(GD&TĐ) - Giữa đám học trò tóc không mọc nổi qua những đợt xạ trị, có em tay cầm viết, tay kia còn ôm bình truyền hóa chất, cô thực sự là một bà tiên… “Thầy cô giáo nào cũng mong học trò mình lớn khôn, sau này thành công trong cuộc sống. Còn riêng tôi chỉ mong sao các em được khỏe, được vui…!” - cô giáo Đinh Thị Kim Phấn (SN 1956), người đã tình nguyện gieo ánh sáng cho trẻ bị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM hơn 3 năm qua chia sẻ…
Bắt đầu từ Ước mơ của Thúy
Năm 2007, cô Phấn có dịp đọc loạt bài trên báo viết về cô bé Lê Thanh Thúy (nhân vật trong chương trình Ước mơ của Thúy do báo Tuổi Trẻ tổ chức). “Tôi đã tìm đến gặp em, dù Thúy bị ung thư xương nhưng em rất nỗ lực để có nhiều hoạt động giúp trẻ em cùng cảnh ngộ. Tôi rất xúc động trước hành động và nghị lực phi thường của em. Lúc đó tôi đem tấm gương của Thúy giảng cho học trò nghe vào mỗi giờ học Đạo đức”- cô giáo Kim Phấn cho biết.
Và từ đó, không chỉ khơi gợi nghị lực và ý thức vươn lên trong cuộc sống cho học sinh qua những giờ Đạo đức, cô Phấn còn bắt đầu tham gia sinh hoạt để giúp đỡ những trẻ em không may bị ung thư đang điều trị tại Bệnh viện ung bướu TP.HCM.
Mỗi tháng, cô tham gia tổ chức sinh nhật, tặng quà cho các em để các em vơi bớt phần nào nỗi đau bệnh tật. Rồi cô còn đi vận động người thân, bạn bè cùng đóng góp giúp đỡ các em. “Nhìn các em mà thấy chạnh lòng, đáng lẽ ở lứa tuổi này các em được trong vòng tay của cha mẹ, được vui chơi giải trí, học hành,… nhưng không may là các em mang trong người căn bệnh ung thư. Dù tương lai của các em dường như đã được định đoạt nhưng trong mắt luôn ánh lên khát vọng được học tập. Trong đó có em chưa từng được học buổi nào, có em đang học rồi bị bệnh nên phải bỏ dở giữa chừng”.
Cô Phấn và các học sinh đa phần đầu không có tóc vì những lần xạ trị ung thư |
Năm 2009, lớp học chữ tại Bệnh viện ung bướu ra đời, cô Kim Phấn phụ trách lớp học này. Năm học đầu tiên (2009- 2010), lớp tổ chức 3 buổi/tuần, cô rủ thêm các đồng nghiệp cùng dạy. Lớp được bố trí trong căn phòng rộng chừng 30m2 tại bệnh viện nhưng cô trò chỉ học được 1 buổi, 2 buổi còn lại phải dạy- học ngay tại giường bệnh. Giữa nơi ồn ào, đau thương nhưng cô trò vẫn ê a đánh vần từng chữ.
Hoạt động được 1 năm, học sinh (HS) ngày càng đông, phòng bệnh vốn đã chật nên không còn chỗ để học nữa. Sau đó, bệnh viện cho phép mở cửa phòng học ngày thứ bảy và chủ nhật, trang bị thêm đèn, máy lạnh, cô trò mừng lắm! Năm học 2011-2012 này, lớp được trang bị khang trang hơn, có bàn, có nơi để tập, để sách và có thêm 8 cô giáo tình nguyện đến lớp cùng cô Phấn.
Con chữ giữa nghịch cảnh
Lớp học của cô Phấn đặc biệt vì đa phần HS đầu không có tóc, sau những lần hóa trị, xạ trị ung thư. Có em vừa viết chữ, vừa phải truyền hóa chất nên mỗi dãy bàn học còn được bố trí thêm chỗ treo chai hóa chất cho những HS “đặc biệt” này. Không như những lớp học khác, luôn rộn rã tiếng cười, lớp học này đôi khi có những tiếng khóc, tiếng rên của trẻ vì đau nhức, vì bệnh tái phát. Tương lai của các em có thể kết thúc bất kỳ lúc nào nhưng khát vọng học chữ đã giúp cô trò kiên cường hơn và mạnh mẽ hơn. Mỗi chữ mà cô dạy cho các em đều mang nặng những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt và chứa đựng niềm hạnh phúc lớn lao.
Cô Phấn đang rèn chữ cho học trò |
Cô Phấn cho biết các em được học 2 mônToán và Tiếng Việt, theo chương trình của Bộ GD& ĐT. Mỗi buổi có khoảng 20 học sinh, hầu hết đều bị bệnh ung thư, từ các tỉnh khác chuyển lên điều trị. Lúc mới mở lớp, cô nhận dạy lớp 1 chỉ mong sao các em đọc, viết được cái tên của mình. Sau đó có nhiều em lớn hơn đứng bên ngoài nhìn, xin vào học, thấy tội nghiệp nên cô cho vào học luôn.
Vì ham học, có em sáng thức sớm, vừa nghe cô mở cửa thì ngồi dậy ôm theo chai hóa chất đang truyền trên tay đi vào lớp. Có những em học mấy năm cũng không khá vì bệnh tật, thuốc hành, nhưng vẫn siêng năng. Có những em học rồi tự phong lớp cho mình, học được 2 năm thì cho rằng mình là lớp 2, học 3 năm là lớp 3… Có những em nhỏ khi thấy cô vào lớp liền chui xuống gầm bàn trốn vì xấu hổ khi đầu không còn tóc.
Có em hỏi “Cô ơi tóc em có mọc lại không?”, “Em có làm ca sĩ được không?”... Cô nghe mà đau nhói lòng. “Ngày làm lễ tổng kết năm học, có em nhận được giấy khen liền khoe: “Cô ơi đây là năm thứ 2 em nhận được giấy khen”, mình vui và hạnh phúc lắm nhưng không biết em còn nhận được bao nhiêu giấy khen nữa! Nhìn các em vui vẻ, học tập, tôi vừa mừng lại vừa lo vì đa phần các em đang ở giai đoạn duy trì. Nhìn thấy bình thường nhưng bệnh vẫn đang âm ỉ hoành hành, khi trở bệnh lại sẽ nặng hơn”, cô Phấn tâm sự.
Chắp cánh cho những thiên thần
Có đến với lớp học cô Phấn mới thấy được ý nghĩa lớn lao của ước mơ vươn tới sự học. Dù bệnh nặng, dù đau đớn, một tay đang vào hóa chất nhưng tay kia các em vẫn tập viết chữ. Những con chữ viết ra cũng tròn đều, sạch sẽ và thấm đẫm những giọt mồ hôi, có khi là nước mắt. Giờ học, nhiều phụ huynh đứng bên ngoài nhìn con mình nắn nót từng nét chữ mà rơi nước mắt. Họ mừng vui, có được niềm an ủi vì không ngờ con mình vào đây mà vẫn được học hành, vui chơi.
Dù đau đớn nhưng các em vẫn tập viết chữ khi tay kia đang truyền hóa chất để chống chọi với căn bệnh ung thư |
Niềm vui lớn nhất của cô giáo Phấn là thấy học sinh… không vắng mặt ở lớp. “Tôi buồn nhất là khi học sinh vắng, nhiều khi tuần này dạy thấy các em còn vui chơi, khỏe mạnh, viết chữ rất đẹp thì tuần sau không thấy là biết các em trở bệnh nặng hoặc mất rồi. Có em kịp gặp mặt, nhưng nhiều em trở bệnh nhanh, không kịp gặp mặt trước khi mất. Tôi đang giữ khoảng 150 quyển tập, trong đó có cả tập của những em đã mất!”. Đau đớn nhất là những lần tiễn các em. Dù không ruột rà máu mủ nhưng mỗi em ra đi là nỗi mất mát lớn đối với cô.
Cô nhớ mãi em Phan Anh Trường- HS giỏi tỉnh Bình Định, đang học lớp 6 thì phát bệnh. Vào bệnh viện, em tham gia lớp học, tính toán rất giỏi, làm văn hay. Ngày khai giảng năm học, em là 1 trong 7 HS xuất sắc được mọi người dìu đứng dậy nhận giấy khen, cặp và được mặc đồ cử nhân. Những ngày cuối đời, gần tết Trung thu vừa qua, em còn cố gắng gượng dậy tham gia phong trào Viết thư cho chị Hằng. “Bệnh tiến triển nhanh, em yếu dần và gia đình đưa em về chuẩn bị lo hậu sự. Tôi đưa em ra xe, em nói với tôi là không về, em sẽ ở lại bệnh viện để học và trị bệnh. Tôi khuyên em về nhà vài bữa, muốn ăn gì kêu mẹ làm cho ăn, khỏe rồi vào học tiếp. Đưa em ra xe mà tôi nghe trong lòng xót xa, cảm giác sự mất mát lớn lao. Xe cấp cứu đưa em về quê nhưng đi tới Nha Trang thì em mất!” - cô Phấn nghẹn ngào kể.
Con chữ trong nghịch cảnh đã tiếp sức cho những bệnh nhi ung bướu vui sống và vươn lên. Bệnh nhi Phương Như vào bệnh viện chữa trị từ khi mới 4 tuổi, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, chuẩn bị đến tuổi vào lớp 1, Như theo học chữ tại lớp học bệnh viện. Cô bé được cô Phấn cần mẫn dạy viết chữ, học toán nên có nền tảng kiến thức đủ để theo học lớp 1 tại địa phương.
Năm học rồi Phương Như đã làm được nhiều hơn mong đợi của cha mẹ khi đạt học sinh giỏi Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận Tân Bình TP.HCM). Năm học mới này Phương Như quyết tâm sẽ giữ vững danh hiệu học sinh giỏi để làm phần thưởng tặng cô Phấn. Giấu nước mắt vui mừng, chị Chi, mẹ của bé Phương Như, tâm sự: “Con tôi cứ ước ao hết bệnh, để không phải bỏ học nửa chừng. Lần nào vào bệnh viện truyền thuốc cháu cũng mang theo cuốn vở học, tôi không khỏi xót xa thương con”.
Giờ đây, đã ở tuổi xế chiều, sức khỏe vơi đi nhiều vì tuổi tác nhưng cô giáo Phấn vẫn cần mẫn đến lớp. Cô có một niềm hạnh phúc thật giản dị: Niềm vui đi học của những thiên thần không mọc tóc. Có một câu chuyện cảm động mà nhiều phụ huynh và bác sĩ nơi đây còn nhắc mãi. Đó là chuyện bệnh nhi Thúy An (Tây Ninh) trước khi vào phòng chăm sóc đặc biệt đã gọi điện thoại cho cô Phấn để còn được nghe giọng nói của cô. Và đây cũng là điều mong muốn cuối cùng của An, bởi hôm sau, em đã ra đi...
Nguyễn Quốc Ngữ