Điểm khác biệt
- PGS có thể cho biết, việc chú trọng hướng nghề, hướng nghiệp được thể hiện như thế nào trong Chương trình, sách giáo khoa mới?
- Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thông qua tất cả môn học và hoạt động giáo dục. Điều này là điểm khác biệt so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Cụ thể, nội dung Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân chia theo hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Giai đoạn giáo dục cơ bản: Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào các việc khám phá, rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp lứa tuổi. Ở cấp THCS, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, tìm hiểu tự nhiên và hướng nghiệp. Đồng thời, hoạt động hướng vào bản thân vẫn được triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Ngoài hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất, năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.
Khi xây dựng Chương trình, các môn học đều có nội dung hướng nghiệp, xem những ngành nghề nào sẽ sử dụng môn học đó với tư cách là nền tảng cho một lĩnh vực nhất định. Có nghĩa là hướng nghiệp từ góc độ môn học.
Trong hoạt động giáo dục, với tên gọi mới là Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, cũng thực hiện nội dung hết sức quan trọng là hướng nghiệp. Hoạt động này “cõng” một phần quan trọng trong nội dung giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Qua đó giúp các em hiểu hơn về các nghề, các yêu cầu của nghề đối với phẩm chất và năng lực của người lao động trong nghề đó.
Từ đó, học sinh lập được kế hoạch rèn luyện bản thân theo định hướng nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ có hoạt động giúp trẻ khám phá bản thân, xem mình có năng lực thế nào, phù hợp với ngành nghề gì. Nếu nghề mình thích nhưng còn thiếu kỹ năng, hay thiếu năng lực nào đó để có kế hoạch rèn luyện, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp sẽ giúp học sinh thực hiện những điều đó.
Nhiệm vụ không chỉ của nhà trường
- Theo PGS, cần có những phương thức tổ chức và loại hình hoạt động nào để đạt được mục tiêu đặt ra về hướng nghề, hướng nghiệp cho học sinh trong Chương trình mới?
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa. Ảnh: NVCC |
- Hình thức đầu tiên chắc chắn sẽ là những tiết học, giờ hoạt động trải nghiệm với nội dung hướng nghiệp. Qua đó, học sinh được tìm hiểu, chia sẻ, trình bày những thông tin mình tìm hiểu về hướng nghiệp.
Cùng với đó là tổ chức hội chợ việc làm, buổi nói chuyện với chuyên gia, người đã thành công, các nghệ nhân… để giới thiệu về nghề nghiệp, xu hướng phát triển nghề nghiệp trong xã hội. Còn có hình thức khác nữa là các nhà trường cho học sinh tham quan thực tiễn và trải nghiệm với một số nghề ở địa phương.
Tuy nhiên, để học sinh có thể trải nghiệm được đa dạng các ngành nghề không hề dễ dàng. Do đó, cần khích lệ nhà trường xây dựng mối quan hệ, tạo được mảng liên kết với các tổ chức, hội nghề nghiệp, cơ quan, đoàn thể… giúp trò có cơ hội trải nghiệm, từ đó phát hiện ra sở thích, sở trường của bản thân.
Điều này cũng cho thấy, giáo dục hướng nghiệp không chỉ là nghĩa vụ của nhà trường, mà đòi hỏi sự tham gia của các lực lượng xã hội, cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng tham gia. Cần phải coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.
- Phân luồng, hướng nghiệp được đặt ra từ rất lâu nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Theo PGS, sẽ có những khó khăn nào trong công tác hướng nghiệp ở chương trình mới? Giải pháp khắc phục là gì?
- Vấn đề hướng nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, đơn giản, dù ai cũng thấy định hướng nghề nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chất lượng nhân lực; sự phát triển của xã hội sau này phụ thuộc nhiều vào sự chuẩn bị nhân lực. Học sinh chọn được đúng ngành, đúng nghề không chỉ tạo ra sự phát triển cho cá nhân, mà còn cho toàn xã hội. Làm sao mỗi cá nhân phát hiện, phát huy được năng lực, sở trường để định hướng nghề nghiệp đúng là hết sức quan trọng.
Dù vậy, trên thực tế, việc phân luồng, hướng nghiệp nhiều năm nay vẫn gặp khó khăn. Giải pháp cho vấn đề này cần mang tính đồng bộ cao. Trước hết là hệ thống các cơ sở giáo dục sau phổ thông (điểm đón đầu phân luồng), làm sao để có thể thu hút được người học ở các cấp độ khác nhau, từ trường nghề, trường trung cấp đến trường cao đẳng, đại học… Những cơ sở này có thể đổi mới được hay không, ngoài nỗ lực nội tại còn liên quan đến chính sách, định hướng phát triển vĩ mô của Nhà nước, bộ, ngành.
Mỗi giáo viên là một nhà hướng nghiệp
- Hiện, đội ngũ phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường học chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa được đào tạo chuyên trách, chính quy, sự hiểu biết sâu về ngành, nghề của giáo viên còn hạn chế. Điều này liệu trở thành “lực cản” khi thực hiện chương trình mới?
- Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi “trả” giáo dục hướng nghiệp về cho môn học và hoạt động giáo dục thì mỗi giáo viên đều trở thành một nhà hướng nghiệp. Khi đó, thầy cô cần phải được bồi dưỡng sâu hơn nữa về nội dung này.
Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp chú trọng đến việc làm sao giúp người học hình thành phẩm chất của người lao động mà bất kỳ ngành nghề nào cũng cần. Cùng với đó là các kỹ năng mềm giúp học sinh thuận lợi khi tham gia thị trường lao động. Trong chương trình mới, chúng tôi chú trọng rèn luyện học sinh các phẩm chất, kỹ năng nền tảng cơ bản của người lao động, đó là mục đích hết sức quan trọng của giáo dục hướng nghiệp. Những điều này, giáo viên cần được bồi dưỡng, cả về cách làm, cách thực hiện để có thể triển khai hiệu quả chương trình.
- Xin cảm ơn PGS!