Lựa chọn nào cho học sinh Hà Nội chưa trúng tuyển trường công?

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố điểm thi và điểm chuẩn vào các trường THPT công lập.

Học sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm 2023 tại Hà Nội.
Học sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm 2023 tại Hà Nội.

Với tỷ lệ gần 60% học sinh đỗ vào trường công lập, còn khoảng 40 nghìn học sinh cần có những lựa chọn khác ngoài trường công.

Điểm chuẩn đều tăng

Công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, điểm chuẩn vào lớp 10 của hầu hết các trường THPT công lập không chuyên ở Thủ đô năm nay đều tăng, trong đó trường tốp dưới có mức độ tăng lớn hơn và giảm dần ở các trường tốp trên.

Cụ thể, trong số 117 trường có 97 trường tăng điểm, 12 trường giảm điểm và 7 trường giữ nguyên so với điểm chuẩn năm 2022. Trường có mức tăng điểm chuẩn nhiều nhất là THPT Bất Bạt tăng từ 17,5 lên 24,5 điểm. Trường THPT Minh Hà tăng từ 19 lên 25,75 điểm. Các trường THPT Minh Khai, THPT Đại Cường, THPT Ứng Hòa A, THPT Hợp Thanh cũng đều có mức điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên.

Ở các trường tốp giữa, mức điểm chuẩn tăng khoảng 2 - 3 điểm trong khi ở các trường tốp đầu, điểm chuẩn tăng khoảng 1 - 2 điểm. Dẫn đầu về điểm chuẩn của Hà Nội năm nay là Trường THPT Chu Văn An với 44,5 điểm, tăng 1,25 điểm so với năm 2022. Tiếp theo là Trường THPT Kim Liên với 43,25 điểm, tăng 2 điểm so với năm ngoái; Trường THPT Việt Đức có điểm chuẩn 43 điểm, tăng 2,25 điểm...

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, thí sinh trúng tuyển sẽ bắt đầu làm thủ tục nhập học từ chiều 5/7. Dù vẫn có một số thí sinh đặt hi vọng vào kết quả phúc khảo bài thi và chỉ tiêu bổ sung của các trường công lập nhưng phần lớn đều đã lựa chọn đăng ký học tại một trường tư thục.

Chị Nguyễn Thị Hằng, phụ huynh ở quận Đống Đa cho biết con thiếu 0,5 điểm vào nguyện vọng 1, chưa biết trường có hạ điểm hay không, song cả nhà thống nhất tinh thần chủ động tìm phương án 2 cho con học tại trường tư thục. Nhờ sự tư vấn của thầy cô, bạn bè đã tìm được vài trường tư thục khá phù hợp.

Anh Nguyễn Quốc Hùng ở quận Cầu Giấy chia sẻ, việc tìm kiếm, trao đổi thông tin tuyển sinh lớp 10 của các trường tư thục trên địa bàn thành phố khá dễ dàng. Việc tìm cho con một địa chỉ học tập phù hợp vì thế cũng không còn quá khó khăn. Nhiều cha mẹ có con đã trúng tuyển cũng góp sức tìm kiếm, chia sẻ thông tin cũng như các cơ hội học tập cho các con chưa may mắn.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) - chia sẻ, những học sinh trượt nguyện vọng 1, đỗ nguyện vọng 2 hoặc 3 thì các em phải thực hiện đăng ký trúng tuyển theo quy định. Trường hợp em nào không may bị trượt tất cả các nguyện vọng vào trường công, cha mẹ học sinh nên tìm hiểu và đăng ký cho con vào trường tư thục.

Theo thầy Cường, điều quan trọng nhất lúc này là ổn định tâm lý cho các em. Bố mẹ, bạn bè và thầy, cô giáo cần chia sẻ để học sinh hiểu được, đó chỉ là một kỳ thi bước đầu, cơ hội phía trước còn nhiều. Do đó, các em cần nhanh chóng ổn định tinh thần, không nên hoang mang, tránh vết thương tâm lý sẽ ảnh hưởng về sau.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) - cho rằng phụ huynh cần nhanh chóng tìm hiểu, mua hồ sơ ở trường phù hợp. Các trường tư thục có điều kiện vật chất tốt, chương trình học cũng không khác công lập. Học sinh công lập và tư thục đều bình đẳng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Do đó, học trường tư cũng là lựa chọn tốt.

Nhiều học sinh lựa chọn các trường tư thục làm bến đỗ.

Nhiều học sinh lựa chọn các trường tư thục làm bến đỗ.

Nhiều cơ hội học tập

Đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn thành phố, từ ngày 2/7, thông tin về cơ hội học tập cho học sinh chưa trúng tuyển vào trường công lập đã được nhiều trường ngoài công lập chính thức chia sẻ để cha mẹ học sinh có thể tham khảo.

Ông Nguyễn Viết Cẩn - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) - cho biết, nhà trường được giao 360 chỉ tiêu, nhận hồ sơ từ 27,0 điểm trở lên. Hiện, số hồ sơ đăng ký vượt quá chỉ tiêu, nhà trường đã dự phòng đầy đủ về cơ sở vật chất, phòng học và các điều kiện học tập và đang xin ý kiến Sở GD&ĐT Hà Nội bổ sung chỉ tiêu nhằm tạo điều kiện học tập cho học sinh.

Còn đại diện Hệ thống Giáo dục Lômônôxốp cho biết, từ ngày 3/7 đã nhận đơn xét tuyển từ 33,0 điểm trở lên. Cùng đó, đại diện Trường THPT Tạ Quang Bửu nhận đơn xét tuyển từ 38,5 điểm trở lên, Trường THPT Lê Văn Thiêm nhận hồ sơ học sinh đạt từ 30,0 điểm trở lên, Trường THPT Phùng Khắc Khoan nhận hồ sơ với học sinh có mức điểm từ 33,0 điểm...

Ngoài vào trường tư, học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập có thể chọn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Năm nay, chỉ tiêu của nhóm này là 27 nghìn. Theo cô Phạm Thị Thu - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng, trong nhiều năm nay, học sinh có xu hướng chọn học lớp 10 tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Các em được học nghề song song chương trình văn hóa, sau ba năm lấy bằng trung cấp, vừa tốt nghiệp THPT.

Sự đồng hành của nhà trường, phụ huynh đã giúp tâm lý học sinh chưa đủ điều kiện trúng tuyển vào lớp 10 trường công lập nhẹ nhàng hơn. Theo các chuyên gia và thầy cô, với một kỳ thi có tính cạnh tranh cao, tỷ lệ chỉ tiêu vào trường công lập của Hà Nội chiếm chưa đầy 60%, thì việc ổn định tâm lý, giúp học sinh có định hướng học tập phù hợp ở cấp THPT rất cần thiết, tránh gây thêm áp lực khiến các em có những phản ứng tiêu cực.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - khẳng định: Hiện nay, mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố phát triển rất đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh theo nguyện vọng và năng lực. Bên cạnh lựa chọn học lớp 10 các trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường công lập tự chủ, các trường tư thục, trung tâm GDNN - GDTX, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ