Cảnh giác chiêu trò giả danh shipper lừa đảo khách hàng

GD&TĐ - Gần đây, rất nhiều người bức xúc, chia sẻ, phản ánh về tình trạng bị thao túng tâm lý dẫn đến trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo.

Kịch bản tinh vi được những kẻ lừa đảo sử dụng để tấn công tâm lý nạn nhân. Ảnh: NVCC
Kịch bản tinh vi được những kẻ lừa đảo sử dụng để tấn công tâm lý nạn nhân. Ảnh: NVCC

Xã hội thời công nghệ số đã xuất hiện một nhóm đối tượng chuyên mạo danh shipper để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Kịch bản “thao túng tâm lý”

Chị Vũ Thuỳ Dung (24 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tuần qua, một đối tượng đã gọi điện thoại tự xưng là nhân viên giao hàng của sàn thương mại điện tử. Đối tượng nói rằng đơn hàng của chị Dung đã được chuyển đến và gửi ở dưới tủ thư tại sảnh chung cư. Đồng thời, người này liên tục hối thúc yêu cầu chị Dung chuyển khoản số tiền 480.000 đồng để “nhanh chóng còn đi đơn khác”.

Thấy nghi ngờ vì không có thông tin đơn trùng khớp, chị Dung yêu cầu người này gửi ảnh đơn hàng. Tuy nhiên đối tượng viện cớ vòng vo, lấy lý do này khác để từ chối cung cấp hình ảnh. Nhận ra rất có thể đã gặp phải kẻ lừa đảo nên chị Dung kiên quyết từ chối chuyển khoản trước. Không đạt được điều mình yêu cầu, người này đã gay gắt mắng chửi, nói rằng chị Dung định “bom” hàng, ăn chặn tiền của shipper.

“Họ dọa sẽ đưa thông tin của tôi lên mạng xã hội để ‘bóc phốt’. Sau khi về nhà và kiểm tra hòm thư, tôi chẳng thấy có đơn hàng nào được gửi đến. Lên mạng tìm hiểu tôi mới biết đây là chiêu trò lừa đảo mới xuất hiện. Nếu lúc đó không bình tĩnh xử lý và tỏ thái độ kiên quyết thì có lẽ tôi đã mất tiền cho kẻ lừa đảo”, chị Thuỳ Dung bức xúc kể lại.

Tương tự, chị Nguyễn Thị L. (23 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị một đối tượng tự xưng là nhân viên giao hàng yêu cầu chuyển 138.000 đồng để thanh toán đơn hàng. Vì đã nhiều lần nhận hàng theo cách này, chị L. không nghi ngờ mà chuyển khoản ngay.

Liền sau đó, người này gọi lại và thông báo “Xin lỗi, tôi gửi nhầm số tài khoản công ty cho chị, gửi tiền vào đó đồng nghĩa với việc đăng ký thành công trở thành hội viên, mỗi tháng sẽ tự động khấu trừ 3,5 triệu đồng (tương đương 42 triệu đồng/năm phí dịch vụ), nếu không có tiền sẽ bị nợ xấu”.

Rồi đối tượng lừa đảo trấn an chị L. và gửi đường link, hướng dẫn chị L. cách thao tác liên hệ với “bộ phận chăm sóc khách hàng” để được hoàn lại số tiền đó.

Do quá lo lắng, chị L. vội bấm vào link người kia vừa gửi. Tức thì một người khác tự nhận là nhân viên của bộ phận có tên “Giao hàng tiết kiệm” gọi điện, hướng dẫn chị L. hủy tư cách hội viên bằng cách chuyển đổi tài khoản ngân hàng từ cá nhân thành tài khoản doanh nghiệp. Cách thực hiện là đăng nhập ứng dụng ngân hàng, nhập mã xác thực vào phần số tiền chuyển, giữ nút chuyển tiền trong 3 giây, sau đó ấn chuyển tiền…

Bán tín bán nghi, chị L. đề nghị tạm dừng cuộc trò chuyện để kiểm tra lại thông tin. Thế nhưng “nhân viên chăm sóc khách hàng” liên tục dọa dẫm trước “sự đã rồi” bởi nhầm lẫn, đưa ra những lời lẽ đánh vào tâm lý sợ mất tiền của nạn nhân. Người này liên tục nhấn mạnh với chị L. rằng, nếu cúp điện thoại thì sẽ không hỗ trợ chị lấy lại tiền nữa, đồng thời không chịu trách nhiệm về việc khách hàng bị trừ tiền trong thẻ. Do sợ hãi, chị L. tiếp tục làm theo hướng dẫn và kết quả là mất trắng số tiền 8 triệu đồng đang có trong tài khoản.

“Kịch bản được xây dựng vô cùng tinh vi khiến tôi hoàn toàn không kịp “trở tay”. Giờ nghĩ lại mới thấy bản thân đã bị “thao túng tâm lý”, do hoảng loạn nên hoàn toàn hành động theo hướng dẫn của những kẻ xấu. Là một người trẻ tuổi, tôi từng đọc rất nhiều bài cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo song không nghĩ có ngày chính mình lại trở thành nạn nhân”, chị L. ngán ngẩm cho biết.

Bức xúc vì dữ liệu cá nhân bị rò rỉ

Trên các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm mua hàng trực tuyến, nhiều người tiêu dùng đã và đang liên tục phản ánh về tình trạng xuất hiện một nhóm đối tượng chuyên mạo danh shipper để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Kịch bản lừa đảo được dựng lên một cách tinh vi, nhưng đáng nói, điều khiến cho nhiều người mất đi sự cảnh giác, rơi vào vòng xoáy bị lừa, lại đến từ vấn nạn bị rò rỉ thông tin về số điện thoại, địa chỉ và thói quen mua sắm của từng người.

“Điều tôi lo lắng và bức xúc nhất lúc này là tại sao những kẻ lừa đảo lại có được chính xác các thông tin của tôi? Tiền thì đã mất rồi nhưng biết đâu một thời gian nữa, những kẻ này lại sử dụng những chiêu trò mới, tinh vi hơn để tiếp tục hành vi lừa đảo”, chị Nguyễn Thị L. bày tỏ sự lo ngại.

Việt Nam hiện có gần 80 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 2/3 dân số, đứng thứ 7 thế giới. Nước ta là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới. Theo đó, dữ liệu cá nhân người dùng Internet được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Các chuyên gia cho biết, vấn nạn mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lừa đảo trực tuyến của các tội phạm công nghệ. Khi dữ liệu cá nhân bị bán và rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể sử dụng để thực hiện các cuộc lừa đảo có tính cá nhân hóa cao. Việc có trong tay nhiều dữ liệu cá nhân giúp kẻ xấu thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác và thành công cao hơn. Bởi vì khi chúng có thể biết rõ tên, địa chỉ, số điện thoại… thì sẽ dễ dàng tạo sự tin tưởng từ phía nạn nhân.

Mới đây, Bộ Công an đã phát hiện và đấu tranh xử lý hàng trăm cá nhân, tổ chức, đường dây liên quan tới hành vi mua bán dữ liệu cá nhân. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép lớn nhất từng phát hiện lên tới gần 1.300 GB, với hàng tỉ dữ liệu cá nhân, trong đó có rất nhiều dữ liệu cá nhân mang tính nội bộ, nhạy cảm.

Làm sao để ngăn chặn và xử lý được vấn nạn này? Nhanh chóng hoàn thiện xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng đưa ra các hành vi, chế tài xử phạt mua bán dữ liệu cá nhân được cho là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.

Ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trường hợp vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tìm hiểu HS là gì