Lũ “ăn” hết lúa!

Lũ “ăn” hết lúa!
Mưa bão thường xuyên gây khó khăn trong việc phơi và cất giữ lúa
Mưa bão thường xuyên gây khó khăn trong việc phơi và cất giữ lúa

(GD&TĐ) - Thời gian này là giai đoạn người dân phía Tây tỉnh Quảng Nam đang vào vụ thu hoạch lúa mùa – tiếng Cơtu gọi là Haroo Bhlâng. Đây là vụ lúa được trồng trên nương rẫy, bắt đầu phát dọn từ tháng 3 và thu hoạch trong khoảng cuối tháng 10 và trải gần hết tháng 11 hàng năm.

Tuy nhiên, các cơn bão số 8 đến số 15 liên tiếp xảy ra đã gần như đánh tan các nương rẫy, nhiều nhà chỉ còn biết mót lại những gì còn được bão lũ bỏ sót, thay vì hồ hởi trước vụ mùa bội thu như hàng năm.

Điêu đứng vì thiên tai

Chúng tôi đến thôn KLa (xã Dang, Tây Giang) trong cơn mưa rừng rả rích, đường lầy lội bởi những đợt bão lũ nối nhau liên tiếp thời gian qua. Người dân nơi đây đang tất bật với công việc sửa sang nhà cửa tại nơi đất mới được huyện bố trí để tránh nguy cơ sạt lở do lòng hồ thủy điện Avương.

Trong thôn, hộ gia đình nào cũng đang chạy đua với mưa bão, tranh thủ lên rẫy thu hoạch lúa mùa, bởi chậm trễ thì bão sẽ “ăn” hết, giáp hạt lại đói quanh năm.

Năm nay, các cơn bão (từ số 8 đến số 15) ập đến là lúc lúa mùa đang chín, thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc phơi và cất giữ lúa.

Theo ông Hồ Văn Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Dang, lúa mùa năm nay phát triển tốt, bà con rất mừng, nhưng mưa bão lại đến liên tiếp nên bà con phải tranh thủ lên rẫy để thu hoạch. Khó nhất là việc phơi và dự trữ lúa, vì đa số bà con mới chuyển về đất ở mới, nhà cửa còn tạm bợ. Mỗi hộ có những địa điểm làm rẫy riêng.

Để đến được rẫy, nhiều người phải vượt qua đường rừng lầy lội, cắt qua những đoạn suối khi lũ đang ầm ào đến, thậm chí các hộ ở thôn Zơlao (xã Dang) phải vượt qua lòng hồ thủy điện Avương bằng những thanh tre đơn giản. 

Để cứu lúa kịp thời, bà con nơi đây dậy từ sáng sớm, mang bao, gùi lên rẫy, nhiều người không nghỉ trưa, thu hoạch cật lực để mang lúa về. Chị Bhơnướch Amlem (thôn Ktiếc) vừa nhanh tay gặt lúa trong khi nước mưa đã thấm đầy khuôn mặt cho biết, từ trước tới giờ chưa thấy mưa nhiều như năm nay. Mưa nhiều thế này cả làng mất mùa là cái chắc, phải tranh thủ vớt vát được bao nhiêu thì vui bấy nhiêu.

Anh Bhơriu Trim ở thôn Bút Nga (xã Sông Kôn, Đông Giang) cũng đang giằng co với bão lũ, vượt hơn 10 km đường rừng, qua nhiều đoạn sông suối đang hung dữ để lên rẫy thu hoạch lúa.

Lúa mùa năm nay của anh bông trĩu nặng, đủ ăn trong năm, nhưng thời tiết khác thường buộc anh và vợ phải nhờ đến hàng xóm giúp đỡ để thu hoạch kịp thời, tránh gió làm ngã lúa.

Anh Bhơriu Trim than phiền: “Khó khăn lắm anh ơi, những năm trước mưa ít thì bình thường, giờ phải thu hoạch trong lúc mưa bão, số lượng thóc thu về ít lắm, chưa nói việc phơi lúa sau này còn khó hơn nữa”.

Hiện nay lượng lúa chưa thu hoạch vẫn còn nhiều, nhất là ở xã Dang, khoảng 80% bà con nơi đây làm lúa mùa, thời tiết ngày càng tác động xấu đến quá trình thu hoạch lúa mùa của bà con. 

d
Vớt vát những gì còn sót lại sau bão

Vợt được lúa, chưa hẳn giữ được thóc

KLa là thôn tái định cư được một thời gian ngắn, trước đây các hộ trong thôn sống cạnh vực hồ thủy điện Avương, nhưng do có nguy cơ sạt lở nên huyện Tây Giang đã bố trí về nơi đất mới này.

Hiện nay các hộ trong thôn đang khẩn trương xây dựng nhà cửa tạm bợ, chủ yếu làm nhà bếp trước. Trong khi đó, việc thu hoạch lúa mùa cũng đang đến nên để phơi và dự trữ lúa gặp nhiều khó khăn. 

Anh Bhơriu Bôl vừa làm xong nhà bếp, đành phải nằm chung với lúa vừa gặt xong, mưa bão thường xuyên nên anh đành phơi ngay trong nhà bếp, giăng màn xung quanh để chuột không phá hoại. Bhơriu Bôl thở dài, lúa năm nay chỉ đủ ăn thôi, nhưng giờ mưa thế này sao phơi lúa được, kho thóc cũng chưa làm được, giàn bếp thì chật hẹp, lúa cũng có hiện tượng nảy mầm rồi.

Trước kia, mỗi lần thu hoạch lúa mùa, người miền núi chuẩn bị rất chu đáo, từ việc phơi lúa cho đến bảo quản lúa khỏi bị ướt, chống được các động vật gặm nhấm cho đến mùa thu hoạch năm sau lúa vẫn an toàn.

Già làng Bnướch Nghiêng nói: “Bây giờ, việc làm xinir (giàn phơi bằng lửa than) đã bị lãng quên, mọi người không biết bảo quản lúa trong những ngày nhiều mưa này, lúa nảy mầm hết, bố già yếu rồi không làm nổi việc đó nữa”. 

Cơn bão số 15 đã qua, nhưng trên địa bàn huyện Đông Giang và Tây Giang vẫn còn mưa, trời trở lạnh. Người dân nơi đây cũng đang tích cực thu hoạch lúa mùa còn lại, dù trước đó lúa không ít hộ gia đình đã bị mưa bão gây đổ ngã và rụng hạt.

BHƠRIU QUÂN - BHƠRIU NA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ