Chuẩn bị nguồn nhân lực của nhân lực
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tại Hội thảo triển khai định hướng biên soạn Luật Nhà giáo, đồng thời nhắc lại lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo.
Theo Thứ trưởng, từ các triều đại phong kiến đến hiện đại và trong các văn bản của Đảng đều khẳng định, nhà giáo là nhân tố quyết định tới chất lượng giáo dục, đào tạo.
Trong nhiều thảo luận khác về Luật Viên chức, Luật Công chức đều nhắc đến, dạy học là nghề có nhiều đặc thù. Không giống như nhiều ngành nghề khác, nhà giáo không chỉ có kiến thức, sử dụng kiến thức của mình để hành nghề, mà còn dùng đạo đức, phẩm chất để giáo dục nhân cách con người.
Vì thế, quá trình xây dựng Luật Nhà giáo cần hướng đến đặc thù nghề nghiệp. Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo chính là chuẩn bị nguồn nhân lực của nhân lực.
Đảng và Nhà nước ta xác định ba trụ cột quan trọng để phát triển đất nước, gồm: xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và đào tạo nguồn nhân lực.
“Vậy nguồn nhân lực đó do ai đào tạo?" – Thứ trưởng đặt vấn đề, đồng thời khẳng định, nguồn nhân lực do đội ngũ nhà giáo đào tạo. Cho nên, nhà giáo là nhân lực của nhân lực.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản, cơ chế chính sách chăm lo cho đội ngũ cán bộ công chức nói chung, trong đó có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng.
Giảng viên và học viên ở Học viện Quản lý giáo dục. |
Tạo môi trường phát triển đội ngũ nhà giáo
Theo Thứ trưởng, hiện có khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật tác động tới đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Điều đó thể hiện sự quan tâm xuyên suốt nhiều năm của các cấp, các ngành, đặc biệt của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, thực trạng này cũng cho thấy, chưa có văn bản đủ tầm thống nhất nên vẫn còn chồng chéo. Chính vì thế chúng ta phải xây dựng Luật Nhà giáo. Bộ GD&ĐT đã tích cực chuẩn bị cho dự án luật này. Đơn vị chủ trì tham mưu là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ trưởng nhấn mạnh, quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo phải bám sát và thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước về nhà giáo; đồng thời phải đảm bảo tính kế thừa đối với những văn bản hiện hành và có tầm nhìn.
Xây dựng Luật Nhà giáo phải kiến tạo và tạo được môi trường phát triển đội ngũ, chứ không phải những quy định cứng nhắc, ràng buộc nhà giáo phải thế này, nhà giáo phải thế kia. Xây dựng Luật Nhà giáo phải tháo gỡ được những nút thắt của nhà giáo, chứ không phải xây dựng cho có luật.
“Xây dựng Luật Nhà giáo, chúng ta phải tiên lượng, dự báo được nguồn lực để thực hiện chính sách. Khi luật được ban hành, thì nguồn lực của Nhà nước có đảm bảo thực hiện chính sách đó không, tác động trước mắt và cả lâu dài sẽ như thế nào” – Thứ trưởng đặt vấn đề.
Theo Thứ trưởng, vị thế của nhà giáo ngày càng được khẳng định trong xã hội. Công việc của nhà giáo có vai trò, ý nghĩa to lớn nên càng phải chăm lo. Chúng ta cần tổng kết, rà soát các văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước về nhà giáo để tạo sự thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp.
Cái gì ưu điểm thì phát huy, cái gì còn khoảng trống, chưa rõ hoặc chưa đảm bảo nguyên tắc thì phải rà soát kỹ. Phải khắc phục được những bất cập và làm rõ bất cập đó là gì? Chẳng hạn, bất cập từ chế độ chính sách tiền lương, quản lý và sử dụng nhà giáo, chế độ về điều động luân chuyển nhà giáo...
Dường như, một số vấn đề trong quản lý sử dụng nhà giáo đang ngược với nguyên lý của giáo dục. Chúng ta phải tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến chuyên gia, nhà giáo, học sinh, sinh viên...
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, xây dựng Luật Nhà giáo là công việc trọng tâm của toàn ngành. Khi chúng ta huy động trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của hàng triệu giáo viên, cán bộ quản lý thì chất lượng của dự án luật này sẽ tốt.