(GD&TD)-Do ảnh hưởng của áp thấp trên biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn tại miền Trung. Trong khi đó, lũ trên sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh do lũ trên hạ lưu sông Mê Kông đang đổ về. Tình hình mưa, lũ lớn kéo dài từ miền Trung đến miền Nam và khu vực Tây Nguyên.
Lũ đang lên nhanh đến mức báo động |
Trước tình hình này, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn TW đã phát đi tin cảnh báo về lũ lớn ở các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Trung Trung Bộ, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên đang lên.
Theo đó, trong 1-2 ngày tới, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên. Trong đợt lũ này các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2. Riêng các sông ở Thừa Thiên Huế có khả năng lên mức báo động 3.
Sáng 24/9, mực nước nhiều sông (thuộc hệ thống sông Cửu Long) đã dâng lên xấp xỉ báo động 3. Mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu: 4,42m, dưới BĐ3: 0,08m; Trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,75m, dưới BĐ3: 0,25m; Trên sông Hậu tại Long Xuyên: 2,21m, ở mức BĐ2; Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa: 1,81m, ở mức BĐ2; …
Dự báo trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh và ở mức lớn. Đến ngày 28/09, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,7m, trên BĐ3: 0,2m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,05m, trên BĐ3: 0,05m; trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lên mức 2,0m, trên BĐ2: 0,2m; tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười Tứ Giác Long Xuyên lên mức BĐ2—BĐ3, có nơi trên BĐ3.
Sau đó lũ sông Cửu Long còn tiếp tục lên. Cần chủ động phòng chống lũ lớn xảy ra trên sông Cửu Long.
Tại tỉnh Đồng Tháp: Ngày 23/9, nước lũ lên nhanh, áp lực lớn, đê bao tại ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã bị vỡ. Nước lũ tràn vào quá nhanh đã nhấn chìm hoàn toàn hơn 200 ha lúa thu đông 55 ngày tuổi, ước tính tổng thiệt hại trên 5 tỷ đồng.
Đây là diện tích lúa thu đông nằm trong kế hoạch sản xuất của thị xã Hồng Ngự và của tỉnh nên được đầu tư làm đê bao rất kỹ.
Trong tuần qua, do nước lũ lên nhanh, các ngành hữu quan đã cùng người dân địa phương tập trung gia cố các đoạn xung yếu của đê quyết tâm bảo vệ lúa, nhưng do áp lực nước lũ lên nhanh làm nhiều đoạn bị sạt lở gây vỡ đê, làm thiệt hại lớn diện tích lúa tại đây.
Sau sự cố trên, các địa phương trong thị xã Hồng Ngự đang triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm bảo vệ trên 3.000 ha lúa thu đông đã xuống giống.
Tại huyện Tân Hồng (giáp thị xã Hồng Ngự), nước lũ cũng đang lên nhanh, mực nước đo được sáng 23/9 tại thị trấn Sa Rài là 4,68m, cao hơn đỉnh lũ năm 2010 là 1,66m, nhiều tuyến đê bao bảo vệ lúa có nguy cơ bị sạt lở.
Chính quyền địa phương đã huy động tối đa lực lượng tại chỗ tích cực đóng cừ tràm, đào đất cho vào bao... để gia cố đê bao tại các điểm xung yếu. Tuy nhiên, theo nhận định của người dân, việc chống chọi với lũ ở huyện Tân Hồng đang gặp nhiều khó khăn, do phần lớn các tuyến đê bao bảo vệ lúa là hệ thống đường giao thông nông thôn, hiện nhiều đoạn đường đang bị nước lũ làm xói mòn và sạt lở có thể gây vỡ đê khi áp lực nước lũ lớn.
Trước đó, mưa lũ đã làm sạt lở 10ha, buộc chính quyền phải di dời khẩn cấp 21 căn nhà ở tổ 15 và 16, ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Hiện ngành giáo dục đã quyết định đóng cửa bảy điểm trường học tại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự.
Ngọc Lan (TH)