Nghiên cứu minh họa định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Toán, cô Nguyễn Thị Hoài Thu, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cho rằng, đề phân loại học sinh rõ ràng, đánh giá được sát hơn năng lực và tư duy của học sinh; từ đó dẫn đến kết quả thực chất hơn.
Cũng đánh giá tích cực về đề minh họa, cô Đỗ Thị Quỳnh Ngọc, Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: với thời gian làm bài 90 phút, cấu trúc đề thi môn Toán và số lượng câu hỏi có sự thay đổi lớn.
Theo đó, đề có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng. Dạng thức 1 (3 điểm) là trắc nghiệm 4 lựa chọn quen thuộc gồm 12 câu ở mức độ nhận biết nhanh các khái niệm, định nghĩa và công thức (dạng thức này đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam).
Dạng thức 2 (4 điểm): Câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai gồm 4 câu, mỗi câu có 4 ý và buộc thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi.
Dạng thức mới này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.
Dạng thức 3 (3 điểm): Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn, gồm 6 câu vận dụng kiến thức tổng quát để giải. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Để làm được, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Với những thay đổi đó, cô Đỗ Thị Quỳnh Ngọc cho biết, tổ Toán - Tin của Trường THPT Trần Quang Khải đã có những kế hoạch cụ thể cho việc dạy học và ôn tập của học sinh khối 10 và khối 11.
Theo đó, tăng cường vấn đáp trong quá trình dạy học để học sinh hiểu bản chất, phát triển năng lực giao tiếp, tư duy và lập luận toán học. Đưa câu hỏi mở để học sinh tự tìm được kết quả theo định hướng. Yêu cầu học sinh trình bày ngắn gọn các bài tập ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
“Chúng tôi cũng thay đổi cách kiểm tra đánh giá, đưa 3 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm vào bài kiểm tra giữa kì, cuối kì và bài kiểm tra chuyên đề để học sinh làm quen và hiểu được cách thức trả lời. Cùng với đó, tăng cường các bài toán thực tiễn vào trong quá trình dạy học”, cô Đỗ Thị Quỳnh Ngọc chia sẻ.