Luật Nhà giáo sẽ tôn vinh những cống hiến của đội ngũ giáo viên

GD&TĐ - Giáo viên ở tỉnh Sơn La mong muốn Luật Nhà giáo sớm được ban hành và sẽ tôn vinh, ghi nhận những cống hiến của đội ngũ nhà giáo.

Thông qua Luật Nhà giáo sẽ góp phần tôn vinh sự cống hiến của giáo viên.
Thông qua Luật Nhà giáo sẽ góp phần tôn vinh sự cống hiến của giáo viên.

Mong mỏi Luật được ban hành

Giáo viên vùng cao tỉnh Sơn La mong muốn Luật Nhà giáo sau khi ra đời sẽ cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ và chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho giáo viên. Đồng thời, tạo sự phát triển toàn diện, bền vững cho giáo dục, giúp nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến hết mình với nghề.

Đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Vai trò của người thầy là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề quyền lợi, lợi ích kinh tế chính đáng gắn liền với nhu cầu cuộc sống thực tế của giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, khiến cho tất cả mong muốn sớm đưa Luật Nhà giáo vào thực tiễn. Nhiều giáo viên mong muốn, trong lần đổi mới căn bản và toàn diện của luật, vấn đề tiền lương, dân chủ trong giáo dục, khen thưởng, trọng dụng nhân tài… được giải quyết thỏa đáng.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nhận định, nghề chính của giáo viên là dạy học. Nhưng hiện nay do việc dạy thêm bị ngăn cản. Các thầy, cô phải làm thêm bằng nhiều nghề khác để nâng cao thu nhập. Môi trường làm việc của giáo viên cũng đang gặp nhiều áp lực từ việc dân chủ trong nhà trường có nơi bị hạn chế. Quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh nhiều nơi không tốt, dẫn đến những xung đột của phụ huynh với giáo viên, cộng với kiểu truyền thông “con sâu làm rầu nồi canh” làm cho tinh thần yêu nghề của một số giáo viên bị giảm sút. Vì lẽ đó, cần sớm ban hành luật để bảo vệ, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

Nhiều giáo viên cho rằng, thông qua Luật Nhà giáo sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng.

Nhiều giáo viên cho rằng, thông qua Luật Nhà giáo sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng.

Từ những bất cập trên, theo ông Quang, cần có biện pháp thấu tình đạt lý, có tính răn đe, khích lệ những tác động không tốt từ chính sách, xã hội và môi trường cho giáo viên. Ông Quang cho rằng, cần phải coi nghề giáo là một nghề đặc thù để xây dựng Luật Nhà giáo, tách nhà giáo ra khỏi viên chức trên tinh thần xây dựng hình ảnh nhà giáo chân chính, xứng đáng với tinh thần “không thầy đố mày làm nên”.

Ông Quang có quan điểm rằng, khi có Luật Nhà giáo thì những quyền lợi của giáo viên sẽ được tính toán. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo làm trong lĩnh vực ngành giáo dục sẽ được hưởng thù lao xứng đáng với những cống hiến của chính mình. Còn như hiện nay, giáo viên và những người đang công tác trong ngành giáo dục vẫn chưa được hưởng các phụ cấp tương xứng với những gì họ đã đóng góp. Luật Nhà giáo được ban hành sẽ xử lý được những bất cập của giáo dục như: Tuyển dụng, đãi ngộ, khen thưởng...

Thầy Nguyễn Hữu Dũng, Hiệu trưởng trường TH&THCS Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La mong mỏi, nếu Luật Nhà giáo được triển khai sớm thì sẽ giải quyết những vướng mắc hiện tại về đội ngũ giáo viên. Qua đó, tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo trong xã hội. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh, nhiệt huyết trong việc giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Đây là vấn đề không chỉ có đội ngũ nhà giáo mà cả phụ huynh đều kỳ vọng tạo nên động lực và bước ngoặt cho nền giáo dục thời hiện đại 4.0.

Việc triển khai Luật Nhà giáo sẽ ghi nhận những đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo.

Việc triển khai Luật Nhà giáo sẽ ghi nhận những đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo.

Cần chính sách đãi ngộ kịp thời

Cùng chung nhận định trên, cô giáo Đinh Thị Nguyên, giáo viên Trường Mầm non xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn cho biết: “Tôi mong Luật Nhà giáo nên được ban hành càng sớm càng tốt. Bởi vì hiện nay, ngành giáo dục đang được Đảng và toàn xã hội quan tâm. Nhiều Thông tư, Nghị định đã được ban hành với mục đích thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục… Tuy nhiên, đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn, đặc biệt là giáo viên dạy ở miền núi, giao thông đi lại vất vả”.

“Để giải quyết vấn đề trên, cần thiết phải có Luật Nhà giáo với những cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm đãi ngộ, khen thưởng đúng tính chất công việc của giáo viên. Vì thực tế, thời gian giáo viên đứng trên bục giảng khá nhiều, không còn làm thêm công việc nào khác”, cô Nguyên thổ lộ.

Một trong những chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GD&ĐT đề nghị xây dựng gồm các quy định về định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo. Theo đó, sẽ xác định các vấn đề cơ bản liên quan đến chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nhà giáo làm. Điều này làm cơ sở để quản lý và sử dụng nhà giáo, đảm bảo sự bình đẳng trong các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.

Bên cạnh đó, xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; tăng cường quyền tự chủ trong giảng dạy và giáo dục của nhà giáo; tăng cường nghĩa vụ của nhà giáo trong việc bảo vệ và hỗ trợ học sinh...

Luật Nhà giáo được cụ thể hóa sẽ bảo đảm quyền lợi, giúp giáo viên cống hiến với nghề.

Luật Nhà giáo được cụ thể hóa sẽ bảo đảm quyền lợi, giúp giáo viên cống hiến với nghề.

Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp cho rằng, Luật Nhà giáo ra đời sẽ là cơ sở pháp lý quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của giáo viên và những người làm trong ngành giáo dục. Luật sẽ tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch giúp người giáo viên hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình. Đồng thời, luật sẽ mang lại lợi ích thấu đáo cho giáo viên ở các trường học nói chung và đặc biệt là giáo viên mầm non. Bởi, giáo viên mầm non có tính chất đặc thù riêng biệt, phải lo từng "miếng ăn, giấc ngủ", vệ sinh cho học sinh nên cần có sự đãi ngộ xứng đáng.

Theo bà Hạnh: Luật Nhà giáo nên quy định cụ thể về chế độ hưu trí và cần xem xét độ tuổi của giáo viên nghỉ hưu cho phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Điển hình như giáo viên mầm non. Không chỉ riêng hoạt động dạy học, mà họ còn dạy các em múa, hát, ăn, uống… cần nhiều hoạt động. Do đó, tốn rất nhiều năng lượng và sức khỏe. "Do đặc thù công việc, bản thân tôi thiết nghĩ độ tuổi nghỉ hưu phù hợp cho giáo viên mầm non nên là 55 tuổi, nếu có thể thì giảm xuống, chứ đừng tăng tuổi nghỉ hưu", bà Hạnh nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ