Lớp học đặc biệt trong trại giam

GD&TĐ - Nhiều phạm nhân tại Trại giam Xuân Hà, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã quá nửa đời người nay mới được vỡ lòng với những con chữ.

Thiếu tá Nguyễn Thị Hảo - một trong 2 giáo viên đứng lớp.
Thiếu tá Nguyễn Thị Hảo - một trong 2 giáo viên đứng lớp.

Nhiều phạm nhân tại Trại giam Xuân Hà, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã quá nửa đời người nay mới được vỡ lòng với những con chữ. Những nét chữ đầu tiên vọng vẹo qua từng ngày đã dần thẳng thớm. Đó cũng là chiếc chìa khóa mở thêm cơ hội trên con đường hoàn lương cho những con người lầm lỡ.

Những nét chữ đầu tiên sau song sắt

Đều đặn vào thứ 4 và thứ 5 mỗi tuần, hơn 70 “học sinh” tại phân trại số 2 - Trại giam Xuân Hà (Bộ Công an) lại lên lớp học chữ. Lớp học không phân theo độ tuổi bởi học sinh trẻ nhất cũng hơn 30, còn lớn tuổi nhất cũng đã ngoài 60.

Sinh ra và lớn lên ở một bản vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An), từ nhỏ chàng trai người Mông Và Vả Lỳ (sinh năm 1981) đã theo chân bố, mẹ lên nương trồng ngô, trồng lúa; thi thoảng lại cùng chúng bạn hay anh chị lớn tuổi vào rừng hái măng, lấy củi và bẫy thú rừng…

Cho đến lúc phạm tội, Vả Lỳ vẫn chưa biết đọc, biết viết. “Cũng bởi khó khăn, không được đi học, không biết đọc, biết chữ nên bị người xấu lôi kéo mua bán ma túy. Nếu biết chữ chắc có lẽ cuộc đời tôi đã khác rồi chứ không phải chịu mức án như vậy…”, Và Vả Lỳ ngại ngùng nói.

Cái giá mà Vả Lỳ phải trả cho sự thiếu hiểu biết của mình là mức án chung thân với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”. Lỳ đã chấp hành án được hơn 7 năm tại Trại giam Xuân Hà.

Những ngày đầu, khi trại mở lớp xóa mù chữ dù được vận động nhưng Lỳ vẫn ngần ngừ không muốn học. Một phần mặc cảm, phần nghe một số bạn tù rỉ tai học chữ khổ lắm, khổ hơn cả đi lao động khiến Lỳ cũng chùn lòng.

Thế nhưng, được sự vận động của cán bộ quản giáo cùng ban giám thị, sau gần 10 tháng kiên trì, Lỳ đã biết đọc, biết viết. Những nét chữ vẹo vọ cũng dần thành hình, thành dạng khiến “học trò” Lỳ hào hứng hơn khi đến lớp.

“Học chữ lúc đầu mệt lắm, nhiều lúc tôi chỉ muốn vứt bút đi thôi. Cái bút nho nhỏ vậy mà cầm đúng hàng đúng lối còn mệt hơn cả cái cuốc, cái thuổng… Nhưng nhờ có cán bộ, giáo viên, giờ mình biết viết cả đoạn văn, biết đọc cả cuốn sách nữa. Có đọc thấy nhiều cái hay lắm, biết cả những hành vi mà pháp luật đã cấm”, Lỳ nói.

Từ một chữ bẻ đôi không biết, giờ đây phạm nhân Lương Văn Thế (SN 1972) có thể đọc viết thành thạo. Lương Văn Thế lớn lên trong gia đình thuần nông ở huyện Con Cuông (Nghệ An). Gia đình khó khăn, nên đến khi vào thụ án tại phân trại số 2 của Trại giam Xuân Hà, Thế vẫn không biết chữ. Khi biết tin trại giam mở lớp học xóa mù chữ, Thế là một trong những học sinh tham gia rất tích cực.

“Trong nhà chỉ mỗi tôi là không biết chữ. Nhìn tôi vậy chứ các con tôi đều học giỏi lắm. Trước đây, mỗi lần các con hỏi bố bài vở tôi rất ngại ngùng vì mình có đọc được đâu. Cuộc đời tôi cứ tưởng sẽ mãi mang tiếng mù chữ không ngờ vào trong này lại được đi học. Dù đã hơn 50 tuổi, được các cán bộ dạy cho con chữ, biết đọc, biết viết, mới thấy mình mở mang ra nhiều, tâm hồn mình thoải mái hơn và phần nào bớt mặc cảm”, phạm nhân Thế bày tỏ.

Theo cán bộ công an tại phân trại, Lương Văn Thế đã chấp hành án được 10 năm. Trước đó, Thế bị tòa án tuyên phạt 16 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Trong thời gian chấp hành án, vì mặc cảm, phạm nhân Thế hầu như không liên lạc về nhà dù có chế độ quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên từ khi biết chữ, Thế dần tự tin hơn và đã chủ động viết thư về thăm hỏi vợ con. Những lá thư được viết bằng nét chữ nguệch ngoạc, sai lỗi chính tả nhưng gửi gắm biết bao tâm tư đã được phạm nhân Thế gửi về cho gia đình.

“Giá như được biết chữ thì bố không làm những cái trái với pháp luật. Từ khi vào đây được ban giám thị trại giam và cán bộ, các thầy cô tạo điều kiện cho đi học xóa mù chữ bố đã biết được nhiều. Khi nào về, bố sẽ không làm như trước để cho mẹ và con phải lo nữa. Những gì còn chưa làm được bố sẽ cố gắng thực hiện cho mẹ và con…”, trong thư gửi gia đình phạm nhân Thế viết.

Theo cán bộ tại phân trại, nhận được thư, cả gia đình phạm nhân Thế rất bất ngờ, cứ đinh ninh là phạm nhân nhờ người viết hộ. Sau khi gọi điện thăm hỏi xác nhận, vợ phạm nhân đã vui mừng đến phát khóc.

Không chỉ phạm nhân Thế, Lỳ…, tại Trại giam Xuân Hà còn có một bộ phận không nhỏ phạm nhân không biết chữ. Chính vì vậy, những lớp xóa mù chữ cho phạm nhân không chỉ dạy họ biết đọc, biết viết, mà còn là tiền đề quan trọng để sau này làm lại cuộc đời.

Lớp học có 70 học sinh chia làm 2 nhóm lớp, trong đó phần lớn 'học sinh' là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Lớp học có 70 học sinh chia làm 2 nhóm lớp, trong đó phần lớn 'học sinh' là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Lớp học xóa mù chữ tại Trại giam Xuân Hà.

Lớp học xóa mù chữ tại Trại giam Xuân Hà.

Một phạm nhân vui mừng khi nhận điểm 9 từ giáo viên.

Một phạm nhân vui mừng khi nhận điểm 9 từ giáo viên.

Ánh sáng tri thức trên con đường hoàn lương

Tính đến thời điểm hiện nay, Trại giam Xuân Hà có 2 phân trại, đang quản lý, giam giữ và cải tạo hơn 1.000 phạm nhân. Lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại phân trại số 2 tại xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Gần 10 năm qua, lớp xóa mù chữ này đã giúp hàng trăm phạm nhân biết đọc, biết viết. Họ chủ yếu là người dân tộc sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa.

Thượng tá Bùi Quốc Toản - Phó Giám thị Trại giam Xuân Hà cho biết: Ngoài các lớp học tập chính trị, pháp luật, thời sự và giáo dục công dân, chế độ chính sách, kỹ năng… cho tất cả các phạm nhân, đơn vị còn tổ chức lớp xóa mù chữ, bố trí ngay trong khu giam giữ phạm nhân tại phân trại số 2.

“Qua rà soát số phạm nhân đến chấp hành chúng tôi nhận thấy nhiều phạm nhân chưa biết chữ còn khá nhiều. Từ thực tế trên, Trại giam Xuân Hà đã tổ chức lớp xóa mù chữ với khoảng 70 phạm nhân.

Con số này thường xuyên biến động bởi thời gian mãn hạn tù của từng phạm nhân khác nhau. Sau một thời gian gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, lớp học vừa được khai giảng lại từ cuối năm 2022”, Thượng tá Bùi Quốc Toản cho hay.

Lớp được bố trí tại hội trường lớn rộng chừng gần 100m2. Sau thời gian học, lớp đã được chia làm 2 nhóm với mức độ nhận biết khác nhau. Theo đó, nhóm 1 học vào thứ 4 và nhóm 2 học vào thứ 5. Lớp học do 2 nữ cán bộ tại Trại giam Xuân Hà kiêm nhiệm thêm công tác giảng dạy. Ngoài ra, mỗi buổi dạy sẽ có thêm cán bộ nam làm nhiệm vụ “trợ giảng”.

Thiếu tá Nguyễn Thị Hảo là một trong 2 “giáo viên” tại lớp học xóa mù chữ. Trước khi chuyển về công tác tại Trại giam Xuân Hà, Thiếu tá Hảo từng có thời gian làm giáo viên dạy Ngữ văn tại trường giáo dưỡng.

Năm 2012, Thiếu tá Hảo được chuyển về công tác tại phòng Giáo dục hồ sơ của Trại giam Xuân Hà. Với chuyên môn sư phạm, năm 2013, ngay khi mở lớp xóa mù chữ, ban giám thị đã phân công chị kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ dạy học xóa mù chữ cho các phạm nhân.

Thiếu tá Hảo cho biết, trước đây, chị dạy học cho các học sinh lớp 7, lớp 8. Ở đó, ít nhiều học sinh đã có trình độ nhận biết, còn học sinh tại lớp này thực sự quá đặc biệt. Mục tiêu dạy học cho phạm nhân là vừa dạy chữ, vừa dạy cách phục thiện.

Mặc dù đã được tham dự các lớp tập huấn do Cục C10 (Bộ Công an) phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức về phương pháp soạn bài, hướng dẫn cách truyền đạt đến học sinh nhưng chị vẫn không khỏi bỡ ngỡ trong những ngày đầu đứng lớp.

“Học trò trong lớp ở nhiều lứa tuổi khác nhau trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số. Nhiều phạm nhân vừa gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng phổ thông, vừa có tư tưởng bất cần hay mang tâm lý mặc cảm.

Vì thế, vận động phạm nhân đi học đã khó nhưng để họ mở lòng, tiếp nhận kiến thức càng khó hơn. Nhiều người đi học được ít buổi, sau đó lại nhờ người viết đơn xin nghỉ học để đi lao động. Hay có người đến lớp nhưng không hề hợp tác”, Thiếu tá Hảo chia sẻ.

Sau nhiều tháng tham gia học tập, nhiều phạm nhân đã bắt đầu viết tròn vành rõ chữ.

Sau nhiều tháng tham gia học tập, nhiều phạm nhân đã bắt đầu viết tròn vành rõ chữ.

Cũng chính vì điều này, những ngày đầu, ngoài nội dung dạy học các giáo viên đứng lớp thường dành thời gian trò chuyện với phạm nhân. Theo chị Hảo, dù là đang chấp hành án, nhưng nếu người dạy tôn trọng và quan tâm chân thành, họ sẽ tin tưởng, khi đó việc giáo dục, cảm hóa họ sẽ đạt được kết quả cao.

Một trong những học trò “cô giáo” Hảo ấn tượng nhất là phạm nhân L.V.C (SN 1981) tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Mỗi lần đến lớp, C chỉ ngồi yên, không chịu viết, giáo viên gọi lên bảng cũng không đánh vần theo.

Sau khi hội ý, cán bộ phân trại đã đưa sách đến tận buồng giam C cho các phạm nhân cùng phòng đọc và gọi C ra ngồi cùng xem. Trên lớp, giáo viên đổi chỗ cho C đến ngồi cùng “học sinh giỏi” nhất lớp.

Thấy bạn tù từ việc không biết chữ đã biết đọc sách, biết viết thư về gia đình, C thích lắm. Nhận thấy lợi ích từ việc đi học, “học trò” C đã đến xin lỗi cô giáo và tự giác đi học đầy đủ. Sau nửa năm, C đã bắt đầu đọc viết thông thạo và còn mượn thêm sách để về đọc.

Không chỉ dạy chữ, lớp học còn là nơi để cảm hóa phạm nhân, dạy cho họ những điều hay, điều tốt đẹp qua từng trang sách. Qua mỗi bài học, các giáo viên luôn cố gắng để phạm nhân cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương, đất nước, thấy được tình cảm tốt đẹp giữa con người với nhau, học được cách ứng xử trong cuộc sống. Từ đó, giúp họ có thêm quyết tâm tu dưỡng, cải tạo.

Cũng chính từ những lớp học được mở trong hơn 10 năm qua đã và đang tạo thêm cơ hội và động lực cho rất nhiều phạm nhân. Bởi qua lớp học, phạm nhân không chỉ được học chữ, mà còn giúp mối quan hệ giữa các cán bộ trại giam với phạm nhân không còn khoảng cách và nhiều người cũng vì thế thay đổi được cách sống tiêu cực hay không có những hành vi lôi kéo phạm nhân khác chống đối trong quá trình cải tạo.

Trong môi trường trại giam, công tác xóa mù chữ cho phạm nhân cũng được thực hiện thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho những người không biết chữ được học và nâng cao nhận thức, hiểu biết. Qua đó, cũng đã góp phần tích cực vào công tác giáo dục cải tạo phạm nhân và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Những lớp học xóa mù chữ trong các trại giam cũng thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội. Trong thời gian tới, trại giam sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức kiểm tra, đánh giá cho các phạm nhân đã tham gia lớp xóa mù chữ.

Những phạm nhân đạt sẽ được cấp giấy chứng nhận. Việc này sẽ giúp đánh giá kết quả công tác xóa mù chữ của đơn vị. Từ đó, khích lệ, động viên, tạo tiền đề giúp phạm nhân dễ dàng hòa nhập, tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành việc chấp hành án. Thượng tá BÙI QUỐC TOẢN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ