Luật Nhà giáo để tạo động lực cho thầy cô yên tâm công tác

GD&TĐ - Khi có luật Nhà giáo với quyền lợi, chính sách quy định rõ ràng, sẽ thu hút lực lượng trẻ, có chuyên môn tốt vào ngành sư phạm.

Học sinh Lạng Sơn tham gia tiết học. Ảnh NVCC.
Học sinh Lạng Sơn tham gia tiết học. Ảnh NVCC.

Đó là chia sẻ của cô giáo Hoàng Thị Thủy - Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Lào Cai).

Tạo quyền lợi để giáo viên yên tâm công tác

Cô Thuỷ là giáo viên vùng cao nhiều năm, chính vì vậy cô và nhiều đồng nghiệp của mình thấu hiểu những vất vả, khó khăn các giáo viên nói chung và những thầy cô đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, miền núi nói riêng.

Do đó, họ luôn mong muốn có Luật Nhà giáo để có hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi cũng như có các chính sách đặc thù cho ngành của mình.

Cô Thủy cho biết: “Việc xây dựng Luật Nhà giáo rất cần thiết. Thông qua luật này sẽ có những quy định, chính sách cụ thể minh bạch làm cho giáo viên an tâm công tác hơn.

Bên cạnh đó, người giáo viên biết được quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong công việc được giao từ đó nâng cao trách nhiệm đối với nghề nghiệp, hạn chế những sai sót không đáng có”.

Cô Thuỷ nói thêm, bản thân là giáo viên vùng cao, cô nhận thấy không chỉ hoàn cảnh gia đình của học sinh còn nhiều khó khăn, mà đời sống của nhiều cán bộ nhân viên giáo viên cũng còn nhiều vất vả.

Cô giáo Hoàng Thị Thủy - Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Lào Cai). Ảnh NVCC.

Cô giáo Hoàng Thị Thủy - Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Lào Cai). Ảnh NVCC.

“Do vậy nên khi có Luật Nhà giáo, tôi cũng rất mong muốn có nhiều chính sách hơn nữa để thu hút được giáo viên lên vùng cao công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương thay vì nhiều giáo viên lên đủ năm để về được địa phương mình mong muốn”, cô Thuỷ nói.

Bên cạnh đó, trong quy định Luật Nhà giáo cần quy định rõ trách nhiệm của các địa phương nhất là ngành Giáo dục kịp thời tổ chức thi hoặc xét tuyển giáo viên đối với sinh viên sư phạm mới ra trường để họ có ngay môi trường làm việc tránh dao động tâm lý xin việc sau khi ra trường.

Bởi vì hiện nay tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm tại trường học họ phải chấp nhận đi làm công nhân tại các khu công nghiệp tại địa phương hoặc chuyển sang làm việc khác.

Tạo điều kiện để giáo viên phát triển

Cô Trần Thị Hợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Ninh Bình) có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục chia sẻ mong muốn có Luật Nhà giáo sớm.

Bởi bên cạnh các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì quy định pháp luật về vị trí pháp lý của nhà giáo là vô cùng cần thiết và cấp thiết. Do đó, xây dựng Luật Nhà giáo cùng với cải cách giáo dục toàn diện lần này, chất lượng giáo dục sẽ nâng cao và đời sống của đội ngũ nhà giáo được đảm bảo.

Khi có Luật nhà giáo sẽ có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho giáo viên trong đó có lương, phụ cấp, quy định lương theo vị trí việc làm tạo sự công bằng cho giáo viên. Bên cạnh đó, có luật xã hội cũng sẽ có trách nhiệm hơn với người giáo viên, soi vào luật đó để răn đe và có những hành động đúng chuẩn mực.

Vị hiệu trưởng tâm sự: “Khi ban hành Luật Nhà giáo cũng cần quy định cụ thể hơn về các chính sách ưu đãi trong việc bồi dưỡng và phát triển kỹ năng nghề nghiệp; quy định rõ về mức hỗ trợ giáo viên được nhà trường cử đi học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ”.

Còn theo ông Ngô Văn Hiền - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn), Luật cũng cần quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đảm bảo công bằng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Luật sẽ khắc phục được những bất cập, chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo; thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo; kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển sáng tạo của nhà giáo trong một không gian văn hóa được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận, phối hợp và hỗ trợ của toàn xã hội.

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện lộ trình yêu cầu giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo đến năm 2030 để giáo viên chưa đạt chuẩn có thời gian đào tạo.

Phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất chính phủ tăng số lượng biên chế các trường do theo luật giáo dục năm 2019, giáo viên có trình độ đại học chỉ giảng dạy được một môn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ