Kéo co - Trò chơi kết nối cộng đồng

GD&TĐ - Có một trò chơi phổ biến trong dân gian, mang tính gắn kết cộng đồng, đó là trò chơi kéo co.

Kéo co - Trò chơi kết nối cộng đồng

Mỗi khi Tết đến xuân về, trò chơi kéo co thường được tổ chức ở nhiều nơi, với những hình thức khác nhau, mang lại niềm vui, sức khỏe…

Môn thể thao của cộng đồng

Sở dĩ nói vậy vì kéo co còn được coi là một môn thể thao góp phần rèn luyện sức khỏe. Đây cũng là môn thể thao mang tính đồng đội, tôn vinh sức mạnh tập thể, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia và thường được chơi trong các dịp lễ hội hoặc ngày Tết.

Năm 2015 Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ghi danh trò chơi kéo co vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là trò chơi kéo co phổ biến ở nhiều vùng miền trong cả nước, đặc biệt là Đồng bằng Bắc Bộ.

Quyết định này được UNESCO đưa ra ngày 2/12/2015 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek - Cộng hòa Namibia.

Theo đó, nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL), đây là hồ sơ di sản đa quốc gia đầu tiên mà Việt Nam tham gia đệ trình và được UNESCO ghi danh. Điều này thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của UNESCO đối với cách tiếp cận mới của các quốc gia về di sản có chung đặc trưng cũng như sự chung tay bảo vệ di sản của các quốc gia thành viên đệ trình hồ sơ đa quốc gia.

Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở nhiều nước Đông Á, với ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy.

Ở mỗi quốc gia thành viên, nghi lễ và trò chơi kéo co được tổ chức ở những cấp độ, phạm vi khác nhau. Tại Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung ở vùng trung du, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ với trung tâm là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội.

Bên cạnh đó, di sản còn được thực hành thường xuyên bởi các tộc người ở miền núi phía Bắc như người Tày, người Thái và người Giáy (Lào Cai) - vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.

Ở Campuchia, kéo co phổ biến trong các cộng đồng trồng lúa nằm xung quanh Hồ Lớn của Biển Hồ Tonle Sap và khu vực phía Bắc Angkor. Còn tại Philippines, kéo co được thực hành tại các địa phương Hapao Proper, Nungulunan và Baang (thuộc thị trấn Hungduan).

Những nơi này nổi bật với những ruộng bậc thang rộng ngút ngàn, được ngăn bằng các vỉa đá. Riêng ở Hàn Quốc, hầu hết các thị trấn ở các vùng nông nghiệp đều tổ chức nghi lễ và trò chơi kéo co (đặc biệt phổ biến ở các vùng đồng bằng rộng và bằng phẳng).

Người nước ngoài cũng thích thú với trò kéo co của Việt Nam.
Người nước ngoài cũng thích thú với trò kéo co của Việt Nam.

Biến tấu cùng nhiều sắc thái

Trò kéo co đều có điểm chung là thể hiện được sức mạnh cũng như tinh thần đoàn kết, gắn bó của tập thể, giúp tăng cường sức khỏe, mà lại không bạo lực, không quan trọng thắng thua mà đặt niềm vui lên hàng đầu…

Ở Hà Nội, trò kéo co xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng được nhiều người nhắc tới đó là trò “kéo co ngồi” của cộng đồng dân cư phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Theo các cụ cao tuổi trong vùng kể lại: Xưa kia, có năm làng Ngọc Trì hạn hán, 12 cái giếng thì cạn hết 11, chỉ còn giếng ở xóm Đìa là còn nước. Trai xóm Đường và xóm Chợ xuống giếng lấy nước về dùng.

Trai xóm Đìa sợ hết nước cho nên đã ngăn không cho lấy. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ mất nước nên ngồi xuống đất mà ôm lấy cả thùng nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa. Đầu tiên là mạn Đường tổ chức kéo co.

Trước khi kéo, thanh niên mạn Đường mang hương hoa, lễ vật lên đền Trấn Vũ lễ Thánh, và năm đó, mạn Đường thắng. Mạn Đường thắng thì cũng năm đó làng làm ăn rất tốt, phát đạt lắm, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh... Ngày xưa, quang gánh nước làm bằng dây cây song, cho nên tục lệ dùng cây song để làm dây kéo co.

Hội làng trước kia được tổ chức tại đình từ ngày 9 đến 14/2 âm lịch. Hội chính được tổ chức vào ngày 12/2, ngày Lễ Đản sinh Thánh Linh Lang - Thành hoàng làng. Trong chiến tranh và cả sau năm 1975, kéo co ngồi không được thực hành.

Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đình và nghè của làng bị sụp đổ, dân làng chuyển ngai và bài vị của Thánh Linh Lang và các vị Thành hoàng về thờ chung ở đền Trấn Vũ. Từ năm 1989, kéo co ngồi được phục hồi và thực hành trong Hội đền Trấn Vũ, diễn ra ngày 3/3 Âm lịch, gắn với ngày Đức thánh Trấn Vũ đản sinh.

Trước lễ hội, người dân làng Ngọc Trì đã chuẩn bị tuyển lựa người kéo co. Tiêu chuẩn đầu tiên để được lựa chọn là gia đình có năm đời sinh sống ở làng trở lên và có nền nếp, gia giáo chuẩn mực. Ngọc Trì có ba mạn: Mạn Đường, mạn Đìa, mạn Chợ. Mỗi mạn được cử một đội kéo co đại diện.

Trò chơi kéo co được nhiều người yêu thích.
Trò chơi kéo co được nhiều người yêu thích.

Đến ngày hội làng, các mạn dâng lễ vật lên Thánh tại đền Trấn Vũ rồi mới bước vào thi đấu. Khi kéo co chia làm 2 mạn: Mạn Chợ và mạn Đường. Trai kéo co mỗi mạn phải đủ 24 người và một Tổng cờ. Trai kéo co đóng khố điều, chít khăn điều. Tổng cờ mặc áo đỏ, đội khăn đỏ. Sau khi lễ Thánh xong, hai phe bắt đầu tiến hành kéo co.

Trước khi kéo, dây song được nêm chặt ở lỗ cột. Trai kéo co ngồi chân co chân duỗi. Trong đội hình từng phe, lần lượt ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của song. Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, song được kẹp chặt dưới nách của tay co. Sau khi có hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra, hai Tổng phất cờ hô “í a, kéo”.

Tổng cờ chạy lên chạy xuống, quệt lá cờ lệnh vào mặt, vào đầu các trai kéo của phe mình vừa để làm hiệu khi nào kéo, khi nào nghỉ, vừa để cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho đội kéo. Điểm độc đáo là mặc dù mỗi mạn có một đội kéo co, song dù là người dân ở mạn nào cũng đều mong đội mạn Đường thắng.

Vì họ quan niệm mạn Đường (cộng đồng cốt lõi về trồng trọt) mà thắng nghĩa là năm đó dân làng làm ăn rất tốt, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh... Riêng mạn Đìa không được phép thắng bởi người ta cho rằng đó là điềm không may.

Kéo co ngồi được coi là trò diễn nghi lễ trong hội làng, mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, nước nôi đầy đủ cho người dân sản xuất nông nghiệp.

Như đã nói ở trên trò chơi kéo co khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Không chỉ có dân tộc Kinh, mà ở nhiều dân tộc ít người khác như dân tộc Thái, Tày, Nùng, Giáy, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên… cũng có tục trò kéo co dân gian với nhiều hình thức đa dạng.

Trẻ em vùng cao rất thích chơi kéo co.
Trẻ em vùng cao rất thích chơi kéo co.

Riêng ở miền núi phía Bắc trò chơi này trở thành nét sinh hoạt cộng đồng, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp người dân. Đáng chú ý, người Tày, người Thái và người Giáy (Lào Cai) là những cộng đồng thường tiến hành tổ chức trò chơi kéo co rất sôi động, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Còn nhớ, vào tháng 9/2014, kéo co của người Tày, người Giáy ở Lào Cai được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL).

Trò kéo co của đồng bào dân tộc Giáy và Tày ở Sa Pa với lịch sử lâu đời, thường được tổ chức tại các lễ hội cầu mùa đầu xuân. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trò chơi kéo co của người Giáy và người Tày có nhiều hình thức đa dạng như kéo co bằng gậy, dây thừng, dây chão hay kéo người trực tiếp…

Vì là trò chơi dân gian, nên tục kéo co ở mỗi cộng đồng lại có sự “cải biên” để phù hợp với không gian, thời điểm…

Tuy nhiên, trò kéo co đều có điểm chung là thể hiện được sức mạnh cũng như tinh thần đoàn kết, gắn bó của tập thể, giúp tăng cường sức khỏe, mà lại không bạo lực, không quan trọng thắng thua mà đặt niềm vui lên hàng đầu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ