Lực lượng không quân thứ 4 thế giới đã thay đổi số phận của Rafale

GD&TĐ - Tiêm kích Rafale của Pháp đã "đổi đời" sau khi lực lượng không quân lớn thứ 4 thế giới của Ấn Độ đã chọn mua loại máy bay này.

Lực lượng Không quân UAE đã đặt mua tới 80 chiếc Rafale
Lực lượng Không quân UAE đã đặt mua tới 80 chiếc Rafale

Theo bài viết trên EurAsian Time, người mua thứ 8 của dòng máy bay Rafale của Dassault Aviation là quốc gia Đông Nam Á Indonesia mới đây đã kích hoạt hợp đồng mua sắm thứ hai gồm 18 chiếc máy bay chiến đấu của Pháp.

Đơn đặt hàng này bổ sung cho 42 máy bay chiến đấu mà họ đã mua trong hợp đồng trước đó.

Đây là một câu chuyện dài đối với Rafale, một máy bay chiến đấu đặc trưng của Pháp, vốn trước đây còn lâm vào tình cảnh “bán chẳng ai mua”, nhưng hiện nay, Tập đoàn Dassault đã gây bão thế giới như với vài chục tỷ USD thu về từ gần 10 quốc gia mua sắm máy bay phản lực Rafale.

Lịch sử quá trình phát triển

Quá trình phát triển máy bay mất rất nhiều thời gian của Dassault Aviation. Thiết kế máy bay được bắt đầu biết đến vào ngày 04/7/1986.

Chương trình chế tạo được chính thức khởi động vào tháng 1/1988, nguyên mẫu cất cánh vào ngày 19/5/1991 và chiếc Rafale F1 đầu tiên được giao cho Hải quân Pháp đúng một thập kỷ sau, vào ngày 18 tháng 5 năm 2001.

Rafale hiện có ba loại hình máy bay, trong đó, phiên bản một chỗ ngồi Rafale C cho không quân, phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi cho Rafale B của không quân và phiên bản một chỗ ngồi cho Hải quân là Rafale M.

Rafale B và C được đưa vào phục vụ trong Không quân Pháp vào tháng 6/2006, khi phi đội đầu tiên được thành lập.

Ngoài ra, Tập đoàn Dassault Aviation đã nhận được hợp đồng phát triển máy bay tiêu chuẩn Rafale F4 vào tháng 1 năm 2019. Việc phát triển phiên bản tiêu chuẩn mới nhất dự kiến sẽ hoàn thành ​​vào năm 2024.

Nhà sản xuất máy bay Dassault Aviation nói rằng, Rafale có thể thực hiện “nhiều vai trò nhất” với số lượng máy bay ít nhất.

Rafale đã thất bại trong hàng loạt cuộc đấu thầu mua sắm máy bay
Rafale đã thất bại trong hàng loạt cuộc đấu thầu mua sắm máy bay

Loại máy bay tiêm kích đa chức năng hai động cơ này có khả năng thực hiện chiến đấu không đối không hoặc có thể ném bom xuống các mục tiêu trong nhiệm vụ không đối đất. Ngoài ra, nhờ có máy ảnh, radar và cảm biến, nó còn có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo.

Nó có thể mang theo tên lửa không đối không tầm xa Meteor, tên lửa không đối không Beyond Visual Range (BVRAAM) MICA, tên lửa tấn công mặt đất tầm xa SCALP-EG (phiên bản Pháp của Storm Shadows), tên lửa chống hạm AM-39 Exocet, cùng với bom dẫn đường bằng laser và bom thông thường.

Rafale tham gia nhiệm vụ thường trực “Cảnh báo phản ứng nhanh” (QRA), phòng không, nhiệm vụ kiểm soát trên không, nhiệm vụ răn đe hạt nhân, triển khai sức mạnh cho các nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ, nhiệm vụ tấn công sâu vào hậu phương địch, hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất, nhiệm vụ trinh sát…

Nỗi đau Rafale: Tiên tiến nhưng vẫn không bán được

Kể từ khi chính thức tiếp nhận vào biên chế, Pháp đã triển khai loại máy bay chiến đấu này ở Afghanistan, Libya, Iraq, Syria và Mali, nơi nó thực hiện một nhiệm vụ dài nhất vào năm 2013, kéo dài 9 giờ 35 phút trên không.

Khả năng chiến đấu xuất sắc của Rafale đã được trình bày trong một bài báo trước đó của EurAsian Times. Từ Afghanistan, Libya, Mali, Iraq & Syria, máy bay phản lực Rafale của Pháp được khẳng định là “vượt trội” so với các đối thủ ở khắp mọi nơi và chưa bao giờ bị bắn hạ.

Thế nhưng, mặc dù được coi là một trong những loại máy bay có thiết kế tốt nhất, tính năng tốt nhất trên thế giới nhưng loại máy bay chiến đấu đa năng của Pháp đã phải chật vật tìm người mua trong một thời gian dài.

Như EurAsian Times đã giải thích trước đó, mặc dù các nhà sản xuất Rafale đã tiếp thị rầm rộ, nhưng lĩnh vực quốc phòng tương đối nhỏ và kém hiệu quả của Pháp dường như đã đạt đến giới hạn của nó với chương trình máy bay chiến đấu.

Máy bay chiến đấu phiên bản hải quân Rafale-M trên tàu sân bay
Máy bay chiến đấu phiên bản hải quân Rafale-M trên tàu sân bay

Các dây chuyền sản xuất nhỏ không thể sản xuất máy bay một cách nhanh chóng hoặc hiệu quả và ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển của Pháp cũng ít ỏi hơn so với Mỹ hoặc Nga.

Ngoài ra, mức giá quá cao của Rafale được coi là một yếu tố quyết định khiến người mua cần phải cân nhắc.

Với những điểm yếu đó, hầu hết các quốc gia đã lựa chọn mua máy bay phản lực của Mỹ, không chỉ vì ưu thế kỹ thuật hàng đầu thế giới (không quá vượt trội so với Rafale), mà còn do họ có thể nhận máy bay rất nhanh với số lượng lớn, đồng thời cũng làm hài lòng người Mỹ.

Ngoài đơn đặt hàng ít ỏi từ Ai Cập và Qatar, danh sách đặt hàng của Rafale, chiếc chiến đấu cơ mang tên “cơn gió” trong tiếng Pháp, không có gì đáng để tự hào. Dassault Aviation đã thất bại trong các gói thầu mua sắm chiến đấu cơ ở các quốc gia Bỉ, Brazil, Canada, Phần Lan, Kuwait, Singapore và Thụy Sĩ.

Do đó, Dassault Aviation vào thời điểm đó dường như đã chấp nhận thua cuộc trên thị trường quốc tế, mặc dù tự hào về những phẩm chất tuyệt vời của Rafale. Tuy nhiên, không ai có thể ngờ rằng, Rafale đã đi một chặng đường dài kể từ đó, vươn lên thành loại máy bay bán chạy nhất hiện nay.

Bước ngoặt từ Không quân Ấn Độ

Bước ngoặt trong số phận của Rafale bắt đầu vào những năm đầu thập niên 2010, khi Ấn Độ - cường quốc không quân thứ 4 thế giới - quyết định lựa chọn loại máy bay này, thay vì Typhoon của Eurofighter, JAS 39 Gripen IN Thụy Điển, MiG-35 của Nga, cùng với F-16 và F-18 của Mỹ.

Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) đã đặt mua 36 chiếc Rafale vào năm 2012 và Dassault Aviation cũng đã hoàn thiện Rafale-M (viết tắt của từ “Marine”) cho lực lượng Hải quân Ấn Độ để có thể trang bị trên các tàu sân bay của mình.

Sau khi Ấn Độ quyết định lựa chọn Rafale chứ không phải Eurofighter Typhoon trong vòng đấu thầu cuối, cú hích từ lực lượng không quân lớn thứ 4 thế giới đã tạo ra một lượng lớn đơn đặt hàng cho các máy bay chiến đấu của Pháp.

Ngay sau đó, quốc gia giàu có ở Trung Đông là Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã ký một thỏa thuận lịch sử với Dassault Aviation để mua tới 80 chiếc Rafale.

Indonesia theo sau UAE về số lượng Rafale đặt mua với 42 chiếc chiến đấu cơ loại này. Vào ngày 11/8/2023, Jarkata kích hoạt hợp đồng mua sắm thứ hai cho 18 chiếc nữa.

Quốc gia Bắc Phi là Ai Cập trong hợp đồng đầu tiên đã mua 24 chiếc Rafale và đơn đặt hàng tiếp theo đã mua thêm tới 30 máy bay chiến đấu nữa.

Mathieu Durand, phát ngôn viên của Dassault Aviation trả lời phỏng vấn trên tạp chí “Khoa học Phổ biến” (Popular Science) rằng, loại máy bay hạng nhẹ và đa chức năng như Rafale sẽ dễ bán hơn. Mặc dù đã gây tranh cãi ở thời điểm trước đây, nhưng Rafale đã được nhìn nhận xứng đáng.

Dassault Aviation đã nhận được vài chục tỷ USD trong 10 năm qua, khi Indonesia trở thành quốc gia thứ 8 sử dụng máy bay chiến đấu Rafale, bên cạnh Hải quân và Không quân Pháp, Ai Cập, Qatar, Ấn Độ, Hy Lạp, Croatia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Hơn thế nữa, không chỉ những người sử dụng máy bay chiến đấu hiện tại của Pháp đang tăng thêm các đơn đặt hàng, mà còn có nhiều khách hàng tiềm năng đang xem xét khả năng mua sắm loại chiến đấu cơ hiện đại nhất của Pháp như: Saudi Arabia, Serbia, Malaysia, Iraq, Colombia và Bangladesh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ