Lời khuyên giúp ứng phó với trẻ hay khóc vì quá nhạy cảm

GD&TĐ - Những đứa trẻ dễ khóc ngay cả vì những điều nhỏ nhặt thường có nhiều khả năng được gọi là rất nhạy cảm.

Một số trẻ có xu hướng trở nên nhạy cảm trước mọi vấn đề. Ảnh minh họa: INT
Một số trẻ có xu hướng trở nên nhạy cảm trước mọi vấn đề. Ảnh minh họa: INT

Mọi đứa trẻ đều phải đấu tranh để kiểm soát cảm xúc của mình. Tuy nhiên, nếu trẻ dường như khóc vì mọi thứ, dù là vấn đề lớn hay nhỏ, cha mẹ có thể tự hỏi liệu có điều gì khác đang diễn ra không.

Nhạy cảm cao?

Những đứa trẻ dễ khóc ngay cả vì những điều nhỏ nhặt thường có nhiều khả năng được gọi là rất nhạy cảm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhạy cảm không phải là điều xấu.

“Những đứa trẻ rất nhạy cảm có xu hướng nhân hậu, nhẹ nhàng và sáng tạo hơn”, tiến sĩ Linda Dunlap - Giáo sư tâm lý học tại Cao đẳng Marist, New York (Mỹ) lưu ý. Mặc dù vậy, những đứa trẻ rất nhạy cảm có thể cần thêm một chút hướng dẫn để giúp kiểm soát cảm xúc của mình. Các chuyên gia đã chia sẻ những điều cha mẹ cần biết về cách đối phó với việc một đứa trẻ khóc vì mọi thứ.

Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, nếu chúng có vẻ dễ khóc vì mọi thứ trong nhiều tình huống khác nhau, thì có thể là các bé không “khó tính”. Thực tế, điều đó cho thấy, trẻ là người rất nhạy cảm.

Người có độ nhạy cảm cao sở hữu một đặc điểm tính cách được gọi là đặc điểm nhạy cảm về xử lý cảm giác (SPS). Cả hai thuật ngữ này đều do nhà tâm lý học Elaine Aron đặt ra vào những năm 1990. Người ta ước tính rằng, có tới 20% dân số là người có độ nhạy cảm cao. Đặc điểm này được xác định bởi xu hướng xử lý các kích thích bên ngoài và bên trong sâu sắc hơn so với dân số nói chung.

Nếu trẻ có vẻ khóc nhiều hơn bình thường, ngay cả khi đứng trước những vấn đề nhỏ nhặt, thì có thể là bé dễ dàng trở nên cực kỳ nhạy cảm.

Một nghiên cứu năm 2015 được thực hiện trên não trẻ sơ sinh đã phát hiện, sự khác biệt về tính khí ở trẻ sơ sinh dựa trên hoạt động của não có thể được xác định ngay cả khi bé mới 7 tháng tuổi. Nói cách khác, một số trẻ có thể sở hữu bộ não nhạy cảm cao ngay từ khi sinh ra.

Dấu hiệu nhận biết

Mặc dù không phải là công cụ chẩn đoán y khoa chính thức, nhưng Tiến sĩ Elaine Aron đã đưa ra một số yếu tố cho thấy trẻ có thể rất nhạy cảm. Trong đó, các đặc điểm chính bao gồm: Trẻ dễ giật mình; Không thích bất ngờ; Phàn nàn về quần áo thô ráp hoặc nhãn mác cọ xát vào da; Nhạy cảm với mùi lạ.

Ngoài ra, những trẻ rất nhạy cảm cũng có xu hướng đặt ra nhiều câu hỏi. Trẻ không thích những thay đổi lớn, có thể hoạt động tốt nhất khi không có người lạ. Trẻ nhạy cảm cao có thể cảm nhận cảm xúc sâu sắc hơn một chút. Đây là một khả năng có thể khiến cha mẹ khó chịu, nhưng cũng là điều đáng trân trọng.

Giáo sư Linda Dunlap cho biết: “Trẻ nhạy cảm có thể bị choáng ngợp bởi cảm xúc của chính mình. Tuy nhiên, những trẻ này cũng rất nhạy cảm với cảm xúc của người khác. Điều đó khiến chúng trở thành những người bạn rất dễ đồng cảm”.

Điều quan trọng cần lưu ý là ngay cả những đứa trẻ không hay khóc cũng có thể trải qua giai đoạn cảm xúc. Điều này không nhất thiết có nghĩa là chúng rất nhạy cảm.

Bà Elizabeth Pantley, tác giả của bộ sách nuôi dạy con cái “No-Cry” giải thích: “Nếu có sự thay đổi gần đây, chẳng hạn như chuyển nhà hoặc gia đình chào đón em bé mới, trẻ có thể trở nên nhạy cảm hơn”.

Các chuyên gia cũng nêu một số yếu tố khác mà cha mẹ cần đánh giá khi trẻ bắt đầu khóc nhiều hơn bình thường: Những gián đoạn lớn trong thói quen hằng ngày; Thiếu ngủ; Dinh dưỡng không đầy đủ. Cha mẹ cũng có thể cân nhắc đến khả năng trẻ bị bệnh, nhiễm trùng hoặc căng thẳng.

Nếu không chắc chắn điều gì đang xảy ra, cha mẹ hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ nhi khoa. Bởi, bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào nếu không được phát hiện đều có thể dẫn đến cảm giác thất vọng ở trẻ và khiến bé khóc nhiều hơn.

Các chuyên gia lưu ý, phụ huynh cần nhớ rằng, sự nhạy cảm cao có thể dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng sức khỏe tâm thần và đặc điểm tính cách. Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt chính và việc nhận ra những điều này có thể giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về con mình.

Ví dụ, cả người nhạy cảm và người hướng nội đều có thể bị choáng ngợp bởi các kích thích bên ngoài. Tuy nhiên, người hướng nội chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các tình huống xã hội. Họ thường không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, độ sáng, quần áo gây kích ứng và các tác nhân kích thích giác quan khác như nhiều người nhạy cảm.

Ngoài ra, những người cực kỳ nhạy cảm cũng có thể bị chẩn đoán nhầm là mắc chứng tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc rối loạn xử lý cảm giác (SPD). Người cực kỳ nhạy cảm có thể sở hữu những đặc điểm này. Tuy nhiên, vô cùng nhạy cảm không phải là một tình trạng, rối loạn hoặc chẩn đoán.

khi-tre-khoc-vi-nhay-cam-1.jpg
Phụ huynh có thể thực hiện một số cách để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc. Ảnh minh họa: INT.

Cách hỗ trợ trẻ

Nếu trẻ bắt đầu khóc nhiều, điều quan trọng là cha mẹ phải loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác và đưa con đi khám bác sĩ nhi khoa.

Nếu xác định rằng, trẻ khóc vì bản tính nhạy cảm cao, thì có một số chiến lược sẽ giúp ích. Trước hết, việc nhận ra các dấu hiệu cho thấy trẻ nhạy cảm cao sẽ cho phép cha mẹ dạy con chiến lược và kỹ thuật đối phó. Từ đó, giúp cuộc sống của trẻ và cha mẹ dễ dàng hơn.

Cha mẹ cần tránh sử dụng các cụm từ như “quá nhạy cảm”, “nhút nhát” hoặc “im lặng”. Thay vào đó, cần tập trung vào những phẩm chất tích cực khi trẻ nhạy cảm.

Ví dụ, phụ huynh có thể khen ngợi trẻ vì bé quan sát tốt. Hoặc, cảm ơn trẻ vì đã nhận ra khi bạn bè xung quanh có một ngày tồi tệ. Phụ huynh cũng có thể yêu cầu con chỉ ra điều trẻ thích ở bản thân. Việc định hình lại điểm mạnh của trẻ thay vì tập trung vào những mặt tiêu cực của tính nhạy cảm cao có thể giúp ích cho cả cha mẹ và con.

Giúp trẻ kiểm soát cảm xúc

Nếu đang ở một bữa tiệc sinh nhật, nơi tất cả mọi người vui vẻ ăn bánh, nhưng trẻ khóc vì nhận được bánh màu xanh thay vì hồng, thì phản ứng đầu tiên của cha mẹ có thể là nhanh chóng đổi bánh cho con. Tuy nhiên, tốt nhất là nên áp dụng một cách tiếp cận khác. Nếu cha mẹ can thiệp ngay lập tức, trẻ có thể mất tự tin vào khả năng tự giải quyết vấn đề của mình.

em Tiến sĩ Dunlap cho biết, cha mẹ cũng không nên yêu cầu con ngừng khóc. Bởi, điều đó có thể chỉ khiến trẻ khóc nhiều hơn.

Thay vào đó, bà Michele Borba, Tiến sĩ Giáo dục, tác giả của “The Big Book of Parenting Solutions” cho biết, cách để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc của mình là nói với con một cách vui vẻ: “Đứng im!”. Điều đó giúp trẻ lấy lại bình tĩnh. Sau đó, cha mẹ hãy gợi ý trẻ hít một hơi thật sâu và thổi ra bằng miệng.

Đánh lạc hướng

Việc đánh lạc hướng trẻ bằng cách hướng chúng đến một hoạt động khác cũng là công cụ hữu hiệu.

“Khi con gái tôi còn học mẫu giáo, tôi cảm thấy như con bé khóc suốt. Một trong những giáo viên của con bé gợi ý rằng, khi cảm thấy nước mắt sắp trào ra, con nên đếm to đến 10. Thật đơn giản, nhưng hiệu quả. Khi đếm đến 8 hoặc 9, con bé sẽ luôn bắt đầu mỉm cười”, phụ huynh Melissa Morgenlander ở New York (Mỹ) chia sẻ.

Tiến sĩ Dunlap cũng cho rằng, phương pháp đếm là tiêu chuẩn vàng. “Ở độ tuổi 3 hoặc 4, việc đếm vẫn đòi hỏi sự tập trung và chú ý. Vì vậy, bất cứ điều gì khiến trẻ buồn bã có thể trở thành chuyện cũ khi bé đếm đến 10”, chuyên gia cho biết.

khi-tre-khoc-vi-nhay-cam-3.jpg
Cha mẹ cần tập trung vào điều tích cực của tính nhạy cảm ở trẻ. Ảnh minh họa: INT.

Phản ứng của phụ huynh

Việc cha mẹ kiểm tra cảm xúc của chính mình cũng có thể hữu ích khi đối phó với một đứa trẻ cực kỳ nhạy cảm. Trẻ em đặc biệt giỏi trong việc đọc cảm xúc của cha mẹ. Nếu cha mẹ căng thẳng, điều đó cho trẻ biết rằng, bất cứ yếu tố gì khiến con buồn cũng thực sự là điều đáng lo ngại.

Tiếp theo, hãy thuyết phục con nói cho phụ huynh biết chính xác điều gì khiến bé không vui. Như vậy, cha mẹ có thể giúp con tìm ra cách khắc phục. Nếu trẻ nói: “Con buồn vì Joey không muốn chơi với con”, phụ huynh hãy hỏi trẻ: “Con có thể làm gì để bản thân cảm thấy tốt hơn?”. Nếu trẻ không có ý tưởng, hãy gợi ý con về những điều khiến bé cảm thấy vui, chẳng hạn như mời một bạn khác đến chơi hoặc xem một cuốn sách yêu thích. Chỉ cần luyện tập một chút, trẻ sẽ sớm đưa ra giải pháp của riêng mình mà không cần cha mẹ nhắc.

Cho trẻ thời gian

Mặc dù cha mẹ không thể thay đổi tính cách nhạy cảm của con mình, nhưng cuối cùng, trẻ sẽ trưởng thành hơn để kiểm soát cảm xúc cá nhân và trở nên kiên cường hơn. Việc dành thời gian cho bạn bè cũng là cách làm có thể hữu ích.

Tiến sĩ Dunlap lưu ý rằng, đến 6 hoặc 7 tuổi, trẻ rất nhạy cảm có thể sẽ ít khóc hơn, đặc biệt là khi bé thấy các bạn khác thích chơi với mình khi không khóc.

Điều quan trọng nữa là cha mẹ phải nhớ rằng, trẻ em không thể “vượt qua” được tính nhạy cảm cao. Vì vậy, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ hiểu được bản chất và cảm xúc của mình.

Việc xác định bản chất nhạy cảm cao của trẻ hoặc chia sẻ các chiến lược hiệu quả có thể giúp cả cha mẹ và con cùng nhau điều hướng cuộc sống.

Theo Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ