Niềm vui con chữ
Sinh ra và lớn lên ở một bản vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An), từ nhỏ chàng trai người Mông Và Vả Lỳ (SN 1981) đã theo chân bố, mẹ lên nương trồng ngô, trồng lúa; thi thoảng lại cùng chúng bạn hay anh chị lớn tuổi vào rừng hái măng, lấy củi và bẫy thú rừng…cho đến lúc phạm tội thì Vả Lỳ vẫn chưa biết đọc, biết viết.
Những ngày đầu, khi trại mở lớp xóa mù chữ dù được vận động đi học nhưng Lỳ vẫn ngần ngừ không muốn đi. Được sự vận động của cán bộ quản giáo cùng ban giám thị, sau gần 10 tháng kiên trì, Vả Lỳ đã biết đọc, biết viết khiến Vả Lỳ hào hứng hơn khi đến lớp.
Từ một chữ bẻ đôi không biết, giờ đây phạm nhân Lương Văn Thế (SN 1972) có thể đọc viết thành thạo. “Dù đã hơn 50 tuổi, được các cán bộ dạy cho con chữ, biết đọc, biết viết, mới thấy mình mở mang ra nhiều, tâm hồn mình thoải mái hơn và phần nào bớt mặc cảm”, phạm nhân Thế bày tỏ. Từ khi biết chữ, Thế dần tự tin hơn và đã chủ động viết thư về thăm hỏi vợ con.
Lớp học xóa mù chữ cho các phạm nhân tại Trại giam Xuân Hà (Bộ Công an). |
Theo cán bộ tại phân trại, nhận được thư, cả gia đình phạm nhân Thế rất bất ngờ, cứ đinh ninh là phạm nhân nhờ người viết hộ. Sau khi gọi điện thăm hỏi xác nhận, vợ phạm nhân đã vui mừng đến phát khóc.
Không chỉ phạm nhân Thế, Lỳ, tại Trại giam Xuân Hà còn có một bộ phận không nhỏ phạm nhân không biết chữ. Chính vì vậy, những lớp xóa mù chữ cho phạm nhân không chỉ dạy họ biết đọc, biết viết mà còn là tiền đề quan trọng để sau này làm lại cuộc đời.
Những người gieo chữ sau song sắt
Thượng tá Bùi Quốc Toản – Phó Giám thị Trại giam Xuân Hà cho biết: Ngoài các lớp học tập chính trị, pháp luật, thời sự và giáo dục công dân, chế độ chính sách, kỹ năng… cho tất cả các phạm nhân, đơn vị còn tổ chức lớp xóa mù chữ, bố trí ngay trong khu giam giữ phạm nhân tại phân trại số 2.
Lớp đã được chia làm 2 nhóm với mức độ nhận biết khác nhau. Theo đó, nhóm 1 học vào thứ 4 và nhóm 2 học vào thứ 5. Lớp học do 2 một nữ cán bộ tại Trại giam Xuân Hà kiêm nhiệm thêm công tác giảng dạy. Ngoài ra, mỗi buổi dạy sẽ có thêm cán bộ nam làm nhiệm vụ “trợ giảng”.
Thiếu tá Nguyễn Thị Hảo - 1 trong 2 “giáo viên” tại lớp học xóa mù chữ. |
Thiếu tá Nguyễn Thị Hảo là 1 trong 2 “giáo viên” tại lớp học xóa mù chữ. Thiếu tá Hảo cho biết, trước đây, chị dạy học cho các học sinh lớp 7, lớp 8 tại trường giáo dưỡng. Ở đó, ít nhiều học sinh đã có trình độ nhận biết, còn học sinh tại lớp này thực sự quá đặc biệt.
“Vận động phạm nhân đi học đã khó nhưng để họ mở lòng, tiếp nhận kiến thức càng khó hơn. Nhiều người đi học được ít buổi, sau đó lại nhờ người viết đơn xin nghỉ học để đi lao động. Hay có người đến lớp nhưng không hề hợp tác”, Thiếu tá Hảo chia sẻ.
Cũng chính vì điều này, những ngày đầu, ngoài nội dung dạy học các giáo viên đứng lớp thường dành thời gian trò chuyện với phạm nhân. Một trong những học trò “cô giáo” Hảo ấn tượng nhất là phạm nhân L.V.C (SN 1981), người dân tộc Mông tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.
Mỗi lần đến lớp, C. chỉ ngồi yên, không chịu viết. Giáo viên gọi lên bảng C. cũng không đánh vần theo. Dù giáo viên đã thử nhiều cách nhưng những tuần học sau đó, C. vẫn không có sự chuyển biến. Sau khi hội ý, cán bộ trại giam Xuân Hà đã đưa sách đến tận buồng giam C. cho các phạm nhân cùng phòng đọc và gọi C. ra ngồi cùng xem. Trên lớp, giáo viên đổi chỗ cho C. đến ngồi cùng “học sinh giỏi” nhất lớp.
Nhiều phạm nhân quyết tâm học chữ để sớm viết thư về cho gia đình. |
Thấy bạn tù từ việc không biết chữ đã biết đọc sách, biết viết thư về gia đình, C. thích lắm. Nhận thấy lợi ích từ việc đi học, “học trò” C. đã đến xin lỗi cô giáo và tự giác đi học đầy đủ. Sau nửa năm, C. đã bắt đầu đọc viết thông thạo và còn mượn thêm sách để về đọc.
Cũng chính từ những lớp học được mở trong hơn 10 năm qua đã và đang tạo thêm cơ hội và động lực cho rất nhiều phạm nhân trên con đường hoàn lương, hướng thiện.
“Trong thời gian tới, Trại giam sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức kiểm tra, đánh giá cho các phạm nhân đã tham gia lớp xóa mù chữ. Những phạm nhân đạt sẽ được cấp giấy chứng nhận xóa mù chữ. Qua đó, vừa đánh giá kết quả công tác xóa mù chữ trong thời qua của đơn vị. Từ đó, khích lệ, động viên, tạo tạo tiền đề giúp phạm nhân dễ dàng hòa nhập, dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành việc chấp hành án”, Thượng tá Bùi Quốc Toản – Phó Giám thị Trại giam Xuân Hà thông tin.