Chi phí “cứng” là những khoản chi phí để đảm bảo những điều cơ bản cho một cuộc sống gia đình được thoải mái mà tháng nào cũng phải chi trả gần gần giống nhau như tiền thuê nhà, điện, nước, điện thoại, internet, …
Đối với một gia đình chỉ có hai người và thu nhập không cao thì không nên tiêu tốn quá nhiều tiền để thuê một căn hộ rộng và đắt tiền.
Một căn phòng sạch sẽ, thoáng mát, thoải mái với giá khoảng tầm 1,7 đến 2 triệu một tháng sẽ là sự lựa chọn hợp lý hơn.
Tiền điện, nước, internet trong vòng khoảng 500.000 đồng. Như vậy một tháng bạn tốn khoảng hơn 2 triệu cho phần chi phí nhà ở.
Phần chi phí này ít có sự biến động nhưng bạn nên có ý thức tiết kiệm điện nước để tránh việc đau đầu với hóa đơn điện, nước vào mỗi cuối tháng.
Chi phí sinh hoạt bao gồm tiền ăn, tiền xăng xe, tiền mua đồ dùng cần thiết và hàng tá loại chi phí không tên khác…
Phần chi phí này chiếm phần lớn trong tổng chi tiêu của gia đình và nó có thể có sự khác biệt hàng tháng tùy thuộc vào cách sắp xếp sinh hoạt và chi tiêu của mỗi gia đình ở mỗi thời điểm khác nhau.
Kế hoạch chi tiêu cho một gia đình hai người nên “hoạch định” chi phí sinh hoạt mỗi tháng nên ở trong khoảng 6 triệu.
Tiền ăn hàng tháng nên ở khoảng 3,2 triệu. Ăn sáng mỗi ngày từ 25.000 – 30.000 đồng, ăn trưa và tối khoảng 80.000 đồng.
Để kiểm soát được mức chi tiêu này cũng không quá khó chỉ cần một chút khéo léo trong khi đi chợ và sắp xếp việc ăn uống hằng ngày là có thể ổn định được việc này.
Tiếp theo là những khoản tiền chi trả cho những vật dụng không thể thiếu cho cuộc sống như xà phòng, bột giặt, nước xả vải, kem đánh răng, nước rửa chén,… khoảng độ 500.000 đồng một tháng.
Tiền xăng xe đi lại khoảng 500.000 đồng. Nếu thuê được nhà ở gần chỗ làm thì sẽ tiết kiệm hơn hoặc bạn có thể đi làm bằng xe buýt thì khoản chi phí này cũng sẽ được thu hẹp lại.
Quản lý tài chính tốt thì với khoản lương 10 triệu vẫn đủ cho một gia đình nhỏ sống ung dung. (Ảnh minh họa) |
Trước khi quyết định mua một món hàng, thay vì “mua lấy được”, bạn hãy tự đặt câu hỏi “Mình có thật sự cần nó không?”, “Còn cách nào tiết kiệm hơn không?”,...
Hoặc thay vì thích cái gì là mua, hãy tích cực săn hàng khuyến mại và tích trữ đồ dùng cá nhân trong những đợt giảm giá.
Ngoài ra, hãy thiết lập thói quen tiêu dùng thông minh ngay từ những hoạt động đơn giản thường ngày. Ví dụ, thay vì thường xuyên ăn tiệm, hãy mang đồ ăn trưa đi làm.
Thay vì tụ tập đám bạn đi ăn quán, tại sao bạn không thử mua vài món ăn đơn giản về nhà chế biến, vừa nấu vừa tám chuyện trên trời dưới đất...
Khoản chi phí nên thận trọng và có kiểm soát nhất đó là chi phí cho việc giải trí của hai vợ chồng. Tất nhiên, cũng không nên quá “thắt lưng buộc bụng” vì nhu cầu giải trí là nhu cầu hoàn toàn tự nhiên của con người.
Mức chi phí không thể thiếu này là khoảng 500.000 đồng cho những buổi xem phim cuối tuần hay khám phá một quán cà phê mới mẻ thú vị nào đó của hai vợ chồng bạn.
Vui chơi giải trí sẽ giúp bạn sống vui vẻ hơn, sau đó làm việc hiệu quả hơn nhưng cũng đừng quá phung phí tiền vào khoản này.
Các chi phí phát sinh như tiền khám chữa bệnh thông thường, sửa xe hay sữa chửa vật dụng gia đình,… chiếm khoảng 500.000 đồng trong kế hoạch chi tiêu của gia đình.
Một khoản khác cho việc mua sắm quần áo, giày dép, túi xách, mũ nón… cộng với các vật dụng lặt vặt khác trong gia đình là khoảng 1 triệu đồng.
Có những chi phí khác trong cuộc sống mà bạn không thể không chú ý tới như tiền lễ nghĩa với bố mẹ hai bên hay tiền đi đám cưới, lễ tiệc cũng chiếm một phần “ngân sách” của gia đình.
Khoản tiền dành cho việc này khoảng độ 1 triệu đồng. Chi phí này có thể được điều chỉnh để phù hợp với từng thời điểm hay từng gia đình.
Và một “chi phí” khá quan trọng cho mỗi gia đình đó là khoản tiền “nuôi heo đất”. Dù bạn thu nhập không cao thì cũng nên dành ra một khoản nho nhỏ để dành để chuẩn bị những trường hợp bất ngờ xảy ra.
Bên cạnh đó, để dành tiền còn giúp vợ chồng bạn có ý thức trách nhiệm và nỗ lực làm việc tốt hơn. Khoản tiền để dành cho hai vợ chồng khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng.
Bạn có thể để dành từng ít mỗi ngày, không nhất thiết dồn ngay một số tiền lớn để “nhét” vào heo đất, như vậy dễ gây cảm giác thiếu thốn, thâm hụt trong chi tiêu gia đình .
Dù bạn thu nhập không cao thì cũng nên dành ra một khoản nho nhỏ để dành để chuẩn bị những trường hợp bất ngờ xảy ra. |
Khi chia sẻ về kế hoạch chi tiêu này, chị Hải tâm sự: “Trước đây khi chưa có gia đình hoặc mới lấy chồng nhưng chưa có con, mình cũng thường xuyên rơi vào trạng thái thiếu tiền và đi vay cuối tháng.
Nhưng từ ngày được chị gái mình chia sẻ các chi tiêu và các mẹo chi tiêu, mình áp dụng và thấy khá tự tin với cách chi tiêu của mình.
Trong khi mọi người cứ giữa tháng kêu hết tiền, hay trợn tròn mắt vì phát hiện tiền đi đâu hết thì cuối tháng mình vẫn khỏe re, ung dung vì lúc nào cũng còn tiền. Thậm chí nhà có việc đột xuất mình vẫn có khả năng tài chính dù đang ở giữa tháng, cuối tháng”.
- Cuối tháng khi vợ chồng vừa lĩnh lương xong, chị Hải sẽ tính toán ngay các khoản cố định cần chi. Sau đó chị nhét vào 1 phòng bì, để vào tủ.
Những khoản cố định này bao gồm tiền học cho con, tiền điện nước, tiền sữa, tiền ăn… Bởi những khoản này hầu như tháng nào cũng cố định, ít xê dịch nhiều.
Làm như vậy, nếu có lỡ mua sắm quá tay thì vẫn còn những khoản này. Hoặc khi tiền bị thâm hụt, bạn sẽ biết được rõ là do khoản nào.
Chìa khóa cho vấn đề chi tiêu hợp lý trong gia đình không phải nằm ở việc thu nhập cao hay thấp mà nằm ở sự khéo léo sắp xếp chi tiêu một cách hợp lý.
Tiết kiệm những khoản chi không cần thiết, lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch chi tiêu, viết nhật ký chi tiêu gia đình hàng ngày để tiện theo dõi cũng là những cách giúp bạn phần nào vượt qua được những khó khăn về tài chính để cuộc sống được thoải mái hơn.
Chú ý: Các khoản tiền cho từng hạng mục trên có thể xê dịch tùy vào từng gia đình, làm sao khi cộng lại chi phí cao nhất chỉ là 10 triệu đồng.
Để quản lý tài chính tốt nhất, bạn đừng quên lập danh sách chi tiêu cho từng hạng mục kể trên ngay từ khi nhận lương và phải thực hiện đến cùng, đừng "vung tay quá trán" cho bất kì hạng mục chi tiêu nào.
Trường hợp có những hạng mục như: Biếu cha mẹ, đám hiếu hỷ phải chi vượt chỉ tiêu thì những khoản chi tiêu khác phải được co hẹp lại để đảm bảo "cả tháng no nê" cho cả nhà.