Sự việc xảy ra vào trưa 22/6, Lý cùng con trai ngủ trưa. Nằm trằn trọc mãi không ngủ được, cứ nghĩ đến việc chồng cũ đi lấy vợ khác là cơn ghen tuông lại trỗi dậy nên Lý nảy sinh ý định giết con để trả thù chồng và gia đình chồng.
Khoảng 14 giờ cùng ngày, khi con đã ngủ say, Lý xuống bếp lấy con dao phay (loại dao thái phở) dài khoảng 40 cm mang lên chém nhiều nhát liên tiếp vào cổ và con, sau đó gọi mẹ đẻ về để lo mai táng cho cháu và gọi công an bắt mình.
Hiện Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án, ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ đối tượng Lý để điều tra về hành vi giết người.
Theo Đại tá Thìn, tội phạm là hiện tượng xã hội tiêu cực. Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng gây ra hậu quả xấu cho xã hội. Hành vi của người mẹ này chỉ vì ghen tức với chồng cũ đã đang tâm giết chết con mình một cách dã man rõ ràng là một hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Vì thế, không chỉ phải có những hình phạt nghiêm khắc mà dư luận phải lên án quyết liệt để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa hạn chế, tiến tới không để xảy ra những hành vi phạm tội tương tự.
Theo Đại tá Thìn, mỗi hành vi phạm tội đều xuất phát từ những nguyên nhân và điều kiện cụ thể. Trong vụ án này, nguyên nhân sâu xa của hành vi phạm tội đó là tính ích kỷ.
Con người sống trong xã hội luôn có xu hướng “yêu mình nhất”, muốn những gì là tốt đẹp, là có lợi cho mình nhất – đó cũng là lẽ thường tình của đời sống con người.
Vì vậy, người ta thường có xu hướng vì “cái tôi” của mình, từ đó sinh ra tính ích kỷ, ghen tức, đố kỵ, thậm chí là thù hằn với những gì gây thiệt thòi cho mình (cả vật chất, tinh thần, tình cảm…) hoặc những gì mình không mong muốn.
Tuy nhiên, nói đến con người phải hội tụ nhiều yếu tố xã hội như học vấn, đạo đức, lối sống, tình cảm, lý tưởng, hoài bão, ý thức pháp luật, trách nhiệm công dân…
Tính ích kỷ, sự ghen tức, đố kỵ sẽ làm cho người ta dễ có những hành vi tiêu cực mà pháp luật và đạo đức xã hội không thể chấp nhận. Sự độ lượng, lòng vị tha, biết tha thứ, học để tha thứ sẽ làm cho ta “lớn hơn” và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho bản thân và xã hội.
Người đời đã có câu ví von về tình mẫu tử, về đạo đức, về thiên chức của người làm cha, làm mẹ, về bản năng sống của con người: “Hổ dữ không nỡ ăn thịt con”.
Đến những loài cầm thú chuyên xé xác các sinh vật sống và hoàn toàn hành động theo bản năng sinh tồn như hổ báo cũng không giết, không ăn xác đồng loại.
Hành vi của người mẹ giết con để trả thù chồng này, như đã nói ở trên, còn là sự thiếu giáo dục về đạo đức; kiến thức về xã hội, kiến thức và ý thức về pháp luật rất thấp và không có kỹ năng sống cần thiết nên đã hành động rất bản năng.
Người đàn bà ấy đã để sự ghen tức, lòng thù hận lấn át cả tình mẫu tử, đạo đức xã hội, sự trừng phạt của pháp luật và sự lên án của xã hội. Đó là một cái giá quá đắt.
Vụ án này đã cho thấy một hiện tượng đáng phải quan tâm, lo lắng: Đó là lương tâm, đạo đức con người ở một bộ phận dân chúng đã suy thoái nghiêm trọng.
Đó là ý thức và nhận thức về pháp luật của không ít người, trong đó có những người còn trẻ tuổi, rất hạn chế; kỹ năng sống thiếu hụt nên không biết, không thể ứng xử và điều chỉnh hành vi trong những hoàn cảnh bất lợi về khách quan hay chủ quan.
Điều đó dễ dẫn người ta vào con đường phạm tội, nhiều khi là hành vi phạm tội cực kỳ nghiêm trọng, mặc dù trước đó họ vẫn là những người lao động bình thường, chưa hề có hành vi vi phạm pháp luật nào khác.
Đại tá Thìn khẳng định, bất kể hành vi giết người nào, cụ thể ở đây là giết con đẻ, cũng đều phải lên án và phải bị trừng phạt. Tình mẫu tử được hình thành ngay từ “khi thai nghén trong lòng”, huống chi khi một đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời.
Hành vi dã man, tàn bạo được thể hiện ở tính chất, thủ đoạn của hành vi phạm tội, mức độ, hậu quả của hành vi đó gây ra cho nạn nhân và cho xã hội, nên không phải giết trẻ sơ sinh thì không dã man bằng giết con đã lớn.
Tuy nhiên, xét về diễn biến tâm lý của người thực hiện hành vi phạm tội thì khi đứa trẻ mới sinh, mối quan hệ tình cảm chưa có sự gắn bó sâu sắc như một đứa trẻ đã được nuôi dạy.
Dưới những áp lực về dư luận xã hội, gia đình, về tương lai, về tập tục (một số vùng dân tộc), sự thiếu hiểu biết, những lo lắng, hoảng loạn… khiến một số người mẹ trẻ đã dứt bỏ đứa con của mình.
Dù bị lên án, nhưng dư luận cũng có những “cảm thông” nhất định và pháp luật cũng có những quy định về hình phạt có mức độ nhẹ hơn (tội giết con mới đẻ - Điều 94 Bộ luật Hình sự), khác với hành vi giết con đã qua thời điểm sơ sinh (tội giết người – Điều 93 Bộ luật Hình sự).
Lịch sử tội phạm học thế giới đã có những trường phái nhấn mạnh yếu tố sinh học trong nhân thân của người phạm tội. Bằng một loạt các kiến thức về sinh vật học, nhân chủng học, di truyền học, tâm thần học… những nhà tội phạm học này đã quy các nguyên nhân của tội phạm về các đặc điểm sinh học trong nhân thân của người phạm tội.
Họ phủ nhận vai trò của các điều kiện, hoàn cảnh xã hội trong quá trình hình thành nhân cách, hành vi ứng xử của con người. Vì vậy, họ cho rằng có người sinh ra sẽ trở thành tội phạm (dựa vào một số nét đặc thù trên cơ thể hoặc theo yếu tố di truyền…) nên xã hội cần phải loại trừ những người này ra khỏi đời sống trước khi họ phạm tội.