đán, tục lệ gói bánh chưng, bánh tét cùng hàng loạt loại bánh khác như bánh mật, bánh gai… đều được thực hành ở hầu khắp mọi gia đình.
Tục lệ đó đã qua hàng ngàn năm, được coi như một nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống, mang bản sắc văn hóa vùng, miền, tưởng như không thể nào thiếu được.
Lễ đón giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm của mọi gia đình. Giây phút thiêng chào đón thời khắc trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật và chúng sinh có thêm năng lượng tạo xây sức sống mới cùng biết bao hy vọng, cầu mong về một năm mới an khang, mùa màng tươi tốt, con người bình yên may mắn và thành đạt, được thể hiện qua các hành vi thực hành nghi lễ trang trọng trước ban thờ tổ tiên và các thần linh.
Nét đẹp văn hóa từ giây phút giao thừa như muốn thể hiện ý nghĩa biểu trưng cho truyền thống hiếu kính với các bậc tiền nhân trong quá khứ, với các bậc sinh thành trong hiện tại và bộc lộ lời nguyện cầu về một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng cho con cháu.
Cũng xuất phát từ thời điểm giao mùa linh thiêng này, con cháu từ khắp các gia đình lại tỏa ra bốn phương, ríu rít bên nhau hành hương đến các điểm tâm linh, xin lộc, xin hoa, cầu phúc, cầu tài, hướng về năm mới với biết bao hy vọng tốt đẹp.
Tục xông đất và trao quà mừng tuổi cũng là nét đẹp văn hóa của người dân Việt vào buổi sớm đầu năm. Tuân thủ những “phép tắc” bất thành văn từ quá khứ cha ông, con cháu hiện thời chọn mời người xông đất, hợp tuổi hợp mệnh, cầu chúc năm mới may mắn, sung túc trong mọi hoàn cảnh, ăn nên làm ra, học hành tấn tới.
Quà mừng tuổi đầu năm mang ý nghĩa biểu tượng hơn là vật chất, thể hiện lòng tôn kính bậc sinh thành, những bậc cao niên trong họ hàng, làng xóm và sự quan tâm đến thế hệ măng non tương lai. Ẩn sau mỗi phần quà mang tính biểu tượng đó còn là lời nhắn nhủ, tâm sự, khuyên răn, gửi trao ý nguyện giữa các thế hệ về khát vọng vào một ngày mai tươi đẹp, may mắn.
Bên cạnh những “thủ tục” chung vốn đã và đang quen thuộc với mọi thế hệ ở hầu khắp các làng quê, có những địa phương lại sáng tạo ra những hình thức đón giao thừa một cách độc đáo, mang bản sắc riêng. Vào dịp giao thừa, làng nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng La Xuyên (thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) còn có tục mọi người kéo nhau ra đình đón năm mới.
Mọi người dù giầu hay nghèo, đã ra đình gặp nhau đều hồ hởi, sẵn sàng hoà giải với nhau những chuyện xích mích trong năm và cầu chúc nhau bước sang năm mới gặp nhiều may mắn. Khi giao thừa đến, đêm cuối cùng của năm cũng đã hết, dân làng dự buổi lễ trọng thể tổ chức ngoài trời ngay tại sân đình.
Thật hiếm có dân tộc nào lại cô đọng thế ứng xử của mình trong 3 ngày đầu năm mới một cách cụ thể và hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Mồng Một thì ở nhà Cha / Mồng Hai nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thầy”, như người Việt.
Đó là sự phối kết đậm đà giữa lối sống của đạo đức hiếu lễ với đạo đức “tôn sư trọng đạo” vốn đã hình thành và trao truyền, kiểm nghiệm tuân thủ qua nhiều trăm năm của các thế hệ người dân đất Việt. Đó đồng thời cũng là sự tiếp nối của lối sống theo đạo lý truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Cũng từ lối sống trọng thày, đạo đức “tôn sư trọng đạo” ấy mà, tục xin chữ đầu xuân năm mới đã và đang được tiếp nối một cách phổ biến ở hầu khắp các vùng quê. Ngày đầu năm, đến bất kỳ di tích lịch sử văn hóa nào, ở các thôn quê, đều dễ dàng bắt gặp cảnh tượng quây quần xin chữ. Đó là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, thể hiện cho truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.
Ảnh minh họa/internet |
Giá trị văn hóa - hạt nhân tạo sự đồng thuận cộng đồng
Nói đến vẻ đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, có thể còn giới thiệu một hình thức sinh hoạt lễ hội độc nhất vô nhị, dường như khó lòng bắt gặp được ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Đó là lễ hội “Rước vua Hùng về làng ăn Tết” của người dân làng He, nay là các làng Vi Cương và làng Triệu Phú, thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, kề sát chân núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng - nơi thờ phụng tri ân các vua Hùng.
Trong tâm thức dân gian của cộng đồng cư dân Phú Thọ, Hùng Vương vừa là vị thủy tổ, vừa là thánh vương, vừa là người lập nước nhưng cũng là người chăm lo cuộc sống cho dân, vừa thiêng liêng lại gần gũi,có mặt với cộng đồng ở mọi tình huống của cuộc đời mỗi con người, trong cuộc sống của cộng đồng theo vòng quay của thiên nhiên của mùa vụ.
Vì thế mà, vào ngày 24 tháng Chạp, người dân trong làng lại nhộn nhịp tổ chức lễ hội hoành tráng, nghênh kiệu lên đền Thượng thuộc Nghĩa Lĩnh linh thiêng, “rước vua Hùng” về ăn Tết Nguyên đán với dân làng; và đến chiều mồng Bảy Tết, dân làng lại tiến Vua về Nghĩa Lĩnh.
Cũng vào dịp Tết Nguyên Đán, người dân Hùng Lô (Việt Trì) coi Đức vua Hùng vừa là ông vua của cả nước, vừa là thành hoàng làng mình, trải qua nhiều trăm năm, dân làng tri ân Đức vua, lập đền thờ và phụng thờ qua các thế hệ. Và như thế, người dân trên vùng đất linh kiệt này đã coi các vua Hùng (Thủy tổ của dân tộc Việt Nam) như một thành viên không thể thiếu vắng trong dịp dân làng ăn Tết Nguyên đán...
Xuất phát từ thực tế sáng tạo và thực hành tâm linh tại hàng loạt làng bản quanh vùng đất do sông Thao, sông Lô, sông Đà đan nối bồi tụ nên, dễ dàng nhận thấy, ngay từ thưở sơ khai của nhà nước Văn Lang, người dân Việt – Mường đã sớm xác lập một biểu tượng văn hóa - biểu trưng cho sự cố kết cộng đồng, trở thành một sáng tạo văn hóa đặc sắc và độc đáo qua trường kỳ lịch sử, sáng tạo này mang tầm kiệt tác của nhân loại.
Cũng từ đây, nhờ có kho tàng văn hóa dân gian từ truyền thuyết đến lễ hội, từ ẩm thực đến nghi lễ liên quan đến Hùng Vương, được dân gian sáng tạo và lưu truyền đã là những chất keo văn hóa gắn kết vận mệnh từng cộng đồng làng bản với nhau trong mối quan hệ chung của vận mệnh toàn dân tộc.
Giá trị văn hóa đặc sắc đó chính là hạt nhân tạo ra sự đồng thuận cộng đồng, tạo ra sức mạnh vô địch cho toàn dân tộc, trước mọi thử thách của tự nhiên và xã hội, đủ sức đề kháng, chiến thắng mọi kẻ thù ngoại xâm và kẻ thù xâm hóa văn hóa, qua nhiều nghìn năm trong lịch sử.
Với con người Việt Nam đương đại hôm nay, trên bước đường hội nhập và phát triển, mặc dù di sản văn hóa truyền thống của mình qua quá trình vận động, phát triển, đã có những tiếp biến, biến đổi nhất định, song những hằng số văn hóa hàm chứa các giá trị được các thế hệ sáng tạo, bảo vệ, trao truyền gắn với lễ Tết cổ truyền, vẫn đã và đang là những nét đẹp văn hóa truyền thống, tác động tích cực đến sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
Những mỹ tục văn hóa đó đã và đang là tài nguyên văn hóa vô giá, các thế hệ con cháu cần bảo tồn và phát huy giá trị trong cuộc sống hiện tại và mai sau.