Để làm tốt môn Ngữ văn từ đề thi tham khảo

GD&TĐ - Các giáo viên dạy Văn nhiều kinh nghiệm có những nhận định tích cực về đề thi tham khảo môn Ngữ văn, kỳ thi THPT quốc gia 2018. Nhiều lời khuyên hữu ích từ các thầy cô cũng được chia sẻ từ việc phân tích đề thi này.

Để làm tốt môn Ngữ văn từ đề thi tham khảo

Phân hóa tốt, đặc biệt ở câu nghị luận

Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết, đề thi tham khảo Ngữ văn năm 2018 tiếp tục được biên soạn theo cấu trúc năm 2016 và 2017, thể hiện sự hợp lý, hài hòa giữa các nội dung kiến thức.

Về nội dung kiến thức, đề gồm hai phần. Phần I (Đọc - hiểu), sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, có nội dung phù hợp với nhận thức của học sinh, có tính giáo dục cao.

Phần II (Làm văn), gồm hai câu hỏi: Câu nghị luận xã hội đảm bảo nội dung phù hợp với trình độ nhận thức xã hội của học sinh. Câu nghị luận văn học có yêu cầu học sinh huy động phối hợp kiến thức chường trình 11 và 12, trọng tâm là chương trình 12.

Đề thi đảm bảo phân hóa tốt các đối tượng học sinh, đặc biệt ở câu nghị luận văn học. Để làm tốt câu hỏi này, học sinh phải nắm vững kiến thức về nhân vật văn học, về giai đoạn và xu hướng văn học, biết liên hệ so sánh, khái quát và lí giải vấn đề.

Cùng nhận định, cô Hà Thị Thu Trang và đồng nghiệp (Trường THPT Tam Nông, Phú Thọ) cho biết, cấu trúc đề thi cơ bản không có gì thay đổi so với năm trước; chặt chẽ, hợp lý, phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo ở học sinh và khắc phục được lối học vẹt, học tủ. Đề kiểm tra toàn diện về kiến thức và kĩ năng (kiến thức văn học và cuộc sống, kiến thức lớp 11 và 12; kĩ năng đọc hiểu và kĩ năng nghị luận).

Đặc biệt, đề thi minh họa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội gắn liền với thực tiễn cuộc sống; phần nghị luận văn học bám sát chương trình sách giáo khoa. Có sự mở rộng chương trình xuống lớp 11.

“Về độ phân hóa, phần đọc hiểu và nghị luận xã hội vừa sức với học sinh. Phần nghị luận văn học hỏi về mảng văn xuôi, có sự tích hợp kiến thức lớp 11 và 12, bên cạnh đó yêu cầu phải nhận xét được quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người. Như vậy kiến thức rất rộng và đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng phân tích, đánh giá khái quát. Đây là câu hỏi khó và có thể phân hóa được các đối tượng học sinh” - cô Hà Thị Thu Trang cho hay.

Cách học, ôn phù hợp

Theo cô Nguyễn Thị Hồng Nhung (Trường THPT Hạ Hòa), phần đọc hiểu, học sinh cần nắm vững kiến thức về văn bản; phân biệt các phong cách ngôn ngữ, các phương thức biểu đạt; đồng thời rèn thói quen đọc sách, đọc báo và tư duy phản biện trong quá trình đọc.

Phần làm văn, học sinh cần đọc tác phẩm văn học và tự xây dựng những sơ đồ tư duy về bài học theo đặc trưng thể loại. Nắm vững và biết sử dụng một số thuật ngữ lí luận văn học trong bài văn. Liên hệ, so sánh giữa các tác phẩm (theo những cấp độ và tiêu chí phù hợp) khi ôn tập.

“Khi làm bài, các em nên diễn đạt rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc những kiến giải của cá nhân về vấn đề đời sống xã hội, vấn đề tư tưởng đặt ra trong ngữ liệu.

Cùng với đó, nắm vững cách làm các dạng bài văn nghị luận, cách sử dụng các thao tác lập luận, cách dựng đoạn văn và cách chuyển đoạn, liên kết đoạn trong bài văn nghị luận” – cô Nguyễn Thị Hồng Nhung lưu ý.

Đại diện nhóm chuyên môn của Trường THPT Tam Nông, cô Hà Thị Thu Trang chia sẻ cách ôn tập tốt cho học sinh với dạng đề thi này. Cụ thể, học sinh phải ôn luyện, nắm chắc các kiến thức phần Làm văn và Tiếng Việt để làm tốt phần đọc hiểu.

Đọc sách báo, chú ý các tin tức thời sự để củng cố và mở rộng thêm kiến thức thực tế làm bài nghị luận xã hội. Nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình Ngữ văn 11,12. Trong quá trình ôn thi, tránh học tủ mà cần có sự đầu tư đồng bộ các kiến thức các tác phẩm lớp 11 và 12 đồng thời rèn kĩ năng liên hệ, so sánh thật nhuần nhuyễn.

Khi làm bài, việc nắm vững các kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản, có tư duy tổng hợp vô cùng quan trọng để bài viết chính xác và phong phú. Học sinh cũng phải biết phân bố thời gian hợp lí khi làm bài thi, bởi thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số bài thi. Khi làm bài cần đọc kĩ đề, chú ý đến thao tác so sánh giữa các giai đoạn, tác giả, nhân vật… Đặc biệt, cần tạo một tâm thế tốt nhất khi làm bài thi.

Đại diện tổ Ngữ văn Trường THPT Thanh Thủy, Phú Thọ, cô Vũ Thị Hải Yến nhận xét: đề tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018 có cấu trúc đã quen thuộc với học sinh; nội dung kiến thức có cả ở lớp 11 và 12. Phần đọc hiểu có nhiều câu hỏi ở mức độ khó; câu đoạn văn mức khó phù hợp. Câu nghị luận văn học khó hơn đề thi THPT quốc gia những năm trước khá nhiều.

“Với dạng đề này, để tổ chức ôn tập hiệu quả, các thầy cô trong nhóm cần phân tích cấu trúc và cách làm bài thi qua đề thi minh họa; cung cấp kiến thức cơ bản và kĩ năng làm bài thi cho học sinh; cùng với đó, ra đề theo cấu trúc và luyện tập cho học sinh. Học sinh được tập dượt qua các đợt khảo sát để rút kinh nghiệm khi làm bài thi” – cô Vũ Thị Hải Yến chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ