Những tác giả nghiên cứu sâu về làm văn lại thiên về lí thuyết, hàn lâm; những GV gần với thực tiễn làm văn của HS lại thiếu sự khái quát, hệ thống về những vướng mắc, những lỗi kĩ năng thường gặp của HS. Vì vậy cần có những tìm hiểu sâu hơn về thực trạng và những lỗi HS thường mắc khi làm bài văn NLXH.
Những đặc trưng và yêu cầu của NLXH là những chỉ dẫn hữu hiệu về kĩ năng cho HS. Tuy nhiên từ lí thuyết đến thực hành, từ nhận thức đến hành động là một khoảng cách. Một số HS nắm được lí thuyết nhưng khi làm bài NLXH vẫn trượt theo quán tính của thói quen. Một số lại lúng túng khi vận dụng kĩ năng chung vào việc làm những đề văn rất cụ thể. Vì thế, qua thực tế chấm chữa bài nhiều năm, chúng tôi đã đúc kết một số kinh nghiệm nhỏ giúp HS khắc phục những lỗi cơ bản sau.
1. Không chơi trò trốn tìm trong trình bày luận điểm
Giải pháp này nhằm khắc phục một thực trạng khá phổ biến là: nhiều HS không lập ý khi làm bài hoặc lập ý mà thiếu kĩ năng trình bày, dẫn đến thiếu luận điểm, luận điểm không nổi bật vì bị lẫn vào những câu phân tích, lí giải....; một số HS thích diễn đạt rườm rà, cầu kì khiến luận điểm mơ hồ, thiếu chính xác.
NLXH cần bày tỏ trực tiếp, công khai quan điểm của người viết; phê phán, bác bỏ các quan điểm sai lệch. Vì thế cần trình bày luận điểm theo kiểu diễn dịch hoặc tổng phân hợp. Luận điểm cần diễn đạt giản dị, sáng rõ, để người đọc dễ nắm bắt quan điểm của người viết. HS có thể tham khảo từ các cách trình bày luận điểm sau đây:
a. Tăng tiến
Giống như Đác uyn đã tìm ra qui luật phát triển của thế giới hữu cơ, Mác đã tìm ra qui luật phát triển của lịch sử loài người… Nhưng không chỉ có thế thôi, Mác cũng tìm ra qui luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa… Con người khoa học là như vậy đó. Nhưng đấy hoàn toàn không phải là điều chủ yếu ở Mác… Bởi lẽ trước hết Mác là một nhà cách mạng.
b. Đẳng lập
Từ luận đề: Vô tuyến truyền hình là phương tiện truyền thông cần thiết cho mỗi gia đình, có thể triển khai thành các luận điểm sau: Vô tuyến truyền hình là một nguồn tri thức phong phú cho mọi người… Vô tuyến truyền hình là một của sổ để từ đó quan sát xã hội và thế giới… Vô tuyến truyền hình là một sân khấu nhỏ trong nhà.
c. Đối chiếu
Từ luận đề: Hãy để các thần tượng khích lệ mình phấn đấu vươn lên, có thể triển khai thành các luận điểm: Có nhiều học sinh sùng bái thần tượng, thuộc tên nhiều cầu thủ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, rồi chỉ bắt chước bề ngoài như trang phục, kiểu tóc của họ… Tuy nhiên, không ít bạn học sinh, khi sùng bái thần tượng, đã biến họ thành nguồn khích lệ cho mình để phấn đấu vươn lên trong học tập.
2. Tạo sự gắn kết giữa luận điểm và luận cứ
Giải pháp này nhằm khắc phục thực trạng là không ít HS đã tạo khoảng chân không lơ lửng giữa luận điểm và luận cứ. HS nêu luận điểm rồi dùng luôn dẫn chứng để minh hoạ. Cách làm này khiến người đọc bài cảm thấy hụt hẫng, bài NLXH sẽ nông cạn, thiếu sự sắc sảo của lập luận, lí lẽ.
Vì thế khi triển khai, phân tích luận điểm NLXH hãy nhớ đoạn thơ sau: Em là mùa hè nóng bỏng/Anh là mùa đông giá băng/Anh tiến lên một bước/Em lùi lại một bước /Và chúng ta gặp nhau giữa mùa xuân (Pêtôphi). Sau luận điểm cần có lí lẽ, diễn giải vì sao lại như thế rồi mới đưa dẫn chứng minh hoạ. Lí lẽ phải hướng về dẫn chứng sắp trích, dẫn chứng phải hướng về những lí lẽ đã trình bày, như thế mới tạo nên sự liên kết, liền mạch trong bài văn.
3. Cần xác định đúng và trúng trọng tâm của vấn đề nghị luận
Giải pháp này nhằm khắc phục thực trạng là HS xác định trọng tâm nghị luận rộng hơn yêu cầu của đề ra, do đó bài làm bị vênh với đề, luận điểm vừa thừa vừa thiếu.
Ví dụ 1. Bình luận câu nói của Tônxtôi: “Bạn đừng chờ đợi những quà tặng bất ngờ từ cuộc sống, mà hãy tự mình làm nên cuộc sống”.
Nhiều HS xác định vấn đề NL là: Phải sống chủ động, tích cực, trong lúc trọng tâm vấn đề hẹp hơn: phải chủ động, tích cực để tự mang lại hạnh phúc thành công cho chính mình.
Ví dụ 2. Suy nghĩ về ý kiến “Thật hạnh phúc khi biết cho mà không nhớ, biết nhận mà không quên”.
Nhiều HS xác định vấn đề NL là bàn về cho và nhận trong cuộc sống, trong lúc trọng tâm NL hẹp hơn, là một trường hợp cụ thể của cho và nhận: Cho mà không nhớ, nhận mà không quên.
Ví dụ 3. Suy nghĩ về quan niệm “Hạnh phúc cũng như lửa, càng chia ra càng được nhân lên”.
Nhiều HS xác định vấn đề NL là bàn về hạnh phúc, trong lúc trọng tâm NL rất hẹp, là bàn về một quan niệm rất cụ thể về hạnh phúc: Hạnh phúc là chia sẻ (Khác các quan niệm khác như: Hạnh phúc là đấu tranh, Hạnh phúc là tự do...)
Vì thế, cần xác định đúng và trúng trọng tâm của vấn đề cần NL. Phải xem xét từ khoá trong ngữ cảnh chung của cả câu, tìm ra cốt ý của cả câu, tránh việc NL chung chung về vấn đề được nêu trong từ khoá.
4. Công thức, cứng nhắc trong các bước làm bài
Các bước kĩ năng NLXH không phải là công thức toán học, nó cần có độ mềm dẻo, linh hoạt trong khi vận dụng vào từng đề ra cụ thể. Tuy nhiên nhiều HS rất máy móc khi áp dụng, điều này đặc biệt phổ biến khi các em tìm và diễn đạt luận điểm ở phần luận để mở rộng, nâng cao vấn đề.
Có HS trong mọi trường hợp, chỉ diễn đạt ý phản biện bằng một câu duy nhất: “Trong một số trường hợp, ý kiến trên chưa thật chính xác”. Có HS khi phản biện ý kiến “Bị đánh bại chỉ là nhất thời, bỏ cuộc mới là thất bại vĩnh viễn” đã diễn đạt: “Trong cuộc sống con người cũng cần học cách từ bỏ”. Khi thảo luận, thậm chí các em còn không nhận ra mình bị mắc lỗi diễn đạt ở phản biện. Đó là lỗi diễn đạt chung chung, ý phản biện sẽ đứng vững khi người viết khái quát được trong những trường hợp nào của cuộc sống, ý kiến trên chưa thật xác đáng. Việc diễn đạt chung chung như thế dễ trở thành “vơ đũa cả nắm”, biến điều cá biệt trở thành phổ biến, dẫn đến tự mâu thuẫn với chính những điều đã ra sức chứng minh ở phần trước.
Không có chân lí tuyệt đối trong cuộc sống, vì thế những ý kiến nhận định dù là chân lí cũng chỉ có tính tương đối. Cho nên muốn phản biện, phải khái quát được đặc điểm chung của những những hoàn cảnh cá biệt mà ý kiến trên không đúng. Ví dụ nên cụ thể hơn câu “Trong cuộc sống con người cũng cần học cách từ bỏ” thành “Trong cuộc sống, con người cũng cần học cách từ bỏ những điều quá xa vời, vượt quá khả năng, điều kiện của bản thân”.
5. NLXH phải có chất văn, tránh sa vào hô hào, lên gân, rao giảng đạo lí
Giải pháp này nhằm tăng chất văn cho bài NLXH, tránh kiểu viết áp đặt, khẩu hiệu. Muốn như thế cần có cái nhìn khác hơn về NLXH. NLXH không chỉ huy động kiến thức, vận dụng kĩ năng để giải quyết vấn đề, mà còn là dịp để người viết đối diện với chính mình. Khi người viết biết cách chia sẻ cảm xúc, trải nghiệm của bản thân thì bài viết mới đậm chất văn, khiến người đọc rung cảm. Vì thế, cần viết với tâm thế của một người trong cuộc, xem vấn đề NL như một cái cớ, một dịp để tự soi vào chính mình, chia sẻ những suy ngẫm, cảm nhận chân thành của chính mình.
Ví dụ 1. Với đề ra “Hãy thắt dây an toàn khi lái xe”, một học sinh THPT ở Mỹ đã mở bài như sau: Một ngày tháng 6 đẹp trời năm ngoái, người hàng xóm 20 tuổi của tôi lái một chiếc xe thể thao đi thăm bạn gái. Và anh ấy đã không bao giờ đến được nơi mình muốn đến. Cuối chiều hôm ấy, cô bạn gái đã gặp anh ở bệnh viện....
Ví dụ 2. Với đề ra “Bình luận về câu nói của Napôlêông: Người ta dắt mũi con người bằng những cái phù phiếm”, một HS đã chia sẻ: “Những ngày đầu tiên bước chân vào ngôi trường cấp 2, tôi ít bạn vì là đứa chuyển đến từ một trường tiểu học xa lạ với lũ bạn cùng khóa. Cho đến một hôm, khi tình cờ đem chiếc máy ảnh kĩ thuật số đến lớp, đám nhóc tò mò bỗng xúm lại xin xỏ tôi để được dùng thử thứ đồ công nghệ mới tinh. Sự chú ý nhất thời rõ ràng làm con bé mới lớn như tôi ra trò thích.
Mặc định rằng càng nhiều món đồ quý giá hay ho thì sẽ càng được quan tâm, tôi nài xin mẹ để được cầm điện thoại, ipad, và chiếc kim từ điển hiện đại đến lớp, nhưng tất cả đều là đồ dùng được sắm sửa cho cô chị sắp đi học đại học ở xa. Những trò chơi thú vị đến đâu thì lâu dần cũng trơ nên mòn cũ. Sau vài tuần tấp nập những tiếng cười rôm rả, bàn học của tôi lại im vắng như chưa hề có những cuộc viếng thăm.
Lặng lẽ cắm đầu vào chiếc điện thoại mới toanh, tôi bỗng nhận ra những thứ vật chất phù phiếm bề ngoài chẳng bao giờ làm nên giá trị đích thực. Con bé lớp trưởng chưa một lần gây chú ý bằng những chiêu trò thú vị, nhưng mỗi buổi tan trường đều có dăm ba cô bạn khoác vai tíu tít vui chơi. Bạn có bao giờ ấu trĩ như tôi, từng tin rằng những thứ của cải đắt tiền sẽ tạo nên những tình bạn đẹp?”
Chia sẻ trải nghiệm, cảm xúc sẽ khiến bài NLXH biểu cảm, có chất văn. Song nếu quá lạm dụng sẽ dễ bị lan man, lạc đề. Hơn nữa, tự sự, chia sẻ không nên sa vào kể lể vụn vặt, không ăn nhập vào mạch chung của bài viết. Hãy rút ra thông điệp ý nghĩa, gần gũi với vấn đề nghị luận từ những mẩu chia sẻ nhỏ.
6. Để NLVH lấn át NLXH
HS ít có điều kiện để bồi đắp kiến thức về đời sống xã hội, nên mảng dẫn chứng quen thuộc nhất với các em là cuộc đời sự nghiệp của các nhà văn, số phận các nhân vật trong tác phẩm. Tuy nhiên lạm dụng dẫn chứng từ văn học về số lượng, dung lượng sẽ khiến trọng tâm nghị luận bị lệch. Văn học chỉ là một mảng nhỏ trong đời sống xã hội, văn học bắt nguồn từ đời sống nhưng vẫn là sản phẩm của hư cấu tưởng tượng.
NLXH cần hài hoà dẫn chứng từ văn học và đời sống. Trong đó cần ưu tiên hơn mảng dẫn chứng từ đời sống để phù hợp với kiểu bài. Khi dùng dẫn chứng văn học không nên sa đà phân tích tiểu tiết và trích dẫn, mà chỉ nêu điều cốt ý, thông điệp đúc rút từ cuộc đời của nhà văn hay nhân vật.