Vấn đề biên chế giáo viên được quan tâm
Tham dự có ông Quách Ngọc Tuấn đến từ Văn phòng Chính phủ; ông Đoàn Ngọc Xuân – Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương; bà Đào Thị Hồng Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ; ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP HCM; bà Nguyễn Thị Liễu – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cùng đại diện các cục, vụ liên quan và đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT cho biết: Từ năm 2017 đến 2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành và trình ban hành 268 văn bản bao gồm 2 Luật; 25 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ; 44 Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 197 Thông tư của Bộ trưởng. Tính đến tháng 6/2022, toàn bộ biên chế đang làm việc tại Bộ GD&ĐT là 23.568 người, giảm 7.284 người (tưng đương 23,6%) so với năm 2015.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Lộc, thực hiện chủ trương về xây dựng định mức biên chế đảm bảo tinh gọn hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã ban hành và phối hợp ban hành các Thông tư liên tịch của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non cũng như ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tiếp tại đầu cầu Bộ GD&ĐT (Hà Nội). |
Đối với các vị trí việc làm hỗ trợ hoạt động giảng dạy, giáo dục thì căn cứ vào quy mô lớp, học sinh để quy định số lượng người làm việc theo hướng 2 hoặc 3 người cho 4 vị trí, một người có thể kiêm nhiều việc.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng đội ngũ, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên, chỉ đạo, đôn đốc nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong việc nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Việc đào tạo giáo viên phải gắn với nhu cầu thực tế để từng bước giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương.
Trong đó, các địa phương không được cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hàng năm để thực hiện tinh giản biên chế mà cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả làm việc hàng năm để sàng lọc, phân loại làm căn cứ tinh giản biên chế.
Tại Quyết định số 72 ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, năm học 2021-2022, tổng số giáo viên tại các địa phương là 1.212.684 người. Số giáo viên thừa là 2.161 người; số giáo viên đang bị thiếu là 101.745 người. Tổng số biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026 được Bộ Chính trị giao cho các địa phương là 1.095.527 người và biên chế bổ sung giai đoạn 2022-2026 là 65.980 người. Trong đó năm học 2022-2023, tạm giao cho các địa phương là 27.580 người.
Có kế hoạch và giải pháp giải quyết dứt điểm số viên chức và người lao động vượt quá số biên chế được giao. Có giải pháp đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo môn học. Trong năm học tới, ưu tiên biên chế được giao để tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới ở phổ thông theo Chương trình GDPT 2018…
Sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học
Tham luận về chủ đề “Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045”, ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, nguyên tắc cơ bản là quy hoạch mạng lưới để thực hiện chủ trương lớn của Đảng; góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Ông Dũng cho rằng, quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH và chức năng quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước cần được đảm bảo. Củng cố và phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH đủ năng lực đáp ứng về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả phục vụ nhu cầu học tập của người học, nhu cầu nhân lực trình độ cao.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ ý kiến tại hội nghị. |
Đại diện ĐH Thái Nguyên cho biết, trong 5 năm qua đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 của TW. Đây là 1 trong các đơn vị thực hiện có hiệu quả các mô hình tiêu biểu. Trường đã phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai để sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai vào ĐH Thái Nguyên.
Ban đầu cũng có tranh cãi vì chưa có tiền lệ sáp nhập 1 cơ quan địa phương vào 1 cơ quan Trung ương. Từ 2019 đến nay, việc sáp nhập có hiệu quả về tinh giản bộ máy, giảm 21 vị trí việc làm ở cấp trường phó phòng đơn vị, giảm 60% lượng cán bộ nhân viên về tỉnh Lào cai mà không ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Ông Ngô Văn Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính nhấn mạnh, để đẩy mạnh công tác tự chủ trong GDĐH, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021 của Chính phủ.
Để đảm bảo an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát, Chính phủ chủ trương không tăng học phí năm học 2021-2022 và 2022-2023, Bộ GD&ĐT đề xuất lùi lộ trình tăng giá dịch vụ giáo dục đào tạo so với các ngành khác, phấn đấu tính đủ chi phí đối với cấp mầm non, phổ thông là từ năm 2023, đối với GDĐH và giáo dục nghề nghiệp là từ năm 2027.
Các đại biểu tham gia trực tuyến phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cũng nêu tham luận về quản lý biên chế giáo viên theo vị trí việc làm tại các cơ sở giáo dục công lập. Ông đã đưa ra đề xuất Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành các trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương.
Xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và uy tín, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.