Lối mở việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

GD&TĐ - Ngày hướng nghiệp – một cụm từ mới nhưng bao hàm trong đó ý nghĩa hướng nghiệp rất rõ, đến ngày hướng nghiệp sinh viên có cơ hội làm quen, tìm hiểu các lĩnh vực việc làm liên quan để ướm thử xem năng lực của mình có đáp ứng được không, cũng như doanh nghiệp (DN) đưa ra những yêu cầu thế nào về lao động.

Lối mở việc làm  cho sinh viên sau tốt nghiệp

Nhà trường cần doanh nghiệp

Tại ngày hướng nghiệp mới đây được Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) tổ chức, PGS.TS Lê Minh Hà – Trưởng khoa Toán – Cơ – Tin học, cho biết hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả các nước phát triển trong khu vực và thế giới đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0.

Đối với ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam, ước tính mỗi năm, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đều đặn gần 50%, trong khi thực tế với 500.000 ứng viên ra trường chỉ có 8% đáp ứng được nhu cầu này.

Ước tính sẽ có gần 80.000 sinh viên CNTT bước vào thị trường lao động trong hai năm, 2017 và 2018, tuy nhiên so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam vẫn sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT.

Nếu tính tới năm 2020, số nhân lực thiếu hụt sẽ lên tới hơn 500.000 người. Riêng FPT có kế hoạch tuyển dụng 20.000 lao động từ 2017 - 2020.

Có thể thấy được tính hiệu quả và thiết thực của ngày hướng nghiệp này rất rõ. Bên cạnh việc giúp sinh viên tìm kiếm việc làm tại các DN tham dự, ngày hướng nghiệp của Khoa Toán – Cơ – Tin học còn có một loạt các hoạt động đa dạng nhằm kết nối và từng bước đáp ứng được nhu cầu về nhân lực CNTT và toán ứng dụng.

Song hành để phát triển

Nói về mối quan hệ qua lại giữa nhà trường và DN cũng như trả lời câu hỏi DN thường có yêu cầu gì với nhà trường, PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cho biết:

Yêu cầu đầu tiên của DN là các nhà trường phải đào tạo chất lượng vì nói gì thì nói lao động có chất lượng thì mới có năng lực đáp ứng công việc DN đòi hỏi. Đây là yêu cầu đầu tiên và cũng là quan trọng nhất mà DN yêu cầu chúng tôi phải đáp ứng.

Ở trường chúng tôi, trên cơ sở các ngành nghề đào tạo, trường hợp tác với nhiều DN, DN theo yêu cầu cụ thể cũng chủ động tìm đến với trường.

Nhắn gửi tới các sinh viên đang theo học lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và các bạn trẻ đang ngồi trên giảng đường đại học sắp tốt nghiệp và đang trên đường đi tìm việc làm, CEO CyRadar – ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, nhân lực trong lĩnh vực CNTT đang rất nhiều, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao đều thiếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao rất khó và phụ thuộc vào khí chất của từng người.

“Nếu muốn làm việc trong lĩnh vực này, các bạn phải tự biết cố gắng, tìm hiểu, thiết lập những mạng lưới quan hệ, giúp các bạn tiếp cận được các công ty sớm nhất để thực tập, tham quan… và chuẩn bị hành trang để sải bước trên hành trình tương lai của mình.

Các bạn hãy đam mê hơn trong công việc và cần có định hướng tương lai một cách rõ nhất, đồng thời tìm kiếm những vị trí việc làm phù hợp với lĩnh vực ngành nghề mình đào tạo bởi vì đây là thế mạnh mình có thể phát triển được tốt nhất”, ông Nguyễn Minh Đức nêu rõ.

PGS.TS Lê Minh Hàphân tích: Các giải pháp mà Khoa chúng tôi thực hiện là: Xây dựng một chương trình đào tạo hiện đại, chú trọng kiến thức cơ bản, nhưng tăng cường thực tập thực tế, gắn kết sinh viên với các nhóm nghiên cứu, phối hợp đào tạo với các DN; Sắp xếp lại tổ chức, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia thực hiện các đề tài hợp tác - phát triển theo đặt hàng của các DN trong và ngoài nước, đồng thời thu hút sự tham gia của các sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ