Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, những năm qua, thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở với các Trại giam của Bộ Công an đóng chân trên địa bàn, công tác xóa mù chữ (XMC) cho phạm nhân được tăng cường.
"Thực hiện phối hợp này góp phần triển khai hiệu quả Đề án của Chính phủ, kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an và UBND tỉnh Đắk Lắk, góp phần nâng cao chất lượng XMC, phổ cập giáo dục trong cơ sở giam giữ. Tạo môi trường học tập, cải tạo lành mạnh. Giúp phạm nhân yên tâm chấp hành bản án, tích cực rèn luyện thể chất, nhân cách, lối sống và tiếp cận các loại hình giáo dục", ông Hiệp chia sẻ.
Còn theo Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Giám thị Trại giam Đắk Tân, mù chữ và tái mù chữ ở phạm nhân là một thách thức lớn đối với Hội đồng giáo dục của đơn vị.
"Mù chữ gắn liền với nhận thức, trình độ văn hóa của phạm nhân bị tụt hậu. Dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin, về công tác giáo dục và thực hiện chế độ chính sách tại Trại cũng như theo kịp sự phát triển cả xã hội sau khi chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, XMC, chống tái mù chữ cho phạm nhân là một yêu cầu cấp thiết mà Đảng ủy, Ban Giám thị Trại giam Đắc Tân chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua", Đại tá Hải nói.
Một lớp XMC cho phạm nhân của Trại giam Đắc Tân. (Ảnh: VT) |
Cũng theo Đại tá Hải, đơn vị đóng ở xã Ea Pil, huyện M'Drắk, tỉnh Đắk Lắk, do đặc điểm vùng miền, hiện nay tỉ lệ mù chữ của phạm nhân tương đối cao. Vì vậy, đơn vị thường xuyên phối hợp với Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện M'Drắk tổ chức giảng dạy, cấp chứng chỉ XMC cho phạm nhân.
"Hiện nay, Trại giam Đắc Tân đang quản lý, giam giữ 2.104 phạm nhân, đa số là đối tượng hình sự, trong đó có nhiều đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Do đặc điểm vùng miền, có tới 24,2% phạm nhân là người dân tộc thiểu số. Có 10% phạm nhân mù chữ. Đến nay, đã cấp chứng chỉ XMC cho 192 phạm nhân. Riêng năm 2023 đã mở được 2 lớp XMC cho 73 phạm nhân, trong đó có 8 người tái mù chữ", Đại tá Hải thông tin thêm.
Phạm nhân H.T.V. (trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), đang thụ án 8 năm tù về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy” tại phân trại số 1 chia sẻ, trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đi học. Vì không biết chữ nên nhận thức về pháp luật của V. cũng hạn chế. Trong một lần bị đám bạn xấu rủ rê, V. đi theo và nhận lời bán ma túy chỉ để kiếm tiền tiêu xài rồi bị bắt, kết án.
“Mới đầu khi bị bắt vào tù, em sốc, sợ lắm, nghĩ vào tù sẽ bị nhốt, bị đối xử tệ bạc. Nhưng vào đây mới thấy các “thầy”, các “cô” thực sự rất gần gũi, quan tâm đến em từng bữa ăn, từng cái áo rét, hay chiếc chăn ấm khi những ngày đông mới về. Em ở xa nhà nên hay nhớ nhà, thầy thường xuyên trò chuyện, động viên và dạy cho biết con chữ. Giờ mỗi khi nhớ nhà, em lại viết thư gửi về hỏi thăm, biết được thông tin của gia đình nên mình yên tâm cải tạo tốt”, phạm nhân V. tâm sự.
"XMC, chống tái mù chữ cho phạm nhân là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phối hợp giữa Sở GD&ĐT với Trại giam Đắc Tân.
Mục đích, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Sau khi chấp hành xong bản án, phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng có cuộc sống ổn định, giảm tỉ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức và hành động của xã hội đối với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Tạo cơ hội cho phạm nhân quyết tâm học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân trở thành người có ích cho xã hội", ông Đỗ Tường Hiệp nhấn mạnh.