Lời khuyên của chuyên gia giúp trẻ mắc Covid-19 giảm nguy cơ tăng nặng

GD&TĐ - Theo các chuyên gia y tế, số trẻ mắc Covid-19 nặng chưa quá nhiều nhưng biểu hiện bệnh lại khá đa dạng, khó xác định và không giống ở người lớn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, tính từ đầu dịch Covid-19 đến ngày 10/2, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2,4 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2. 1,6% trong số này đã tử vong (tương đương khoảng 38.700 ca). 

Trong báo cáo hồi giữa tháng 1/2021 của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong ở nhóm tuổi dưới 17 là 0,34% trong tổng số ca tử vong (tương đương khoảng 130 trẻ), trong đó tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ từ 0 - 2 tuổi là 0,19%, từ 3 - 12 tuổi là 0,06%, còn từ 13 - 17 tuổi là 0,09%.  

Thông tin trên báo chí, BS CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP, cho biết bệnh viện cũng đã thành lập Khoa Covid-19 với quy mô 100 giường. Hiện tại, bệnh viện chỉ còn 10 ca bệnh nặng, chủ yếu có bệnh nền. Trong thời gian cao điểm, bệnh viện từng tiếp nhận hơn 460 ca mắc Covid-19, do đó nếu ca bệnh tăng, bệnh viện đã có các phương án dự phòng.

Bộ Y tế đã có Quyết định 5155/QĐ-BYT ngày 09/11/2021 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em.
Theo Hướng dẫn này, phần lớn trẻ em mắc Covid-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). 
Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.
Hội chứng viêm hệ thống đa cơ quan ở trẻ mắc Covid-19 hiếm gặp, xảy ra chủ yếu ở 2-6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2, nhưng thường diễn tiến nặng và có thể gây tử vong…

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Phó Khoa hồi sức tích cực chống độc bệnh viện Nhi đồng 1 kiêm Trưởng khoa Covid-19 cho biết, hiện Khoa Covid-19 của bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ còn 26 ca bệnh. Với quy mô 150 giường bệnh, bệnh viện hiện đáp ứng nhu cầu điều trị Covid-19 tăng trong thời gian tới.

Theo nhận định của BS Nguyên, nếu đi học lại, số ca bệnh có thể lây theo từng nhóm nhưng số trẻ nặng không nhiều vì Thành phố Hồ Chí Minh đang là vùng xanh, tỉ lệ chích ngừa cao, hầu hết trẻ trong độ tuổi chích ngừa từ 12 tuổi trở lên không nhập viện, trẻ đi học hầu hết là bình thường và không có bệnh nền nặng.

Theo BS Nguyên, khi trẻ đến độ tuổi được cho phép chích ngừa, các phụ huynh nên cho trẻ chích ngừa, đặc biệt các trẻ có bệnh nền và béo phì càng khuyến khích chích ngừa.

Để hạn chế số ca nhiễm, các trẻ cần được tập huấn tuân thủ 5K và được sàng lọc các triệu chứng để phát hiện bệnh. Trường học cần chuẩn bị môi trường vệ sinh sạch sẽ, thông khí… Các trẻ phải được hướng dẫn thực hành mang khẩu trang, rửa tay đúng cách, giữ khoảng cách với nhau khoảng 1 m, như vậy khả năng lây bệnh sẽ không đột biến.

Nhiệm vụ quan trọng hạn chế khả năng tăng nặng ở trẻ mắc Covid-19

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, có hai nhiệm vụ quan trọng hạn chế khả năng tăng nặng bệnh ở trẻ.

Đầu tiên là đảm bảo trẻ diễn biến nhẹ phải được chăm sóc đầy đủ ở tầng thấp, phát hiện sớm diễn biến nặng, lực lượng y tế cơ sở phải đảm nhiệm được. Điều này sẽ giúp giải quyết tình huống gia đình khi có trẻ thành F0 rất dễ lo lắng, lúng túng và có nhu cầu đi bệnh viện trong khi điều đó không cần thiết với trẻ mắc nhẹ.

Tiếp đến là việc nâng cao năng lực điều trị ca bệnh nặng rất cần thiết vì thực tế số bệnh nhi diễn biến nặng ít nhưng số cơ sở hồi sức nhi nhỏ tuổi cũng rất ít. Yêu cầu phải tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực điều trị nhi khoa, chuyển giao kỹ thuật.

Theo bác sĩ, hiện hồi sức nhi khoa còn hạn chế, chỉ rất ít nơi có thể làm kỹ thuật cao (như vận hành hệ thống ECMO – trao đổi oxy ngoài màng cơ thể) với bệnh nhân tuổi nhỏ (dưới 1 tuổi). Khi xảy ra tình huống tăng ca nặng nhưng bác sĩ chưa được nâng cao năng lực thì sẽ lúng túng.

Vị chuyên gia này cũng đề cập thực tế đã xảy ra ở một số quốc gia dù không bùng phát đột biến số ca nhiễm Covid-19 ở trẻ em nhưng xuất hiện tình huống trong gia đình có nhiều người mắc và diễn biến nặng khiến người lớn không chăm sóc được trẻ nhỏ, dẫn tới tình trạng trẻ em thiếu chăm sóc (ăn uống, phát hiện sớm diễn biến nặng) đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ chưa biết diễn đạt triệu chứng bệnh…

Các chuyên gia y khoa lưu ý, ngoài béo phì, nguy cơ chuyển nặng sẽ gia tăng với trẻ em mắc bệnh lý nền (tim mạch, đái tháo đường, ung thư…). Lãnh đạo Bộ Y tế đặt ra vấn đề tăng cường bảo vệ Bệnh viện Nhi, khoa Nhi (đặc biệt là nhóm sơ sinh) dù điều này không mới bởi khi Covid-19 tấn công mạnh vào đây sẽ không khác nhóm bệnh nhân thận nhân tạo, ung thư hay hồi sức cấp cứu…

Hiện có rất ít cơ sở chăm sóc tốt cho nhóm sơ sinh đăc biệt là trẻ sơ sinh nặng. Điều này sẽ dồn áp lực lên các cơ sở chính như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch Mai hay khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới....

Để chuẩn bị tình huống số ca mắc Covid-19 ở trẻ em tăng khi trở lại học trực tiếp, các BV chuyên điều trị Covid-19 trẻ em đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ