Sự phát triển của công nghệ đang khiến những chiếc điện thoại di động trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với người dùng. Thậm chí, một số thống kê còn cho biết trên thế giới có nhiều người được dùng điện thoại di động hơn số người được sử dụng toilet. Tuy nhiên, đằng sau thiết bị nhỏ bé nhưng đầy mạnh mẽ này có thể có rất nhiều điều bạn còn chưa biết.
Apollo 11 là chuyến bay không gian đầu tiên đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng cùng hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết, chiếc máy tính giúp Apollo 11 vượt qua 360.000 km lại được dẫn dắt bởi một chiếc máy tính còn có sức mạnh kém hơn cả chiếc smartphone mà bạn đang sử dụng.
Thậm chí, trang ComputerWeekly còn cho biết hệ thống máy tính được sử dụng lúc bấy giờ có sức mạnh tính toán thua cả máy tính bỏ túi.
Có tên gọi Apollo Guidance Computer (AGC), hệ thống máy tính chịu trách nhiệm cho Apollo 11 được thiết kế bởi MIT và phát triển bởi Raytheon. Nó có bộ nhớ 64Kbyte và tốc độ xung nhịp 0,043Mhz.
Chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới (trong trường hợp bạn chưa biết, đó là chiếc Motorola DynaTAC 8000X) được bán vào ngày 13 tháng 3 năm 1984 cùng mức giá 3.995 USD.
Cho đến nay, danh tính người mua chiếc điện thoại này vẫn còn là một ẩn số bởi lúc đó việc mua bán chiếc DynaTAC 8000X không thu hút được nhiều sự quan tâm và không được ghi nhận như một sự kiện quan trọng.
Nếu tính toán thêm các yếu tố lạm phát, giá chiếc Motorola DynaTAC 8000X theo giá trị hiện nay có thể lên tới trên dưới 10.000 USD.
Lần tới khi bạn cầm chiếc smartphone của mình, có thể bạn sẽ nghĩ khác về nó khi nhiều nghiên cứu khẳng định số lượng vi khuẩn đang cư trú trên "vật bất ly thân" đối với nhiều người còn cao hơn lượng vi khuẩn trên bồn cầu tới 10 lần.
Giới chuyên môn nhận định một phần lí do cho điều này đến từ việc điện thoại thường được đưa qua lại giữa nhiều người với nhau khiến vi khuẩn lan truyền, trong khi đó lại không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách.
Một thống kê vui từng được thực hiện vào năm 2014 cho biết 90% đến 95% điện thoại di động tại Nhật Bản có khả năng chống nước. Theo đó, người dùng đất nước mặt trời mọc (đặc biệt là phái đẹp) thường có thói quen sử dụng điện thoại… ngay cả khi đang tắm. Một số báo cáo còn khẳng định rằng một phần ba số vụ điện thoại hỏng tại Nhật Bản có liên quan đến nước.
Một công ty bảo hiểm tại Anh từng thực hiện thống kê và đưa ra những con số "giật mình" về lý do chiếc điện thoại di động của bạn "ra đi".
Theo đó, mỗi năm ở quốc gia này có khoảng 100.000 chiếc điện thoại bị rơi xuống bồn cầu và 23.000 máy bị rơi ở bồn tắm. Cùng lúc, chỉ có 11% vụ việc đòi bảo hiểm liên quan đến điện thoại là do bị mất trộm. Đơn vị thực hiện nghiên cứu này thậm chí còn dí dỏm cho rằng: "Điện thoại thì ngày càng thông minh còn người dùng… thì không!"
Hàm lượng chất xám chứa đựng trong mỗi chiếc điện thoại di động thực sự khổng lồ. Có thể bạn cũng sẽ cảm thấy khó tin khi biết mỗi chiếc điện thoại bé nhỏ là tổng hòa của 250.000 bằng sáng chế khác nhau.
Khả năng cao chiếc smartphone mà bạn đang cầm trên tay đến từ Trung Quốc bởi thông tin mà trang Economist đưa ra thì 70% số smartphone trên thế giới được sản xuất và lắp ráp tại quốc gia tỷ dân này. Điều hòa và giày cũng là những nhóm ngành Trung Quốc có tỉ trọng sản xuất lớn, ước tính đạt 80% và 60% lần lượt.