Nhiều câu hỏi gắn với phần thực hành
Theo đó, về nội dung, mức độ kiến thức, đề minh họa bám sát chương trình lớp 10 và yêu cầu thí sinh các kiến thức từ mức độ nhận biết, thông hiểu cho đến vận dụng. Nhiều câu hỏi áp dụng kiến thức vào cuộc sống.
Các câu hỏi lồng ghép hình ảnh, bảng, biểu đồ, bảng số liệu đòi hỏi thí sinh có kĩ năng phân tích số liệu tốt. Cụ thể các dạng câu hỏi trong đề minh họa như sau:
Dạng 1: Trắc nghiệm truyền thống, trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Dạng này xuất hiện với các câu hỏi nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Thí sinh cần phân tích các thông tin có trong câu hỏi, các thông tin có trong hình ảnh, bảng, biểu đồ và phối hợp với các kiến thức mình có để lựa chọn phương án trả lời phù hợp.
Dạng 2: Trắc nghiệm đúng sai. Đây là một dạng câu hỏi phát triển hơn so với truyền thống trước đây, trên thế giới đã áp dụng nhiều, ở Việt Nam nay mới bắt đầu áp dụng. Với dạng câu hỏi này, thí sinh phải nắm chắc bản chất và trả lời chính xác câu hỏi. Mỗi ý xác suất đúng/sai là 50% và do đó để đủ điểm cho câu hỏi với các thí sinh “đoán mò” chỉ còn lại 6,25% cơ hội có đủ điểm với mỗi câu hỏi.
Đề thi đòi hỏi thí sinh có kĩ năng đọc hiểu, tuy nhiên chưa thấy xuất hiện dạng đọc hiểu giống như kì thi đánh giá năng lực hay kì thi đánh giá tư duy.
Dạng 3: Dạng câu hỏi trả lời ngắn. Đây là các câu hỏi đòi hỏi thí sinh có đủ kiến thức, các kĩ năng tính toán và điền các giá trị phù hợp vào ô trống, dấu ba chấm…
Nhiều câu hỏi gắn chặt với phần thực hành trong sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018. Do vậy việc giảng dạy các nội dung thực hành này tại nhà trường phải tuân thủ nghiêm túc để học sinh có đủ kiến thức, kĩ năng giải quyết các câu hỏi dạng này.
Yếu tố tính toán “rất khó”, “phi sinh học” đã dần được thay thế, bản chất môn Sinh học được đưa vào mỗi từng câu hỏi trong đề. Học sinh cần hiểu bản chất kiến thức môn Sinh để có thể đạt điểm cao trong đề này.
Phù hợp mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH
Với đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 môn Sinh học, yếu tố may mắn cũng được hạn chế. Thí sinh phải lựa chọn đúng/sai đúng 4 ý mới được 1 điểm. Thí sinh lựa chọn đúng/sai đúng 3 ý chỉ được 0,5 điểm cho câu hỏi. Thí sinh lựa chọn đúng/sai đúng 2 ý được 0,25 điểm. Thí sinh lựa chọn đúng/sai đúng 1 ý được 0,1 điểm.
Việc đưa câu hỏi điền phương án ngắn cũng là một giải pháp tránh “yếu tố may mắn” trong quá trình làm bài thi. Đòi hỏi thí sinh nắm chắc kiến thức để không mất điểm. Tuy nhiên, vì câu trả lời ngắn, dễ quan sát nên quá trình coi thi cần cực kì nghiêm túc để tránh các gian lận trong quá trình thi cử giữa các thí sinh.
Với đề thi dạng này, để đạt điểm 10 không dễ nhưng thí sinh có đủ kiến thức vẫn có đủ tự tin làm bài đạt điểm cao.
Do kiến thức mới chỉ tập trung ở lớp 10 do vậy chưa có hình dung về câu hỏi ở chương trình 12, nơi kiến thức phần Di truyền được đưa vào sẽ có dạng như thế nào.
Đề thi này, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, dùng kết quả xét tuyển vào một số trường đại học ở tốp giữa. Còn đối với các trường đại học ở tốp đầu có vẻ cần có sự phân hóa kiến thức hơn nữa.