Hà Nội: Nhiều cơ hội mở ra với học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập

GD&TĐ - Sau khi các trường THPT công lập tại Hà Nội tuyển đủ chỉ tiêu, sẽ có khoảng 24.000 học sinh không trúng tuyển sẽ có hướng đi khác như vào học các trường ngoài công lập; GDNN-GDTX; các trường nghề.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nắm vững các quy định, hiểu rõ quyền lợi để không bỏ lỡ cơ hội học tập là điều mà học sinh cần lưu ý trong thời điểm này.

Theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm học 2021-2022, có 69.000 học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, tương đương 62% số học sinh dự tuyển. Như vậy, còn khoảng 24.000 học sinh không đỗ vào các trường công lập sẽ phải lựa chọn các cơ hội để tiếp tục học lớp 10.

Hà Nội năm nay có 102 trường THPT ngoài công lập được giao 25.650 chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là năm đầu tiên, các trường ngoài công lập ở Hà Nội được sử dụng đồng thời cả hai phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập và xét học bạ cấp THCS.

Ông Nguyễn Viết Cẩn - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, nhà trường áp dụng phương thức xét học bạ 4 năm học cấp THCS, với 270 chỉ tiêu. Những học sinh chưa tham dự kỳ thi lớp 10 trường công lập hoặc không đủ điều kiện xét tuyển (do dự thi thiếu môn hoặc vì lý do khác) đều có cơ hội dự tuyển vào trường.

Học sinh ở khu vực ngoại thành cũng có nhiều lựa chọn. Trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 3 trường THPT ngoài công lập là Đặng Tiến Đông, Ngô Sỹ Liên, Trần Đại Nghĩa với tổng cộng 855 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Quang Chung- Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên cho biết những năm gần đây, chất lượng giáo dục của trường không ngừng nâng cao, nhiều học sinh đã đỗ đại học top đầu.

Một lựa chọn khác đối với học sinh là có thể học lớp 10 tại các Trung tâm GDNN-GDTX.  Không đòi hỏi cao về chất lượng đầu vào nhưng lại khắt khe trong tổ chức dạy và học, tỉ lệ học viên trúng tuyển đại học cao đẳng ở Trung tâm GDNN-GDTX Hoàng Mai không thua kém các trường THPT công lập, có năm vượt mức hơn 80%.

Theo bà Nguyễn Thị Huệ- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Hoàng Mai, tất cả các trung tâm GDNN-GDTX đều áp dụng chung phương thức xét học bạ của 4 năm học cấp THCS. Mọi học sinh trên địa bàn Hà Nội, không phân biệt khu vực tuyển sinh đều có thể nộp hồ sơ dự tuyển.

"Đối với các học sinh thiếu kiến thức, hổng kiến thức cơ bản, chúng tôi có thể tổ chức từ 5 đến 10 em dạy riêng để các con đỗ được tốt nghiệp. Còn các lớp mũi nhọn, ôn thi học sinh giỏi, ôn thi đại học sẽ phụ thuộc vào năng lực học tập của học sinh. Các giáo viên sẽ đa dạng hóa việc dạy học, để làm sao các con yên tâm vui vẻ trong học tập và rèn luyện"- bà Huệ nói.

Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đưa ra lời khuyên đối với các thí sinh năm nay: Các em cần lưu ý với trường ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX chỉ áp dụng duy nhất hình thức xác nhận nhập học trực tiếp.

Nếu như các năm trước, khi hạ điểm chuẩn, các trường chỉ nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 1, thì nay, khi hạ điểm chuẩn, các trường nhận cả những học sinh có nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1 điểm. Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 3 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 2 điểm. Đặc biệt, mức chênh giữa các nguyện vọng là 1 điểm, giảm 0,5 điểm so với mọi năm. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, trên địa bàn Hà Nội có nhiều loại hình trường, gồm 228 trường THPT công lập, ngoài công lập; 29 trung tâm GDNN-GDTX và 44 trường trung cấp chuyên nghiệp, bảo đảm cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục được học tập lên cấp THPT.

Trừ các trường công lập áp dụng quy định về khu vực tuyển sinh, các loại hình trường còn lại đều tuyển học sinh toàn thành phố và không yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Căn cứ vào điều kiện, năng lực và nguyện vọng, các em có thể đăng ký dự tuyển vào loại hình trường phù hợp và cần chú ý đến phương thức, thời gian nhận hồ sơ để không lỡ cơ hội trúng tuyển tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...