Lợi ích khi cho trẻ chơi trò mạo hiểm phù hợp

GD&TĐ - Không ít phụ huynh nghĩ rằng, sợ hãi là một trải nghiệm tiêu cực mà trẻ cần tránh nếu có thể. Tuy nhiên, thực tế, trò chơi mạo hiểm phù hợp có thể mang lại sự phấn khích và hồi hộp ở trẻ.

Khi chơi trò mạo hiểm, trẻ sẽ dừng lại khi chưa sẵn sàng.
Khi chơi trò mạo hiểm, trẻ sẽ dừng lại khi chưa sẵn sàng.

Lợi ích lớn hơn rủi ro

Bà Ellen Sandseter - Giáo sư tại Trường Đại học Queen Maud ở Trondheim (Na Uy) - đã xác định sáu loại trò chơi mạo hiểm thường thu hút trẻ em. Trước hết, trò chơi mạo hiểm thú vị với trẻ là thử thách ở độ cao. Trẻ em có thể trèo cây và các công trình kiến trúc khác. Hoạt động này giúp trẻ có được cái nhìn mới về thế giới và cảm giác hồi hộp. Bên cạnh đó, trò chơi tốc độ cũng mang lại nhiều điều thú vị. Trẻ có thể đu trên dây, hoặc xích đu; trượt tuyết, ván trượt, giày trượt, đi xe đạp, ván trượt, cũng như các thiết bị khác. Nhờ đó, có cảm giác hồi hộp, nhưng không mất kiểm soát.

Phụ huynh cũng có thể để trẻ làm quen với các công cụ nguy hiểm. Tùy vào nền văn hóa, trẻ em có thể chơi với cung tên, máy móc nông trại (nơi kết hợp làm việc và vui chơi), hoặc các công cụ khác. Chắc chắn, trẻ sẽ có sự hài lòng lớn khi được tin tưởng giao cho những công cụ như vậy. Tuy nhiên, trẻ sẽ hồi hộp khi điều khiển những công cụ này. Ngoài ra, trốn tìm cũng là một trong những trò chơi mang lại cho trẻ cảm giác hồi hộp.

Câu hỏi rõ ràng về trò chơi mạo hiểm là: Tại sao nó tồn tại? Nó có thể gây ra thương tích (hiếm) và thậm chí (rất hiếm) tử vong. Vậy, tại sao các trò chơi mạo hiểm không bị loại bỏ? Thực tế, nhiều bằng chứng cho thấy, lợi ích của trò chơi mạo hiểm lớn hơn rủi ro.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu trên chuột con. Họ tước quyền vui chơi của chuột con trong giai đoạn phát triển quan trọng. Tuy nhiên, họ không tước đi các trải nghiệm xã hội khác của chúng. Những con chuột được nuôi dưỡng theo cách này bị tê liệt về mặt cảm xúc khi lớn lên. Khi bị đưa vào một môi trường mới lạ, chúng sợ hãi quá mức và không thể thích nghi, cũng như khám phá. Khi được đưa vào sống chung với đồng loại, chúng có thể “đóng băng” vì sợ hãi và có hành vi tấn công không phù hợp. Trong các thí nghiệm trước đó, những phát hiện cũng cho kết quả tương tự ở khỉ con.

Theo các nhà khoa học, lý thuyết cho thấy, một trong những chức năng chính của trò chơi là dạy cho động vật có vú cách điều chỉnh nỗi sợ hãi cũng như tức giận. Trong trò chơi mạo hiểm, thanh, thiếu niên có thể kiểm soát và tập cư xử thích hợp khi trải qua nỗi sợ. Họ học được cách quản lý và vượt qua nỗi sợ. Khi chơi thô bạo, trẻ cũng có thể cảm thấy tức giận. Bởi, một số người chơi có thể vô tình làm tổn thương người khác. Song, để tiếp tục chơi, trẻ phải vượt qua sự tức giận đó.

Do đó, theo lý thuyết điều chỉnh cảm xúc, chơi đùa là cách mà các loài động vật có vú học kiểm soát nỗi sợ hãi và tức giận. Từ đó, tạo tiền đề giúp chúng đương đầu với những nguy hiểm trong đời thực và tương tác cùng những người khác. Đồng thời, không bị khuất phục trước những cảm xúc tiêu cực.

Trò chơi mạo hiểm giúp trẻ học cách vượt qua nỗi sợ.

Trò chơi mạo hiểm giúp trẻ học cách vượt qua nỗi sợ.


Tước quyền chấp nhận rủi ro

Trên cơ sở nghiên cứu như vậy, trong một bài báo năm 2011 trên tạp chí Tâm lý học Tiến hóa, bà Sandseter đã viết: “Chúng ta có thể chứng kiến sự gia tăng chứng loạn thần kinh hoặc bệnh tâm thần trong xã hội, nếu trẻ bị cản trở tham gia vào các trò chơi mạo hiểm phù hợp với lứa tuổi”.

Theo chuyên gia này, có sự suy giảm mạnh mẽ về quyền tự do vui chơi của trẻ em và đặc biệt là quyền tự do chấp nhận rủi ro của chúng. Song song đó, sự gia tăng tình trạng rối loạn tâm thần ở trẻ em ngày càng tăng. Những phân tích cho thấy, số người trẻ ngày nay mắc phải mức độ lo lắng và trầm cảm đáng kể về mặt lâm sàng nhiều hơn 5 đến 8 lần so với những năm 1950.

“Cũng giống như sự suy giảm quyền tự do chấp nhận rủi ro của trẻ em diễn ra liên tục và dần dần, thì sự gia tăng vấn đề về tâm thần ở trẻ em cũng vậy”, nhà nghiên cứu Sandseter nhận định.

Theo chuyên gia này, nhiều phụ huynh tước quyền vui chơi tự do, mạo hiểm của trẻ em. Bề ngoài là để bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình này, phụ huynh khiến trẻ suy sụp tinh thần. Trẻ em được thiên nhiên thiết kế để dạy cho bản thân khả năng phục hồi cảm xúc, bằng cách chơi mạo hiểm. Về lâu dài, phụ huynh gây nguy hiểm cho trẻ nhiều hơn bằng cách ngăn cản các con tham gia trò chơi. Hành động đó cũng đồng nghĩa rằng, cha mẹ đã tước đi niềm vui của trẻ.

“Trẻ em có động cơ để chơi theo những cách mạo hiểm. Trẻ cũng rất giỏi trong việc hiểu rõ năng lực của bản thân và tránh những rủi ro mà chúng chưa sẵn sàng chấp nhận, kể cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi người lớn gây áp lực hoặc thậm chí khuyến khích trẻ em chấp nhận rủi ro mà chúng chưa sẵn sàng, kết quả có thể là chấn thương, chứ không phải cảm giác hồi hộp”, bà Sandseter cảnh báo.

Một sự thật trớ trêu là, trẻ em có nhiều khả năng tự gây thương tích hơn trong các môn thể thao do người lớn hướng dẫn, thay vì trò chơi tự do. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hơn 3,5 triệu trẻ em dưới 14 tuổi mỗi năm được điều trị y tế vì chấn thương trong thể thao. Cứ 7 trẻ thì có 1 em tham gia các môn thể thao dành cho thanh, thiếu niên. Trong khi đó, khi chơi tự do, trẻ em sẽ tự dừng lại khi bị đau, hoặc thay đổi cách chơi. Vì tất cả chỉ để giải trí, trẻ sẽ cẩn thận để không làm tổn thương người khác.

“Chúng ta ngăn cản trẻ chơi trò mạo hiểm vì tin rằng, nó nguy hiểm. Trong khi thực tế, nó không quá nguy hiểm và mang lại lợi ích lớn hơn rủi ro. Sau đó, chúng ta khuyến khích trẻ em tham gia một môn thể thao cạnh tranh - nơi có nguy cơ chấn thương thực sự lớn. Đã đến lúc kiểm tra lại các ưu tiên của chúng ta”, chuyên gia khuyến cáo.

Theo Psychology today

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ