Lưu giữ nghề chạm bạc của người Dao Tiền

GD&TĐ - Người Dao Tiền rất coi trọng trang sức bằng bạc, đặc biệt trong trang phục của phụ nữ. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, cuộc sống hiện đại đã ảnh hưởng ít nhiều đến nghề chạm bạc.

Ông Lý Phú Cát dựng nhà giữa rừng để yên tĩnh làm nghề chạm bạc.
Ông Lý Phú Cát dựng nhà giữa rừng để yên tĩnh làm nghề chạm bạc.

Người thổi lửa giữa núi rừng

Xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) có nhiều bản làng của người Dao sinh sống. Trong cộng đồng người Dao Tiền huyện Nguyên Bình chỉ còn duy nhất ông Lý Phú Cát, 55 tuổi, còn duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại.

Ông đã chuyển ra khỏi làng và tự dựng một căn nhà nhỏ lẻ loi giữa núi rừng yên tĩnh để làm nghề chạm bạc. Phải đi một đoạn đường khá xa và ngoằn ngoèo giữa núi rừng, vừa đi vừa hỏi người dân chăn trâu bò bên đường mới có thể tìm đến căn nhà nhỏ của ông. 

Vừa uống nước, vừa trò chuyện về nghề chạm bạc, ông trăn trở: “Từ nhỏ tôi đã xem bố chạm bạc, cũng học dần, nhưng phải động tay vào dụng cụ, làm nhiều lần, làm các loại trang sức cho thành thạo thì đến năm 18 tuổi mới chính thức biết.

Nghề này đòi hỏi cẩn thận từng bước, và phải làm cho đúng hẹn vì nhiều trang sức làm cho con gái nhà họ đi lấy chồng, phải đủ bộ. Tôi cũng muốn có người theo học nghề để có người phụ việc, mà sau này cũng không thất truyền, nhưng người trẻ giờ không ai thích làm nữa, vì nghề này khó lắm”.

Trò chuyện một lát, như thường lệ ông bắt đầu công việc của mình. Đồ nghề của ông được sắp xếp gọn gàng. Những sản phẩm đang làm dở cho khách hàng ông để riêng trong một túi. Sau khi sẵn sàng cho công việc, ông bắt đầu những thao tác để tạo nên hoa văn trên trang sức bạc, tất cả đều chậm rãi và chắc chắn. Những hoa văn nhỏ dần hiện lên đòi hỏi kinh nghiệm, sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ mới có thể thấy nghề thủ công này đã tạo nên phong thái điềm đạm của ông. 

Có lẽ dòng chảy của thời gian, cuộc sống hiện đại đã tác động ít nhiều đến cuộc sống người dân nơi đây. Những trang phục hiện đại có giá thành rẻ, bày bán ngoài chợ được bà con sử dụng hàng ngày nên rất ít người mặc trang phục truyền thống. Chỉ đến những ngày lễ, tết quan trọng thì họ mới dùng đến trang sức bằng bạc cùng với bộ quần áo truyền thống của mình.

Những trang sức bạc bày bán trên thị trường cũng rất nhiều nhưng được chế tác theo kĩ thuật hiện đại, sáng hơn, đẹp hơn. Nếu người dân có nhu cầu mua họ chỉ cần ra chợ mua là được. Hiện nay, trong làng ông Cát người trẻ không còn ai thích nghề bạc vì độ khó. Họ muốn làm nghề đơn giản hơn, chính vì vậy mà nghề chạm bạc thủ công của người Dao Tiền nơi đây bị mai một đi rất nhiều. 

Chiếc vòng cổ bằng bạc mà ông Cát đang hoàn thiện cho khách hàng.
Chiếc vòng cổ bằng bạc mà ông Cát đang hoàn thiện cho khách hàng.

Sản phẩm thủ công có nét đặc sắc riêng

Mặc dù vậy, biết được giá trị của trang sức bạc truyền thống, nhiều người dân Dao Tiền vẫn đến để ông Cát chế tác những trang sức bằng bạc được dùng cho ngày lễ quan trọng, đặc biệt là lễ cưới. Cô dâu người Dao Tiền trước khi đi lấy chồng phải có đủ bộ trang sức, tính thành tiền có thể giá trị lên đến 40 triệu đồng, chế tác trong khoảng 1 tháng.

Họ mang những thỏi bạc thô đến để ông nung lên và chạm thành sản phẩm theo yêu cầu. Vì thế, sản phẩm thủ công của người Dao Tiền có nét đặc sắc riêng về hoa văn, hình khối, chất lượng sản phẩm khác biệt hẳn đồ có sẵn bày bán ngoài chợ.

Đồ nghề của ông rất phong phú, đủ các loại kích thước và hình dáng. Mỗi loại trang sức, mỗi công đoạn chế tác lại dùng một dụng cụ riêng, kĩ thuật riêng biệt. Nhìn những chiếc dùi nhỏ xíu được dựng ngay ngắn trong ống tre một cách cẩn thận được ông đem ra chạm những hoa văn trên đồng bạc một cách từ từ có thể hiểu công việc này không dành cho những người có tính nóng vội.

Ông Cát nói “những đồ nghề này có từ rất lâu rồi, của các cụ truyền lại cho, cũng không nhớ có tất cả bao nhiêu cái nhưng phải đếm mới biết được, mỗi cái dùi nhỏ này lại có tác dụng riêng, phải được học từ nhỏ thì mới lành nghề được. Chỉ cần thiếu vài thứ đồ là không thể làm được đâu”. 

Vì tay nghề của ông rất tốt, có tiếng từ mấy đời ở địa phương cho nên mỗi khi có việc cần dùng đến trang sức bạc người dao tiền nơi đây lại tìm đến ông để nhờ cậy. Có khi là vòng bạc gia truyền đã quá cũ bị mờ chữ và hoa văn để ông sửa lại cho bóng đẹp và khắc lại chữ mới hơn.

Người ta mang bạc đến để ông gia công thành sản phẩm theo yêu cầu như vòng cổ, chuông, đồng tiền đeo trước ngực, vòng tay hay chiếc nhẫn. Mỗi sản phẩm ông chỉ lấy tiền công vài trăm nghìn đồng tùy vào độ khó và số lượng của sản phẩm.

Thu nhập của ông Cát từ nghề chạm bạc khoảng 80 triệu đồng/năm. Đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ đối với người dân nơi đây.

Chính những trang sức mà ông Cát đang làm đã thể hiện sự phân biệt rõ nét giữa người Dao Tiền với các dân tộc khác. Người Dao Tiền cho rằng những đồ trang sức làm bằng bạc ngoài làm đẹp còn giúp trừ tà ma, tránh gió độc, được thần linh phù hộ. Tiếng gõ chạm bạc đều đều, tiếng thổi lửa nung bạc của ông vẫn vang lên giữa núi rừng Phia Oắc cũng chính là sự thể hiện tình yêu của ông đối với nghề truyền thống của tổ tiên để lại cũng như là tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.