Lớp học 100% học sinh dân tộc thiểu số đạt trung bình trên 20 điểm khối C

GD&TĐ - “Ngày nhập học lớp 10, thầy cô vẫn phải rèn lại quy tắc ngữ pháp, chính tả cho các em. Vậy mà sau 3 năm, cả lớp thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH khối C với kết quả cao. Đó là niềm vui bất ngờ và quá sức mong đợi của riêng tôi và nhà trường” - cô Cao Kim Anh, giáo viên lớp 12C1, trường THPT DTNT số 2, Nghệ An - chia sẻ.

Lớp học 100% học sinh dân tộc thiểu số đạt trung bình trên 20 điểm khối C

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, lớp 12C1 đã đạt thành tích đáng nể với điểm trung bình các môn khối C của cả lớp đạt trên 20 điểm. Phổ điểm của các em đẹp, lớp có tổng số 29 em thì có 18 em đạt 7 điểm trở lên môn Văn, 15 em đạt 7 điểm trở lên môn Sử, và 27 em đạt từ 7 trở lên môn Địa. Đặc biệt, tất cả các học sinh trong lớp đều là học sinh người dân tộc thiểu số.

Lập FB để học tốt hơn

Đạt điểm cao nhất lớp là em Lim Thị Thạch Thảo với 25,5 điểm (Ngữ văn 8,25; Lịch sử 8,75; Địa lý 8,5). Chia sẻ niềm vui, Thảo cho biết em không có bí quyết gì đặc biệt: Ở trên lớp em chú ý nghe giảng, cái gì không hiểu hỏi ngay. Về phòng thì tự học buổi tối, trao đổi cùng các bạn. Em cũng tham gia nhiều lần thi thử để rút kinh nghiệm cho mình.

Các môn khối C đều là môn tự luận, vì thế, khi vào phòng thi cần biết chia thời gian hợp lý cho từng câu hỏi. Thảo cũng cho biết em đã làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Học viện cảnh sát nhân dân và Đại học Vinh và đang chờ kết quả.

Đạt 25 điểm 3 môn Văn, Sử, Địa là em Lê Thị Thùy Trang. Trước đó gia đình hướng Trang học theo khối A, mãi đến năm lớp 12 em mới chuyển khối .

“Càng học thì em càng thấy mình có năng khiếu nổi trội về khối xã hội hơn. Được sự động viên của thầy cô và các bạn, em quyết định chuyển sang học khối C”. Với môn Sử, Địa thì Trang học theo từng chủ đề. Còn môn Văn, các tác phẩm văn xuôi em cố gắng đọc, viết, nhớ các chi tiết chính của câu chuyện, các bài thơ em cảm nhận theo cảm xúc của mình. Sau đó, em mới đọc thêm các tài liệu tham khảo.

Trang cũng cho hay, trong tiếng Việt có một số từ, cách diễn đạt em đọc được nhưng không hiểu được. Lúc đó, em lại nhờ đến sự trợ giúp của các thầy cô giáo, “không để lâu, tích tụ lại sẽ thành cái thiếu hụt, sai lệch của mình”.

Gia đình Trang làm nông nghiệp, hoàn cảnh gia đình còn vất vả, nên sau khi biết điểm thi, Trang đã cân nhắc và nộp hồ sơ vào ngành Sư phạm Địa của trường Đại học Vinh để học gần nhà.

Thú vị nhất về lớp 12C1 là cả lớp lập nhóm kín trên FB, chỉ cho thêm cô giáo chủ nhiệm gia nhập. Ở đó, các em chia sẻ các bí quyết học tập, cách làm bài hay, các đề thi thú vị, lịch ôn tập, thi cử và cả những tâm sự, chia sẻ trong cuộc sống. Nhờ vậy, cả lớp hiểu nhau hơn và cùng nhau tiến bộ trong học tập.

Cô giáo cũng thường xuyên vào FB, kết nối thông tin với học trò, khuyến khích các em xem các chương trình Lục lạc vàng, Sinh ra từ làng, Việc tử tế… và đọc báo mạng Internet. Qua đó, giúp các em biết thông cảm, thấu hiểu, bồi dưỡng tâm hồn và hiểu biết tình hình văn hóa, xã hội, thời sự…

“Có tin tức gì hay, mới mẻ bọn em đều chia sẻ trên nhóm của lớp. Ngoài ra, trường em còn tổ chức các CLB Văn học, Lịch sử, Toán học, Vật lý… và các buổi thảo luận chuyên đề. Những lúc như thế, bọn em thường thảo luận, bàn kế hoạch trước với nhau tại Fb của lớp để chuẩn bị cho mỗi lần sinh hoạt CLB”, em Sầm Thị Dung cho biết. Dung cũng đạt được 24 điểm khối C tại kỳ thi THPT quốc gia.

Dung còn là một cán bộ Đoàn năng nổ của trường và tháng 5/2016, em đã vinh dự được kết nạp Đảng. Hoàn cảnh gia đình Dung rất vất vả, bố mất sớm, mẹ đi làm xa, Dung ở cùng với gia đình người cô ruột. Mặc dù vậy em vẫn cố gắng nỗ lực trong cuộc sống và học tập. Các thầy cô trường THPT DTNT 2 cũng thường xuyên giúp đỡ, tặng quà, động viên Dung để em yên tâm học tập.

Dạy học sinh từ cách đặt dấu chấm câu

Điều đặc biệt nữa là thành tích nổ bật đó của tập thể lớp 12C1 lại có từ xuất phát điểm rất khó khăn: “Nói ra, có thể mọi người không tin, nhưng khi các em bước vào lớp 10, việc đầu tiên tôi làm khi nhận lớp là dạy lại các quy tắc ngữ pháp, chính tả, dấu chấm câu cho học sinh. Những điều mà đáng lẽ ra các em đã được rèn luyện thuần thục từ cấp 1, cấp 2”, cô Kim Anh cho biết.

Tất cả học sinh của trường THPT DTNT là con em đồng bào dân tộc. Vì vậy, tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ, mà là ngôn ngữ thứ 2. Học càng lên cao, các em lại càng gặp khó khăn và phải chăm chỉ đọc, viết để có thể hiểu, làm bài tốt các môn học, đặc biệt là các môn xã hội.

“Đối với môn Ngữ văn, tôi cho các em làm nhiều bài tập, các dạng đề. Mỗi bài văn của các em, tôi phải chấm rất kỹ, gạch chân, sửa từng lỗi. Sau đó dành thời gian giảng bài, vẽ sơ đồ tư duy cho mỗi bài tập để các em dễ hình dung và nắm vững các ý cơ bản. Bài kiểm tra của các em, tôi phô tô cả bài làm tốt và bài nhiều lỗi sai rồi phát cho cả lớp chấm điểm cho nhau, để các em tự rút kinh nghiệm cho mình”, cô Kim Anh chia sẻ..

Ngoài ra, để giúp các em học sinh có thêm vốn hiểu biết, am hiểu thực tiễn, các thầy cô còn mua sách tham khảo, in tài liệu, sách báo, đề thi cho học sinh về nhà học. Cuối năm 12, sau khi hoàn thành kỳ thi THPT, các em đem sách trả lại cho cô giáo để dành cho các bạn khóa sau, số sách chất đầy nửa cái ô tô!

Học sinh ở nội trú, không có bố mẹ quản lý sát sao, quan trọng nhất là rèn luyện phương pháp tự học cho các em. Cô Bính, giáo viên bộ môn Lịch sử cho biết: “Môn Lịch sử, được xem là môn khó nhớ, nhiều sự kiện thì điều quan trọng là học sinh phải chăm đọc, chăm viết. Hướng dẫn các em học đều, không học tủ, học đi học lại, vấn đề nào chưa hiểu thì lên lớp hỏi cô giáo.

Mỗi năm học, ban giám hiệu nhà trường cho phép giáo viên chủ động xây dựng chương trình dạy học nên tôi phân phối lượng kiến thức rõ ràng cho từng buổi học. Để học sinh tiếp nhận kiến thức tốt, các thầy cô thực hiện phương châm: dạy kỹ, dạy chậm, dạy chắc, không dồn ép, không nặng nề. Đồng thời, cho các em học động, chơi trò chơi trí nhớ, gắn kiến thức với những câu chuyện lịch sử. Các em phải yêu thích, hứng thú thì mới học tốt được”.

Với nỗ lực và quyết tâm lớn, lớp 12C1 đã đạt kết quả tốt tại kỳ thi THPT quốc gia 2016. Bất ngờ nhất là nhiều em lớp 10, 11 lực học rất bình thường, thậm chí còn vấp nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ… nhưng lớp 12 đã cố gắng vượt bậc đạt điểm Văn cao ngoài kỳ vọng của cô giáo như em Lương Thế Hiển đạt 8,25 điểm, em Lương Thế Hiển 8 điểm.

Cô Kim Anh chia sẻ: “Các em rất đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau trong học tập, sống rất tình cảm, gắn bó với thầy cô. Chính vì vậy mà giáo viên cũng nắm được tâm tư, hoàn cảnh của từng em để kịp thời có sự trợ giúp, hỗ trợ kịp thời, giúp các em vươn lên học tập tốt. Các em có kết quả thi tốt, nhưng bên cạnh đó các em còn là những học sinh tốt, đó mới là thành công lớn nhất của cả cô và trò”.

Lớp học 100% học sinh dân tộc thiểu số đạt trung bình trên 20 điểm khối C ảnh 1Lớp học 100% học sinh dân tộc thiểu số đạt trung bình trên 20 điểm khối C ảnh 2Lớp học 100% học sinh dân tộc thiểu số đạt trung bình trên 20 điểm khối C ảnh 3Lớp học 100% học sinh dân tộc thiểu số đạt trung bình trên 20 điểm khối C ảnh 4Lớp học 100% học sinh dân tộc thiểu số đạt trung bình trên 20 điểm khối C ảnh 5Lớp học 100% học sinh dân tộc thiểu số đạt trung bình trên 20 điểm khối C ảnh 6Lớp học 100% học sinh dân tộc thiểu số đạt trung bình trên 20 điểm khối C ảnh 7

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.