Rất cần thiết
Góp ý về việc xây dựng Luật Nhà giáo, thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, Luật Nhà giáo nên sớm được ban hành.
Theo thầy Đạo, hiện nay ngành Giáo dục ngày càng được quan tâm, với nhiều Thông tư, Nghị định được ban hành nhằm mục đích thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục,... Cùng với đó là những cơ chế ưu tiên cho sinh viên học ngành Sư phạm.
Trong đó, quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định 116/2020/NĐ-CP nêu rõ: Sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Bên cạnh đó, những năm qua nhiều địa phương cũng chỉ đạo các trường đại học đào tạo chuyên ngành Sư phạm mở thêm các lớp chất lượng cao để thu hút thêm nhiều học sinh có trình độ vào ngành. Từ đó đội ngũ nhà giáo ngày càng có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cao; tâm huyết, chủ động đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Minh chứng rõ nét là đội ngũ nhà giáo đã thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid-19, thời tiết cực đoan (mưa bão, lũ lụt) hay thay mới sách giáo khoa,...
“Đời sống nhà giáo hiện nay cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là GV giảng dạy ở vùng núi cao, biển đảo. Từ những vấn đề thực tiễn cho thấy, cần thiết phải có Luật Nhà giáo”, thầy Đạo chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh chính sách, cơ chế đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, hiện vẫn còn số lượng giáo viên (GV) chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019; tình trạng GV có hành vi, việc làm chưa chuẩn mực, vi phạm đạo đức nghề giáo.
Cũng theo thầy Đạo, khi có Luật Nhà giáo sẽ giải quyết những bất cập, vướng mắc về đội ngũ GV. Qua đó nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo trong xã hội. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhà giáo ngang tầm với khu vực và thế giới.
“Đây là vấn đề không chỉ có đội ngũ nhà giáo mà phụ huynh, học sinh cả nước kỳ vọng”, thầy Đạo nói.
NGƯT Lê Văn Giáo trong giờ dạy Tiếng Anh tại Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Xương, Thanh Hóa). |
Đồng quan điểm, Nhà giáo Ưu tú Lê Văn Giáo - Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Xương, Thanh Hóa) cũng cho rằng: Luật Nhà giáo khi được ban hành, đưa vào thực hiện sẽ thúc đẩy giáo dục; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò quyết định chất lượng giáo dục, chất lượng nhà giáo, đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; bảo vệ hợp pháp, chính đáng quyền lợi nhà giáo, người lao động. Tạo hành lang pháp lý trong chế độ đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng và tôn vinh,...
“Khi Luật Nhà giáo được ban hành cũng góp phần hoàn thiện hệ thống, cơ chế, chính sách, phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài”, NGƯT Lê Văn Giáo nói thêm.
Tạo động lực cho giáo viên vùng khó
Theo thầy Giáo, khi Luật Nhà giáo được ban hành sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo. Đặc biệt là giải quyết được những bất cập, vướng mắc về hành lang pháp lý trong việc cải thiện cơ chế chính sách đặc thù về lương, bổ nhiệm, tuyển dụng.
Lâu nay, việc tuyển dụng GV, người lao động công tác trong ngành giáo dục còn bất cập, tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng hiện nay vẫn theo quy định chung nên trải qua nhiều quy trình, có khi mỗi năm chỉ tuyển một lần hoặc vài năm mới tuyển, tùy vào tình hình thực tiễn của từng địa phương.
“Chúng tôi hy vọng Luật Nhà giáo được ban hành sẽ giải quyết được bài toán vướng mắc lâu nay của ngành giáo dục. Đồng thời, sẽ có chế độ đãi ngộ, phụ cấp, tôn vinh tương xứng với vị thế của ngành, nghề”, thầy Giáo chia sẻ.
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, GV công tác ở vùng khó, Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến.
Thầy Nguyễn Minh Đạo cho biết, thực tế hiện nay ở vùng núi, đặc biệt khó khăn tình trạng thiếu GV ở các cấp học vẫn còn, trong khi nhiều GV biên chế lại xin ra khỏi ngành. GV trúng tuyển viên chức ở khu vực vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn song lại không thực hiện nhiệm vụ,...
Ngoài ra, công tác ở vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn phải trải qua quãng đường cách trở, ăn uống, sinh hoạt thiếu thốn,... Tuy nhiên, GV lại chưa được hưởng chế độ chính sách ưu đãi phù hợp, mức lương theo quy định không đáp ứng được nhu cầu đi lại, ăn ở, sinh hoạt. Đây là nguyên nhân khiến nhiều nhà giáo bỏ nghề hoặc chưa tâm huyết, chuyên tâm công tác.
Từ thực tiễn đó, khi Luật Nhà giáo được ban hành, quyền lợi nhà giáo được kỳ vọng được đảm bảo.
“Với cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp sẽ tạo động lực để GV yên tâm công tác và cống hiến. Đồng thời, thu hút GV có trình độ cao từ miền xuôi lên công tác, đảm bảo về số lượng và chất lượng đội ngũ. Từ đó giúp chất lượng giáo dục vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng phát triển”, thầy Đạo nói.