Khắc phục học hàn lâm, máy móc
ThS Trần Vũ Ngọc Ánh, giáo viên Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) nhận định, đề minh họa có nội dung kiến thức bám sát sách giáo khoa. Các câu hỏi thể hiện đầy đủ các mức độ nhận thức. Đặc biệt phần vận dụng rất thực tế, tuy nhiên sẽ khó khăn cho những học sinh đã quen với kiểu học hàn lâm, máy móc.
Nội dung kiến thức liên quan đến tính toán hàn lâm đã được thay thế bằng những câu hỏi mang tính chất liên hệ thực tế rất cao, đòi hỏi người học phải thay đổi nhiều trong phương pháp học, cách tiếp cận vấn đề.
Nhiều câu hỏi liên quan trực tiếp đến vấn đề thực hành. Theo ThS Trần Vũ Ngọc Ánh, đây là một vấn đề khó khăn cho hoạt động dạy học vì trên thực tế, thiết bị về đến các trường học thường rất muộn, hầu như cuối học kỳ1. Như vậy một số tiết thực hành ở học kỳ 1, học sinh không có điều kiện tiếp xúc.
Về dạng thức câu hỏi, ngoài câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn truyền thống, đề minh họa có thêm hai dạng mới, nếu không có đủ thời gian để học sinh làm quen thì sẽ rất khó để đạt điểm cao, đặc biệt là dạng câu hỏi trả lời ngắn.
Tuy nhiên, việc xuất hiện thêm 2 dạng câu hỏi có thể xem như là một phương thức hạn chế sự “ may rủi” trong quá trình làm bài, cũng là cách phân loại học sinh theo các mức độ.
Cô Bùi Thị Thu Huyền, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) cũng lưu ý điểm mới: đề minh họa không tập trung vào kiểm tra trắc nghiệm dạng có nhiều lựa chọn như trước, mà có thêm dạng trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn.
Dạng trắc nghiệm đúng/sai đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng toàn diện mới được điểm tối đa. Dạng trắc nghiệm trả lời ngắn đòi hỏi thí sinh có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn.
Các câu hỏi ở cả 3 dạng trắc nghiệm có rất nhiều hình ảnh. Do đó, học sinh không chỉ nắm được kiến thức cơ bản còn phải có kĩ năng khai thác kênh hình.
Nhiều câu hỏi gắn với bối cảnh thực tiễn, đời sống, khoa học có giá trị giúp cho đề thi đa dạng hơn không nặng về ghi nhớ kiến thức.
Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) trong giờ học. |
Cho học sinh làm quen với định dạng đề thi mới
Nhận định minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 môn Sinh học Bộ GD&ĐT công bố đánh giá theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, cô Bùi Thị Thu Huyền đồng thời chia sẻ một số lưu ý áp dụng đề minh họa trong dạy học và ôn tập kiến thức.
Cụ thể, trong dạy học, giáo viên tích cực sử dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực phát triển năng lực của học sinh. Thầy cô chú trọng sử dụng kho học liệu số, khai thác kênh hình để không chỉ giúp bài giảng sinh động mà còn rèn luyện học sinh kĩ năng quan sát, phân tích, tiếp thu kiến thức một cách chủ động.
Dạy phần khởi động, giáo viên có thể áp dụng bài tập tình huống thực tế, nhằm tạo hứng thú cho học sinh trước bài học và giúp các em nắm bắt kiến thức thực tế.
Sau mỗi tiết học, giáo viên đưa ra các dạng câu hỏi để luyện tập củng cố kiến thức (câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn, câu hỏi đúng/sai, câu hỏi trắc nghiệm ngắn, câu hỏi điền khuyết…).
Với hoạt động vận dụng, giáo viên tích cực đưa ra bài tập, câu hỏi liên hệ thực tế để học sinh phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng. Thầy cô cũng cần quan tâm lồng ghép kiến thức thực tế qua các bài thực hành.
Trong ôn tập, cô Bùi Thị Thu Huyền cho rằng, giáo viên cần xây dựng đa dạng các dạng câu hỏi ôn tập như: câu hỏi câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn, câu hỏi đúng/sai, câu hỏi trắc nghiệm ngắn, câu hỏi điền khuyết, câu hỏi ghép nối… để ôn luyện kiến thức qua mỗi chương, mỗi phần.
Đồng thời, thầy cô tích cực khai thác các hình ảnh đưa vào các dạng câu hỏi ôn tập kiến thức để tăng tính hấp dẫn bài học, môn học.
Đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 môn Sinh học gồm 40 câu hỏi/lệnh hỏi; thời gian làm bài 50 phút. Trong đó có 18 câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn; 4 câu trắc nghiệm đúng/sai (mỗi câu 4 lệnh hỏi) và 6 câu trắc nghiệm trả lời ngắn.