Lưu học sinh 'mê' Tết Việt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tết Nguyên đán là cơ hội để lưu học sinh nước ngoài tìm hiểu văn hóa và phong tục truyền thống người Việt Nam.

Lưu học sinh tại Trường Đại học Hà Nội được nhận lì xì trong chương trình Tết Việt 2023. Ảnh: NTCC
Lưu học sinh tại Trường Đại học Hà Nội được nhận lì xì trong chương trình Tết Việt 2023. Ảnh: NTCC

Đây cũng là dịp để “trò Tây” trải nghiệm không khí sum vầy, đoàn tụ trên dải đất hình chữ S.

Trải nghiệm văn hóa Việt

Những ngày đầu năm 2024, Maikheun Boualaphanh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, du học sinh Lào, có chung niềm háo hức, ngóng chờ Tết Nguyên đán với các bạn người Việt.

Từng đón Tết tại Việt Nam hai lần, Maikheun Boualphanh cảm thấy không khí Tết cổ truyền rất nhộn nhịp, vui vẻ. Nam sinh còn cảm nhận được sự ấm áp, hạnh phúc khi chứng kiến các gia đình sum vầy, đoàn tụ.

Chia sẻ về kỷ niệm đón Tết tại Việt Nam, Maikheun Boualaphanh kể: “Nhớ nhất lần đầu tiên được ăn bánh chưng có vỏ ngoài là lớp gạo nếp thơm dẻo, bên trong thịt mỡ, đậu xanh. Em ấn tượng với hương vị, ý nghĩa của bánh chưng.

Ngoài ra, chuẩn bị đón Tết, mọi nhà đều mua hoa đào, cây quất về trang trí. Ở Lào không có phong tục này nên em thấy rất đẹp và thích cách trang trí, bày biện đón Tết của người Việt Nam”.

Trong hai năm đón Tết ở Việt Nam, Maikheun Boualaphanh thường cùng một số lưu học sinh Lào hoặc người Việt Nam đi chơi. Biết người Việt có câu: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, nam sinh và các bạn cũng dành thời gian đi thăm và gửi tặng thầy cô những lời chúc mừng tốt đẹp nhất dịp năm mới.

Theo Maikheun Boualaphanh, Tết cổ truyền ở Việt Nam có nhiều điểm khác với Tết cổ truyền Bunpimay của Lào. Một trong những điểm mà nam sinh ấn tượng là người Việt sẽ gác lại mọi công việc, trở về đoàn tụ cùng gia đình; tổ chức ăn uống, tụ họp để cùng nhau chia sẻ về những chuyện vui buồn một năm vừa qua.

Ngoài ra, trong ngày Tết ở Việt Nam, hầu hết hàng quán đều đóng cửa. Ở lại Thủ đô đón Tết nên Maikheun Boualaphanh bất ngờ với khung cảnh mùng 1 phố xá vắng người. “Chỉ đến Tết Nguyên đán em mới được trải nghiệm một Hà Nội yên bình như thế”, Maikheun Boualaphanh chia sẻ.

Còn ở Lào, khi Tết đến, không nhiều gia đình tụ họp. Ở thành phố, người dân cùng nhau tổ chức đón năm mới sau đó té nước vào nhau. Họ tin rằng điều này sẽ gột rửa bệnh tật, tiêu cực và cầu chúc cho mọi người năm mới sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.

“Trong hai năm đón Tết ở Việt Nam, nhà trường, thầy cô đều quan tâm và hỗ trợ lưu học sinh. Trường tặng bánh chưng, đồ ăn, quà, tiền mặt cho chúng em và tổ chức một buổi liên hoan để mọi người cùng đón chào năm mới”, Maikheun Boualaphanh nhớ lại.

Bước sang năm 2024, lưu học sinh Lào Maikheun Boualaphanh gửi đến những người dân Việt Nam lời chúc “mạnh khỏe, hạnh phúc và an khang thịnh vượng”.

Còn Yasuko Suzumori - lưu học sinh Nhật Bản, sinh viên Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội, chia sẻ ấn tượng với hình ảnh người dân chở những cây quất, đào lớn sau yên xe máy. Vì Nhật Bản đã bỏ tổ chức Tết Nguyên đán, chỉ đón năm mới dương lịch nên nữ sinh thấy ngạc nhiên xen lẫn thích thú khi chứng kiến người Việt chuẩn bị Tết.

Lần đầu tiên Yasuko Suzumori đón Tết Nguyên đán là năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Thấy người Việt Nam tất bật chuẩn bị Tết, Yasuko Suzumori không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà nhưng nhờ sự quan tâm của nhà trường, bạn bè, nữ sinh được “hòa mình” vào không khí Tết Việt.

Yasuko Suzumori kể: “Tôi về thăm nhà một người bạn ở Hà Nội và cùng gia đình bạn đón Tết. Tôi được thưởng thức mâm cơm Tết của người Việt với nhiều món ăn ngon như nem rán, bánh chưng, xôi gấc... Ăn xong, mọi người cùng nhau uống trà, ăn bánh kẹo, xem chương trình Tết rất vui, khiến tôi có cảm giác thân quen, ấm áp”.

Từ trải nghiệm đón Tết Nguyên đán, Yasuko Suzumori hiểu rằng điều khiến ngày lễ này trở nên đặc biệt với người Việt nằm ở sự đoàn tụ, sum vầy. Nữ sinh rất háo hức đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để chứng kiến những cành đào, cành quất “tô điểm” phố phường Hà Nội.

Cầu nối văn hóa

Maikheun Boualaphanh tham quan các di tích tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

Maikheun Boualaphanh tham quan các di tích tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Xuân - Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội, hằng năm, nhà trường tổ chức các chương trình Tết Việt giúp lưu học sinh hiểu biết và yêu nét đẹp truyền thống Tết Nguyên đán.

Tại chương trình, các em được trải nghiệm gói bánh chưng, thưởng thức các món ăn truyền thống Tết Việt như giò lụa, dưa hành... Thầy cô cũng dành tặng những phong bao lì xì và lời chúc tốt đẹp tới các em.

Thông qua chương trình, Trường Đại học Hà Nội mong sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia sẽ hiểu hơn phong tục tập quán Việt Nam và trở thành cầu nối cho những nền văn hóa trên thế giới.

PGS.TS Nguyễn Quốc Tiến - Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng ban Quản lý lưu học sinh, Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết, nhà trường luôn quan tâm, tổ chức cho lưu học sinh Lào, Campuchia đón Tết cổ truyền Việt Nam. Thầy, cô giáo cũng hướng dẫn lưu học sinh chuẩn bị nhu yếu phẩm trong thời gian nghỉ Tết tại ký túc xá do chợ, cửa hàng chưa mở cửa.

Hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam và Lào, nhà trường đều tổ chức tiệc chiêu đãi, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao... cho lưu học sinh, thầy cô, sinh viên Việt Nam. Ban giám hiệu nhà trường cũng đến chúc Tết, trao lì xì cho lưu học sinh ngày đầu năm mới.

Điều này giúp lưu học sinh vơi đi cảm giác nhớ nhà, quê hương trong thời gian học tập ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để sinh viên Việt Nam - Lào - Campuchia giao lưu, chia sẻ và quảng bá về văn hóa, phong tục truyền thống các nước.

Còn tại Trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội, nhiều năm nay luôn có lưu học sinh ở lại Việt Nam dịp Tết Nguyên đán. ThS Đặng Hương Giang - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên cho hay, lưu học sinh không về nước có thể ở lại ký túc xá, được đảm bảo duy trì điện, nước và có nhân viên trường trực để hỗ trợ các em.

“Trước đó, nhà trường tổ chức chương trình đón Tết cổ truyền. Lưu học sinh được tặng quà là những món ăn mang hương vị Tết, lì xì, lời chúc mừng năm mới... từ thầy cô. Đây là hoạt động giao lưu giúp lưu học sinh bồi đắp tiếng Việt, văn hóa Việt và giao lưu với bạn bè người Việt”, ThS Đặng Hương Giang cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.