Lưu ý khi ôn thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học

GD&TĐ -Thầy Bùi Hữu Tuấn – giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Bình Định) lưu ý khi ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học trong giai đoạn ‘nước rút’.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Dựng lại sơ đồ tư duy kiến thức theo từng chủ đề

Theo thầy Tuấn, dựa vào cấu trúc đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học, chúng ta nhận thấy, ma trận đề thi môn Sinh học năm 2023 của Bộ GD&ĐT có đến 75% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu; 15% câu hỏi ở mức độ vận dụng và 10% câu hỏi ở mức độ vận dụng cao”.

“Như vậy với học sinh trung bình có thể đạt từ 5,0 đến 6,5 điểm, học sinh khá hoàn toàn có thể đạt ít nhất 7,0 đến 8,0 điểm, đối với học sinh giỏi có thể đạt từ 9 điểm trở lên” – thầy Tuấn nhận định.

Qua phân tích ma trận đề tham khảo môn sinh học của Bộ GD&ĐT, thầy Tuấn nhận thấy, đề thi có sự phân hóa rõ rệt nhằm đáp ứng được mục tiêu tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023.

Từ những phân tích trên, thầy Tuấn lưu ý học sinh cần chú ý ôn tập thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn ‘nước rút”. Theo đó, đối với học sinh chỉ dùng điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT, các em trước tiên cần tập trung đọc kỹ phần lý thuyết chuyển hóa vật chất và năng lượng ở thực vật và động vật.

Các em cũng không được bỏ qua phần kiến thức di truyền biến - dị, quy luật di truyền, tiến hóa, sinh thái theo nội dung sách giáo khoa sinh học 11, 12. Các em cần tự xây dựng lại sơ đồ tư duy kiến thức từng chủ đề trong các nội dung trên để giải quyết chắc chắn những câu hỏi nhận biết, thông hiểu.

“Sau đó, các em làm luyện tập một số đề thi thử các trường THPT và đề thầy cô giáo cho luyện tập” – thầy Tuấn khuyến nghị.

Thầy Bùi Hữu Tuấn và em Nguyễn Thế Phong giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học.
Thầy Bùi Hữu Tuấn và em Nguyễn Thế Phong giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học.

3 lưu ý với thí sinh dùng môn Sinh học để xét tuyển đại học

Sau khi phát hiện lỗ hổng trong quá trình luyện đề, học sinh phải quay lại bước ôn tập lý thuyết và phương pháp giải bài tập để lấp kín lỗ hổng; xem lại kiến thức, tại sao mình sai, khắc phục như thế nào. Quá trình này, thường xuyên liên tục đến khi hết thời gian ôn tập.

Đối với học sinh dùng điểm thi môn Sinh học để xét vào các trường đại học, thầy Tuấn lưu ý:

Thứ nhất, học sinh nên ưu tiên tổng ôn theo từng chuyên đề, sau đó mới đến luyện đề; ưu tiên ôn lý thuyết trước mới đến bài tập. Bởi lẽ, phần lý thuyết chiếm khoảng 65% bài thi, chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Các chuyên đề lý thuyết trọng tâm là cơ chế di truyền và biến dị, tiến hóa, sinh thái, động vật, thực vật.

Với lý thuyết, học sinh cần bám sát sách giáo khoa, kết hợp với tự ôn tập lại theo sơ đồ tư duy, không nên sử dụng sơ đồ tư duy trên mạng để học mà chỉ để tham khảo cách trình bày.

Theo thầy Tuấn, lý thuyết môn Sinh học khá phức tạp, từ ngữ gây nhiễu khá nhiều. Do đó, việc ôn tập nên bám sát sách giáo khoa, giúp các em không bị hoang mang khi làm bài. Để nắm vững lý thuyết, học sinh cần học hiểu các thông tin trong sách giáo khoa.

Với học sinh dùng điểm xét đại học, các em cần rèn đề theo chuyên đề sau. Khi đã chắc chắn lý thuyết và phương pháp giải bài tập ở từng chuyên đề, nhằm mục đích để tăng cường tốc độ làm nhanh, độ chính xác cao của 30 câu đầu trong đề thi ở giai đoạn nước rút này.

Thứ hai, kết hợp song song luyện đề chuyên đề và đề tổng hợp theo cấu trúc đề tham khảo 2023 “đề tổng hợp”. Ở giai đoạn này, học sinh có thể luyện ít nhất 2 đề tổng hợp/tuần tùy theo thời gian và năng lực của mỗi học sinh.

Khi luyện đề ở nhà, các em có thể làm bài với thời gian khoảng 35 đến 40 phút so với thực tế 50 phút trên mỗi đề tổng hợp. Việc này nhằm giúp các em làm quen với áp lực thời gian, có thể mở nhạc xung quanh để luyện sự tập trung.

Lưu ý quan trọng trong phương pháp này là, học sinh không được coi luyện đề tổng hợp là một cách ôn tập kiến thức. Luyện đề là luyện kỹ năng giải đề, là bài kiểm tra để đánh giá lại kiến thức đã học được.

Thứ ba, trong quá trình ôn cần phải sắp xếp có thời gian nghỉ ngơi hợp lí, tránh tình trạng “Stress” để có sức khỏe tốt đáp ứng trong kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.