Lý do thực chất về mong muốn nghỉ hưu sớm

GD&TĐ -Thực tế cho thấy, rất nhiều người mong muốn nghỉ hưu sớm để làm một công việc mới có thu nhập cao hơn ngoài việc hưởng lương hưu.

Sau nghỉ hưu nhiều lao động đã chuyển sang khu vực không chính thức để tiếp tục làm việc ​
Sau nghỉ hưu nhiều lao động đã chuyển sang khu vực không chính thức để tiếp tục làm việc ​

Năm 2035 mới có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60

Về tuổi nghỉ hưu, Điều 169 Bộ luật Lao động (sửa đổi), theo phương án 1, Chính phủ trình có chỉnh lý kỹ thuật, NLĐ bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thuờng được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.

Phương án 2, chốt tuổi và giao Chính phủ quy định lộ trình, theo đó, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ

Nhu cầu thu nhập sau hưu trí

Theo bà Andrea Prince - Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ lao động mới của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO), một số những thay đổi của Bộ luật có thể tạo ra những băn khoăn, nghi ngại của NLĐ theo những cách hiểu khác nhau.

Lấy dẫn chứng vấn đề này trong một trường hợp thực tế, bà Andrea chia sẻ về một lao động nữ, 55 tuổi ở Hà Nội nói rằng, chị đã băn khoăn và mất ngủ nhiều đêm, bởi lo lắng về những thay đổi tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ khiến cho chị phải làm việc thêm. Đây là sự hiểu nhầm rất lớn khi cho rằng quy định về tuổi nghỉ hưu sẽ thay đổi nhanh chóng và được áp dụng ngay. Tuy nhiên, những thay đổi về tuổi nghỉ hưu sẽ diễn ra từ từ và có lộ trình. Đối với lao động nữ nói trên, trong năm nay, chị ấy vẫn có thể nghỉ hưu theo đúng tuổi.

Các chuyên gia cho rằng, bất cứ thay đổi chính sách nào được đưa ra, luôn có nguy cơ bị hiểu nhầm, lo lắng hoặc thất vọng. Vì vậy, cần để NLĐ hiểu được nội dung, lợi ích của chính sách mới nhằm bảo đảm sự hài hòa, ổn định.

Sống thọ hơn và khỏe mạnh trong khi không làm việc nữa, thì người nghỉ hưu vẫn cần có thu nhập để trang trải cuộc sống. Như vậy, tất cả các quốc gia đều phải cố gắng điều chỉnh các chính sách hưu trí, phúc lợi xã hội để bảo đảm cho người nghỉ hưu khi họ sống thọ hơn. Sự điều chỉnh này luôn cần thiết, để bảo đảm sự cân bằng trong việc đóng góp BHXH khi làm việc và hưởng thụ chế độ hưu trí.

“Thực tế có rất nhiều người nghỉ hưu ở khu vực chính thức, nhưng không hề kết thúc công việc, mà họ chuyển sang khu vực không chính thức để tiếp tục làm việc. Điều này cho thấy, không phải NLĐ nào cũng muốn nghỉ hưu sớm vì lý do ốm đau, mà muốn làm một công việc khác, cũng như mong muốn có thu nhập cao hơn ngoài việc hưởng lương hưu. Đây cũng là lý do thực chất về mong muốn nghỉ hưu sớm.” – Bà Andrea cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ