Gần 45 năm trôi qua rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in những tháng ngày học tập tại lớp 7E, Trường cấp 1, 2 xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Một lớp học đặc biệt với những thầy cô giáo rất đặc biệt, nói như lời thầy Lê Huy Thư, Hiệu trưởng nhà trường lúc đó là “Lớp trường làng làm sang cả huyện”.
Tập thể lớp 7E và các thầy, cô 20 năm sau ngày ra trường, hàng trên, từ trái sang: Thầy Phạm Toán (thứ nhất), thầy Lê Huy Thư (thứ 4), cô Đào Thị Hải (thứ 5), thầy Nguyễn Côn (thứ 7), lớp trưởng Đỗ Phú Thọ (thứ 8). |
Quả thật, trong lịch sử của ngành giáo dục Việt Nam, hiếm có một lớp học trường làng đúng nghĩa mà đạt được thành tích cao trong học tập như lớp 7E của chúng tôi năm học 1978-1979.
Trong số 7 giải Nhất toàn thành phố Hải Phòng về môn Toán thì lớp tôi có 1. Trong số 18 giải Nhì toàn thành phố về môn Toán, lớp tôi có 2. Lớp tôi còn có 2 giải Ba cấp thành phố môn Toán và 3 giải ba cấp thành phố môn Văn.
Cả lớp có 22 bạn, vậy mà cuối năm học có 1 bạn trúng tuyển vào lớp chuyên toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, 6 bạn trúng tuyển vào lớp chuyên cấp 3 (phổ thông trung học) của thành phố.
Cần phải nói thêm rằng, số lượng học sinh chuyên hồi đó rất ít, cả thành phố Hải Phòng chỉ có 2 lớp chuyên Toán và 2 lớp chuyên Văn, mỗi lớp khoảng 20 học sinh. Trước đó hàng chục năm, huyện Vĩnh Bảo của chúng tôi chưa có năm nào có nhiều học sinh giỏi lớp 7 cấp thành phố như vậy. Thông thường vào những năm đó, các giải học sinh giỏi cấp thành phố thường “rơi” vào 3 quận nội thành (Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền) và 2 thị xã (Kiến An, Đồ Sơn). Huyện Vĩnh Bảo và 7 huyện còn lại của thành phố thường chỉ đoạt đến giải “khúc khích”.
Điều gì đã tạo ra thành tích đặc biệt xuất sắc của một lớp học trường làng trong năm học ấy? Câu hỏi này đã nhiều lần được các thầy, cô và lãnh đạo phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Vĩnh Bảo đặt ra đối với tôi - với tư cách lớp trưởng lớp 7E năm học 1978 - 1979.
Gần 45 năm sau ngày xa mái trường Cổ Am thân yêu, tôi đã được đi nhiều nơi, đến được tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều nước trên thế giới, nhìn lại thời đi học của mình, tôi thấy rằng, để lớp 7E có được thành tích đặc biệt xuất sắc khi ấy có rất nhiều nguyên nhân và động lực, nhưng yếu tố quyết định nhất là từ phía người thầy.
Đại diện Ban liên lạc truyền thống lớp 7E tặng hoa các thầy cô nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra trường (từ phải sang trái): Thầy Nguyễn Côn, thầy Phạm Toán, thầy Phạm Gia Báu, cô Đào Thị Hải. |
Hồi ấy, theo chủ trương của huyện Vĩnh Bảo, lớp chuyên Văn Toán của trường cấp 1, 2 Cổ Am được thành lập với thành phần được chọn lựa từ các xã phía đông nam của huyện Vĩnh Bảo và là “vùng sâu, vùng xa” nhất của Hải Phòng trên đất liền. Lớp có 22 học sinh, trong đó có 11 bạn ở tổ chuyên Văn và 11 bạn ở tổ chuyên Toán.
Thầy giáo Nguyễn Côn, Phó Hiệu trưởng trường cấp 1, 2 Cổ Am được phân công trực tiếp phụ trách lớp và dạy bồi dưỡng thêm môn Toán. Cô giáo Đào Thị Hải, giáo viên dạy giỏi của trường cấp 1, 2 Cổ Am được phân công làm giáo viên chủ nhiệm của lớp 7E và trực tiếp dạy môn Văn. Thầy giáo trẻ Phạm Toán vừa tốt nghiệp loại giỏi của Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng được phân công về dạy môn Toán của lớp. Chính các thầy giáo, cô giáo đã truyền lửa nhiệt tình cho chúng tôi, thôi thúc sự đam mê học tập của chúng tôi.
Buổi sáng cả lớp học theo chương trình chung của trường cấp 1, 2 Cổ Am. Buổi chiều, lớp chia thành 2 tổ chuyên Văn và chuyên Toán do cô Hải, thầy Côn và thầy Toán lên lớp. Buổi tối, chúng tôi tự học theo từng nhóm nhỏ và các thầy cô lại liên tục đến từng nhóm động viên, giải đáp, hướng dẫn học trò. Có điều rất đặc biệt (nếu xét trong giai đoạn hiện nay) là các thầy cô dạy bảo liên tục như vậy mà không nhận bất kỳ một chế độ bồi dưỡng nào ngoài sự động viên của Ban giám hiệu nhà trường.
Ngày ấy kinh tế đất nước đang ở thời kỳ khó khăn nhất vì vừa đi qua chiến tranh và chưa có “khoán 10”. Trong số 22 bạn của lớp phải đến 3/4 các bạn có bố mẹ là nông dân, quanh năm thiếu đói. Ngày Tết mới được ăn thịt.
Trong lớp có bạn Vũ Đức Sơn (người đã giành giải Nhất về môn Toán toàn thành phố và thi đỗ vào lớp chuyên toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội) có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ làm ruộng. (Hiện nay bạn Sơn đang định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức). Mùa đông rét buốt mà Sơn chỉ có một manh áo mỏng. Thầy Toán đã dùng tiền lương của mình mua tặng bạn một chiếc áo ấm.
Mẹ tôi năm ấy bị điện giật phải nằm viện, cô Hải đã đưa cả lớp đến thăm và chính cô đã trích từ tiền lương của mình mua thuốc tặng mẹ tôi...
Có rất nhiều chuyện cảm động về tình thương của các thầy giáo, cô giáo lúc ấy đối với học trò, nhưng đáng nhớ nhất chính là những ngày cả thầy trò quên ăn, quên ngủ cùng giải Toán, cùng đọc thơ.
Thầy giáo trẻ Phạm Toán “vốn liếng” đề toán có hạn, thầy đã dùng tiền lương của mình đặt báo “Toán học và tuổi trẻ”, mua các loại sách tham khảo về toán. Thầy còn khuyến khích các trò sưu tầm đề toán, đố nhau giải toán. Tổ Toán của lớp vào buổi chiều lúc nào cũng vui.
Cô giáo Đào Thị Hải có cách dạy văn “chẳng giống ai”, đó là dẫn cả lớp đi thực tế, đến bờ sông, bờ mương, ruộng lúa, đền, chùa để dạy cách cảm thụ văn học. Các buổi học thực tế này rất thú vị. Bởi lẽ, vẫn là cây lúa, nhưng có bạn hình dung nó như người mẹ già cúi xuống ôm con. Có bạn thấy lúa như người khiêm tốn đang đứng cúi đầu chào. Có bạn liên tưởng đến nồi cơm thơm gạo mới…
Mỗi lần thi học sinh giỏi ở thị trấn huyện cách trường của chúng tôi gần 10 km, cả thầy và trò cùng lóc cóc đi bộ từ 5 giờ sáng... Không khí học tập lúc đó vừa nhẹ nhàng, vừa tình cảm lại có sự khích lệ đặc biệt của các thầy, cô giáo nên cả lớp chúng tôi đều quan niệm “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”. Thầy truyền hứng khởi cho học trò. Học trò truyền hứng khởi cho nhau. Đó chính là nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra sự đột phá trong học tập của lớp chúng tôi ngày ấy.
45 năm sau ngày ra trường, thầy Nguyễn Côn, thầy Phạm Toán và bạn Bùi Kim Bảy đã về cõi vĩnh hằng. Cô Đào Thị Hải và nhiều bạn trong lớp đã lên chức ông, bà và đã nghỉ hưu. Một số bạn đã trở thành cán bộ cấp cao của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Mỗi lần gặp mặt, chúng tôi lại như về với thế giới tuổi thơ của mình.
Phương pháp dạy, phương pháp học ngày ấy có thể áp dụng cho ngày hôm nay được không? Chúng tôi nghĩ rằng, có thể vận dụng được dù cơ sở vật chất bây giờ đã thay đổi, tài liệu dạy và học không thiếu như thời xưa. Điều quan trọng nhất của phương pháp này là sự nhiệt huyết của người thầy thổi bùng ngọn lửa đam mê của học trò. Đây là yếu tổ quyết định đến chất lượng giáo dục luôn đúng của cả hôm qua, hôm nay và mai sau.