Trước hàng loạt chiêu trò lừa đảo, tân sinh viên làm gì để tự bảo vệ?

GD&TĐ - Lợi dụng sự cả tin của tân sinh viên, kẻ gian dùng đủ chiêu trò lừa đảo họ về thuê trọ, việc làm hoặc kinh doanh đa cấp lừa đảo.

Tân sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM được nhà trường tư vấn nhà trọ và ký túc xá. Ảnh: S.T
Tân sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM được nhà trường tư vấn nhà trọ và ký túc xá. Ảnh: S.T

Đủ chiêu trò lừa đảo

Giữa tháng 10, Trường Đại học FPT cơ sở TPHCM nhận được phản ánh của sinh viên về việc một trung gian cho thuê trọ tại ký túc xá Happy Home có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền thuê nhà khiến sinh viên có nguy cơ mất chỗ trọ.

“Việc đáng tiếc xảy ra có liên đới trách nhiệm của nhà trường khi sơ suất cung cấp các đầu mối trung gian thuê nhà chứ không phải chủ nhà, dẫn đến tình huống xuất hiện dấu hiệu lừa tiền thuê nhà của sinh viên”, nhà trường nhận trách nhiệm và cho biết sẽ khiển trách các cán bộ có sơ suất trong công tác giới thiệu nhà thuê cho sinh viên.

Trường Đại học FPT đã liên hệ trực tiếp với chủ nhà, ứng tiền bồi hoàn để sinh viên tiếp tục có chỗ ở. Đồng thời, trường làm hồ sơ trình báo để công an vào cuộc và xử lý trường hợp bên trung gian có dấu hiệu lừa đảo tiền thuê nhà của sinh viên.

“Các trường hợp đã sử dụng dịch vụ của Happy Home và có dấu hiệu bị lừa đảo chiếm đoạt tiền nhà liên hệ với trường qua bộ phận Dịch vụ sinh viên để được hỗ trợ kịp thời”, thông báo của Trường Đại học FPT nêu.

Trường Đại học FPT khuyến cáo sinh viên thực hiện các giao dịch thuê nhà với chủ nhà hoặc người được ủy quyền hợp pháp. Sinh viên tuyệt đối không ký kết hay thực hiện các giao dịch thuê nhà với đối tượng trung gian không được chủ nhà ủy quyền hoặc không có giấy ủy quyền hợp lệ để tránh các rủi ro và thiệt hại khi thuê nhà.

Trên đây là một trong những hình thức lừa đảo nhắm vào sinh viên, đặc biệt là những sinh viên năm nhất trong giai đoạn đầu năm học. Hiện nay, các hình thức lừa đảo nhắm vào sinh viên ở đủ “ngóc ngách” trong đời sống, từ việc làm đến nhà ngày càng tinh vi. Kẻ gian lợi dụng nhu cầu tài chính và sự thiếu kinh nghiệm của sinh viên để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo với nhiều hình thức khác nhau.

Nói thêm về việc lừa đảo liên quan vấn đề thuê trọ, ThS Phan Thanh Toàn - Tổ trưởng Tổ việc làm sinh viên, Phòng Quan hệ doanh nghiệp và Việc làm sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, người lừa đảo thường giả dạng làm chủ nhà, đăng các bài viết cho thuê phòng với hình ảnh và thông tin rất hấp dẫn.

Sau đó, họ dẫn sinh viên đi xem phòng từ bên ngoài hoặc chỉ trao đổi qua tin nhắn. Kẻ gian sau đó yêu cầu sinh viên đặt cọc để giữ phòng và “biến mất” ngay sau khi nhận được tiền cọc. Trong một số trường hợp, chủ trọ lợi dụng nhu cầu thuê nhà tăng cao của sinh viên, nhận tiền đặt cọc rồi cố tình tạo ra các tình huống khiến sinh viên phải rút cọc, khiến họ mất tiền.

Ngoài ra, theo ThS Toàn, một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay với sinh viên là giả mạo quản lý các sàn thương mại điện tử để tuyển cộng tác viên. Kẻ gian thường đăng những thông tin tuyển dụng với lời quảng cáo hấp dẫn về quyền lợi, lương cao và hoa hồng cao. Sau khi sinh viên tham gia, họ sẽ yêu cầu người tham gia đặt cọc trước 100% giá trị đơn hàng và hứa hẹn sẽ trả hoa hồng từ 10 - 30%.

“Ban đầu, để tạo lòng tin, sinh viên có thể nhận được một phần hoa hồng từ những công việc đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu sinh viên đặt cọc số lượng đơn hàng lớn hơn với giá trị ngày càng cao. Khi tiền đặt cọc của sinh viên đã lớn, kẻ lừa đảo biến mất, để lại sinh viên với những khoản tiền lớn bị mất mà không nhận lại được”, ông Toàn cho biết.

Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, tình trạng lừa đảo đa cấp xuất hiện nhiều nhất, tiếp đến là lừa đảo việc làm online. ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông kể: “Lúc đầu, sinh viên nhận được những lời mời làm việc online với mức lương cao, nhưng sau đó phải đóng phí đào tạo hoặc kích hoạt tài khoản và không bao giờ nhận được công việc.

Với lừa đảo làm đa cấp, các công ty lợi dụng tân sinh viên chưa biết gì rồi lừa đảo, hứa hẹn thu nhập khủng. Thực tế, các công ty này lại yêu cầu sinh viên phải bỏ tiền thêm hoặc tuyển thêm người để đạt được lợi nhuận, gây thiệt hại cho sinh viên”.

ThS Sơn nhấn mạnh, tình trạng đa cấp lừa đảo hiện nay xuất hiện nhiều và tinh vi, những người làm đa cấp thường ăn mặc lịch sự như mặc đồ vest, đeo cà vạt và ăn nói cực kỳ thu hút, tạo sự tin tưởng cho sinh viên, làm cho nhiều sinh viên hiểu lầm.

chieu-tro-lua-dao-nham-vao-tan-sinh-vien-lam-gi-de-bao-ve-2.jpg
Tân sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM làm thủ tục nhập học. Ảnh: H.U.B

Cẩn trọng trước mọi thông tin

Những hình thức lừa đảo này đang ngày càng phức tạp và tinh vi, do đó sinh viên cần phải luôn cẩn trọng, kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào để tránh bị lừa.

ThS Phan Thanh Toàn cho rằng, khi tìm việc làm, sinh viên nên thận trọng với những lời mời gọi hấp dẫn về mức lương cao hay thời gian làm việc linh hoạt. Trong vấn đề thuê trọ, khi tìm kiếm phòng trọ, nên tham khảo từ những nguồn tin cậy như các thông tin nhà trường cung cấp, bạn bè hoặc người thân đã có kinh nghiệm.

“Đừng vội vàng tin tưởng các quảng cáo cho thuê trọ trên mạng xã hội mà không có sự kiểm chứng rõ ràng. Khi ký hợp đồng thuê nhà, sinh viên cần đọc kỹ mọi điều khoản và thỏa thuận với chủ nhà trước khi đặt cọc để tránh mất tiền oan”, ThS Toàn khuyến cáo.

Vay tiêu dùng là một trong những cạm bẫy tài chính dễ khiến sinh viên rơi vào tình trạng nợ nần nếu không cẩn trọng. Do đó, ông Toàn khuyên, trước khi quyết định vay tiền, sinh viên nên tìm hiểu thật kỹ về lãi suất, các điều khoản vay và hậu quả của việc không trả nợ đúng hạn.

Nếu cần vay vốn, sinh viên nên ưu tiên các tổ chức tín dụng uy tín hoặc các chương trình hỗ trợ vay vốn từ nhà trường, thay vì tin vào những lời hứa hẹn lãi suất thấp hoặc điều kiện vay dễ dàng từ các nguồn không đáng tin cậy.

Còn theo ThS Phạm Thái Sơn, sinh viên phải thật thận trọng với việc làm online, công việc online có thể hấp dẫn, nhưng cần kiểm tra kỹ nhà tuyển dụng. Tránh các công việc yêu cầu đóng tiền trước như phí đào tạo, bảo hiểm hay “kích hoạt tài khoản”.

“Hãy tìm kiếm thông tin về công ty qua các trang web đáng tin cậy hoặc thông qua trung tâm hỗ trợ sinh viên hay phòng công tác sinh viên để kiếm việc làm đàng hoàng. Đối với mô hình kinh doanh đa cấp lừa đảo, nếu công việc yêu cầu bạn phải mua sản phẩm hoặc tuyển người để kiếm tiền, rất có thể đó là một mô hình đa cấp lừa đảo. Đừng bị cuốn hút bởi lời hứa về thu nhập khủng, hãy dành thời gian nghiên cứu kỹ trước khi quyết định tham gia đa cấp”, ThS Sơn nhấn mạnh.

“Sinh viên cũng cần cẩn thận với các thông báo yêu cầu chuyển khoản hoặc đóng học phí. Khi nhận được các yêu cầu này, sinh viên nên liên hệ trực tiếp với nhà trường để xác minh thông tin, tránh trường hợp bị lừa chuyển tiền vào các tài khoản giả mạo. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi nhiều đối tượng lừa đảo giả mạo thông tin nhà trường để trục lợi”, ThS Phan Thanh Toàn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ