Với mục tiêu xóa mù chữ trên địa bàn, thời gian qua Đồng Tháp nỗ lực đẩy mạnh công tác xóa mù chữ đặc biệt cho phạm nhân và người dân ở các xã vùng biên giới.
Công tác phối hợp với các đồn biên phòng
Sở GD&ĐT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tỉnh, triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình phối hợp như: Đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng cấp xã tại xã biên giới; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về việc bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới cho học sinh và kiến thức pháp luật cho người dân, nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác xây dựng xã hội học tập, giữ gìn an ninh trật tự, chủ quyền biên giới quốc gia…
Đẩy mạnh tuyên truyền, để nâng cao trình độ hiểu biết, nắm chắc đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước, chính sách của địa phương, nâng cao ý thức tự học tập nhằm hiểu biết những kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở địa bàn biên giới.
Thực hiện tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: hệ thống loa truyền thanh, các phương tiện truyền thông, xây dựng các tủ sách pháp luật, các phòng đọc của trường học và trong buổi sinh hoạt chào cờ của các trường… Đồng thời, động viên, biểu dương gương tự học, khen thưởng các em học sinh có thành tích học tập tốt; lựa chọn những gia đình học tập tiêu biểu, dòng họ hiếu học để biểu dương nhân rộng góp phần tuyên truyền cho mỗi người dân ý thức tự học tập suốt đời.
Mặt khác, vận động người dân tham gia các lớp giáo dục pháp luật như: tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác phòng chống mua bán người, không để kẻ địch kích động, lôi kéo, mua chuộc, móc nối; ý thức tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh tố giác tội phạm nhất là các loại tội phạm mua bán người, ma túy, buôn lậu, các tệ nạn xã hội khác.
Chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà trao hỗ trợ từ Chương trình “Nâng bước em tới trường” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng) |
Ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết: Thời gian qua, ngành Giáo dục Đồng Tháp đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền vận động 618 người tham gia 12 lớp dạy nghề nông thôn, phổ biến kiến thức về khuyến nông; hướng nghiệp giới thiệu việc làm cho 1.668 người góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống của người dân.
Đồng thời, phối hợp với các đồn biên phòng thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa như: Nâng bước em tới trường; Con nuôi Đồn Biên phòng… Sau 3 năm thực hiện, tổng số tiền hỗ trợ cho các em là hơn 820 triệu đồng, nguồn kinh phí hỗ trợ các em được trích từ tiền lương đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong Bộ đội Biên phòng Tỉnh. Sự quan tâm hỗ trợ kịp thời đã góp phần giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục cắp sách đến trường.
Ngoài ra, các hoạt động khác được phối hợp tổ chức thường xuyên như: Tổ chức các lớp học tiếng Khmer đối với cán bộ, công chức cấp huyện, xã ở biên giới, cán bộ, chiến sĩ và giáo viên chưa biết hoặc ít biết tiếng Khmer; Tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Việt kiều trước khi vào lớp 1; Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn biên giới; Mở các lớp hướng dẫn Kỹ thuật nông nghiệp, học nghề, chuyển giao khoa học, các lớp phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em ở khu vực biên giới v.v.
Công tác phối hợp với trại giam
Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp phối hợp Trại giam Cao Lãnh và Trại tạm giam Công an Tỉnh về tổ chức các lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân đang chấp hành án cũng như để tổ chức dạy chương trình xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho phạm nhân chưa biết chữ hoặc tái mù chữ.
Bà Phạm Thị Xuân Mai, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cao Lãnh cho biết: Phòng GD&ĐT huyện Cao Lãnh đã chỉ đạo cho trường Tiểu học Tân Hội Trung 1 phối hợp với Trại giam Cao Lãnh và trường Tiểu học An Bình phối hợp với Trại tạm giam Công an Tỉnh mở các lớp xóa mù chữ cho phạm nhân đang chấp hành án, phân công giáo viên tham gia giảng dạy và hỗ trợ tổ chức các lớp.
Lễ Khai giảng 1 lớp học xóa mù chữ tại Trại giam Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp |
Từ năm 2022 đến nay ngành Giáo dục Đồng Tháp phối hợp mở 4 lớp xóa mù chữ với 116 học viên. Mục tiêu đến năm 2025: tất cả phạm nhân mù chữ, tái mù chữ có đủ điều kiện về khả năng, thời gian chấp hành án phạt tù được tham gia học tập văn hóa xóa mù chữ. Đến năm 2030: 100% phạm nhân mù chữ, tái mù chữ có đủ điều kiện về khả năng, thời gian chấp hành án phạt tù được tham gia học tập văn hóa xóa mù chữ.
Công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, chính quyền, địa phương. Tuy nhiên cũng có những tồn tại hạn chế như: Công tác kiểm tra chưa kịp thời, kinh phí hoạt động còn hạn chế hay chưa tổ chức được các cuộc họp, lớp tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, trại giam trong công tác điều hành, quản lý lớp học…
Thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác hỗ trợ hoạt động giáo dục cho con, em, người dân tại địa phương góp phần tăng thêm vẻ đẹp của người chiến sĩ, người thầy ở vùng biên giới, phát huy hơn nữa tinh thần tự học, học tập suốt đời góp phần xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023 - 2030.