Lầu Năm Góc đang chuẩn bị tăng cường sự hiện diện của mình trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách triển khai 28.500 quân vào năm 2025, đánh dấu sự leo thang đáng kể trong các cam kết quân sự nhằm chống lại các mối đe dọa trong khu vực.
Động thái này, được củng cố bằng việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật chính sách quốc phòng thường niên, cho thấy quyết tâm không lay chuyển của Washington trong việc bảo vệ Hàn Quốc thông qua các biện pháp răn đe mở rộng, bao gồm cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Sự tăng cường này càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh có nhiều lo ngại về cách tiếp cận chiến lược quân sự của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump trong khu vực.
Được biết đến với chủ trương giảm triển khai quân đội Mỹ ở nước ngoài, động thái tiềm tàng của ông Trump nhằm cắt giảm lực lượng và tập trận quân sự chung có thể thách thức liên minh lâu đời với Seoul, khiến Lầu Năm Góc phải chạy đua để thiết lập nền tảng vững chắc trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1/2025.
Kế hoạch triển khai năm 2025 được thiết kế nhằm ngăn chặn các mối đe dọa leo thang, đặc biệt là từ các chương trình hạt nhân và tên lửa đang phát triển của Triều Tiên, khiến khu vực này luôn phải trong tình trạng báo động cao.
Bằng cách cam kết một lực lượng đáng kể và nhấn mạnh ô hạt nhân như một phần trong chiến lược phòng thủ, Mỹ không chỉ tái khẳng định cam kết của mình đối với Hàn Quốc mà còn đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc cho các đối thủ.
Với căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sự gia tăng dấu ấn quân sự này nhấn mạnh quyết tâm của Washington trong việc duy trì sự ổn định trong khu vực.
Quyết định này gửi đi một thông điệp rõ ràng: bất kỳ hành động tấn công nào đối với Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với lực lượng áp đảo của Mỹ, được hỗ trợ bởi toàn bộ các năng lực thông thường và chiến lược.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết trong một báo cáo mới đây rằng, sự răn đe mở rộng của Mỹ đối với quốc phòng và đảm bảo an ninh của Hàn Quốc thậm chí bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Seoul bị đe dọa.