Loạt ngôi sao V-League tìm đường... xuống hạng

GD&TĐ - Bóng đá Việt Nam đang chứng kiến sự kiện hi hữu khi nhiều cầu thủ ngôi sao, tuyển thủ quốc gia bỏ V-League xuống chơi ở hạng Nhất.

Công Phượng tập luyện trong màu áo đội Bình Phước. Ảnh: INT.
Công Phượng tập luyện trong màu áo đội Bình Phước. Ảnh: INT.

Điều đó vừa là tin vui cho sân chơi vốn èo uột này, song nó cũng mang đến không ít âu lo.

Có tiền là có tất cả

Trong lịch sử hơn 20 năm của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ sân chơi hạng Nhất gây ấn tượng mạnh như mùa giải 2024 - 2025, cho dù trái bóng chưa lăn.

Một số đội bóng nhà giàu đã, đang dốc “tiền tấn” vào thị trường chuyển nhượng, biến giải đấu này thành sân khấu rực rỡ cùng sự xuất hiện của nhiều ngôi sao hạng A. Thậm chí, ngay cả những cầu thủ đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp cũng tìm đường… xuống hạng.

Hạng Nhất 2024 - 2025 có sự tham dự của 11 câu lạc bộ chuyên nghiệp: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hòa Bình, Huế, Long An, Khánh Hòa, Ninh Bình, PVF-CAND, Trẻ TPHCM và Bình Phước. Kết thúc mùa giải sẽ có 1,5 suất thăng hạng và 1 câu lạc bộ xuống hạng Nhì. Về phương thức thi đấu theo vòng tròn 2 lượt (sân nhà - sân đối phương) tính điểm xếp hạng.

Mỗi câu lạc bộ tham dự giải sẽ được đăng ký tối đa 2 cầu thủ người nước ngoài gốc Việt Nam (cầu thủ Việt kiều), tăng thêm 1 cầu thủ so với mùa giải 2023 - 2024.

Theo Ban tổ chức, “cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam” là cầu thủ có cha đẻ/mẹ đẻ/ông nội/bà nội/ông ngoại/bà ngoại là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam. Giải khởi tranh từ ngày 25/10.

Mới nhất, Nguyễn Hoàng Đức vẫn còn hợp đồng với Thể Công Viettel đến tháng 1/2025, nhưng tiền vệ sinh năm 1998 đã được giải phóng trước thời hạn để gia nhập câu lạc bộ Ninh Bình. Đội bóng cố đô chấp nhận bỏ ra một khoản tiền mua lại 3 tháng hợp đồng còn lại của tiền vệ quê Hải Dương.

Hoàng Đức là một trong những cầu thủ xuất sắc của lò đào tạo Thể Công Viettel. Được đôn lên đội một từ năm 2019, đến nay, tiền vệ 26 tuổi này đã ra sân 141 trận và ghi 19 bàn cho đội bóng áo lính, vô địch V-League 2020. Trong màu áo đội tuyển Việt Nam, anh thi đấu 41 trận và ghi 4 bàn thắng. Hoàng Đức 2 lần giành Quả bóng Vàng Việt Nam, năm 2021 và 2023.

Bóng đá Việt Nam từng có thủ môn Dương Hồng Sơn giành Quả bóng Vàng khi chơi cho đội hạng Nhất Hà Nội T&T (mùa giải 2008). Tuy nhiên, danh hiệu đó đến từ việc thủ thành quê Nghệ An tỏa sáng rực rỡ, góp công lớn vào chức vô địch AFF Cup đầu tiên trong lịch sử của đội tuyển Việt Nam.

Cũng tại giải đấu vô địch khu vực năm 2008, thủ môn Hồng Sơn còn đoạt danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất”. Còn với sự dịch chuyển của Hoàng Đức, hạng Nhất 2024 - 2025 xác lập kỷ lục, lần đầu tiên giải đấu này có sự hiện diện của một cầu thủ đương kim Quả bóng Vàng Việt Nam.

Để có được Nguyễn Hoàng Đức, đội bóng Ninh Bình được cho là phải trả chi phí “lót tay” với số tiền kỷ lục của bóng đá Việt Nam. Theo thông tin từ Tạp chí điện tử Bóng đá của LĐBĐ Việt Nam, con số này rơi vào khoảng 30 tỷ đồng.

Thông tin từ Hội Cổ động viên bóng đá Ninh Bình hé lộ, Hoàng Đức ký hợp đồng 3 năm với câu lạc bộ Ninh Bình, nhận tổng số tiền “lót tay” là 26,8 tỷ đồng. Theo chiều ngược lại, vì còn 3 tháng hợp đồng với Thể Công Viettel nên Hoàng Đức phải đền bù cho đội bóng quân đội khoảng 2 tỷ đồng. Số tiền này được đội bóng mới của tiền vệ người Hải Dương chi trả.

Có thêm Hoàng Đức, Câu lạc bộ Ninh Bình được đánh giá là ứng cử viên số 1 trong cuộc đua lên hạng. Trước đó, như đã đề cập, đội bóng cố đô Hoa Lư có trong tay nhiều cầu thủ chất lượng sau khi “đổi ruột” với đội Trẻ TPHCM.

Đơn cử như thủ môn tuyển thủ quốc gia Đặng Văn Lâm. Để có được thủ thành Việt kiều Nga với hợp đồng 4 năm, những ông chủ 2 đội bóng này bỏ ra số tiền “lót tay” vào khoảng 27 tỷ đồng, cùng với đó là lương, chế độ ở mức tương đương so với những ngôi sao hàng đầu V-League. Ngoài ra, Ninh Bình còn có những cầu thủ chất lượng khác như Đinh Thanh Bình, Nguyễn Hữu Tuấn, Đỗ Thanh Thịnh.

tim-duong-xuong-hang1-2898.jpg
Thủ môn Đặng Văn Lâm trong trang phục thi đấu của câu lạc bộ Ninh Bình. Ảnh: INT.

Mùa trước, câu lạc bộ Bình Phước không hoàn thành mục tiêu lên hạng. Vì thế, chuẩn bị cho mùa giải 2024 - 2025, đội bóng này tích cực “chạy đua vũ trang” qua việc chiêu mộ hàng loạt cựu tuyển thủ U23 hoặc đội tuyển Việt Nam như Lê Thanh Bình, Huỳnh Tấn Sinh, Sầm Ngọc Đức, Hồ Tuấn Tài, Hồ Sỹ Giáp...

Đặc biệt, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nhà tài trợ, Bình Phước đã giành được tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Đội bóng đang chơi ở giải hạng Nhất này đã chi số tiền rất lớn, được cho là không dưới 6 tỷ đồng/năm để có sự phục vụ của chân sút sinh năm 1995, hợp đồng có thời hạn 3 năm.

Ngoài 2 đội bóng nhà giàu mới nổi trên, PVF-CAND cũng là đối thủ đáng gờm trong cuộc đua lên hạng. Mùa trước, đội bóng này kết thúc ở vị trí thứ 2, qua đó giành vé đá play-off V-League với câu lạc bộ Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ở trận đấu với đội bóng Núi hồng, thầy trò huấn luyện viên Mauro Jeronimo để thua với tỷ số 2-3, qua đó vuột tấm vé thăng hạng.

Chuẩn bị cho mùa giải 2024 - 2025 cùng mục tiêu lên hạng, PVF-CAND đã mang về những cái tên rất chất lượng, nhiều năm thi đấu tại V-League, như hậu vệ Nguyễn Văn Dũng (từ Hà Nội FC), tiền vệ Nguyễn Huy Hùng (Thể Công Viettel), tiền vệ Việt kiều Ryan Hà (Hà Nội FC), tiền vệ Việt kiều Martin Lò - trung vệ Việt kiều Nguyễn Như Đức Anh (cùng từ Hải Phòng), tiền đạo Trần Ngọc Sơn (Nam Định), trung vệ Lê Ngọc Bảo (Bình Định).

Sau những giai đoạn trầm lắng, hạng Nhất mùa này hứa hẹn sẽ diễn ra hấp dẫn, kịch tính và khó lường. Mục tiêu của 3 đội bóng Ninh Bình, PVF-CAND và Bình Phước rất rõ ràng, bằng mọi giá phải lên hạng hoặc chí ít có tấm vé đá play-off. Thậm chí, cuộc đua vô địch có thể chỉ ngã ngũ ở vòng đấu cuối cùng, có thể xảy ra nhiều tranh cãi, khiếu kiện về công tác trọng tài... Điều này khác với các mùa giải trước khi đội vô địch thường được nhận diện từ rất sớm.

tim-duong-xuong-hang6-4478.jpg
Hoàng Đức giành Quả bóng Vàng Việt Nam 2023. Ảnh: INT.

Còn lắm ưu tư

Với nhiều ngôi sao lớn, hạng Nhất 2024 - 2025 có tính đua tranh cao, các câu lạc bộ, nhà tổ chức có nhiều điều kiện thu hút khán giả, kiếm thêm hợp đồng tài trợ. Mặc dù vậy, khó có thể phân tích đầy đủ tác động của mức độ chịu chi, các bản hợp đồng “bom tấn” đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong tương lai. Thay vào đó, những gì diễn ra trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội là dấu hiệu phản ánh một trạng thái “không ở đâu có” của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Trên thế giới, những ngôi sao bỏ giải đấu chất lượng cao đến các giải đấu kém danh tiếng để đổi lấy số tiền lớn diễn ra khá phổ biến. Messi chia tay La Liga (Tây Ban Nha) đến Ligue 1 (Pháp) và giờ là Inter Miami (Mỹ), hoặc hàng loạt ngôi sao cập bến Saudi Pro League (giải vô địch quốc gia Ả-rập Xê-út), như Cristiano Ronaldo, N’Golo Kante, Sadio Mane, Karim Benzema Jordan Henderson... Nhưng gần như tất cả những cầu thủ tìm đến những giải đấu thấp hơn về đẳng cấp, danh tiếng đều ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, tuổi vượt ngưỡng 30. Những cầu thủ ngôi sao, đang đỉnh cao phong độ chuyển xuống hạng thấp hơn cùng một hệ thống giải thì có lẽ chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Theo quy luật của bóng đá thế giới, không một câu lạc bộ nào ở hạng dưới có thể tạo ra bom tấn chuyển nhượng với số tiền cao ngất ngưởng, con số mà hầu hết các đội ở giải đấu cao nhất cùng hệ thống không sẵn sàng làm điều đó.

Sau những gì diễn ra, vậy giá trị về kinh tế lẫn thương hiệu của hạng Nhất 2024 - 2025 tăng lên, hay giải đấu cao nhất của Việt Nam lao dốc không phanh? Rõ ràng đó là điều bất thường, nhưng nó lại là bình thường nếu đặt vào bối cảnh lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Bởi có quá nhiều thứ bất thường diễn ra, chẳng hạn ngay hạng Nhất mùa này xảy ra chuyện 2 câu lạc bộ cùng giải đấu hoán đổi lực lượng cầu thủ và cả ban huấn luyện cho nhau.

Theo Điều lệ, chỉ có đội vô địch mới giành quyền lên thẳng V-League, trong khi á quân phải đá thắng trận play-off mới được góp mặt ở sân chơi cấp cao nhất mùa sau. Nếu Ninh Bình, hay Bình Phước không may thất bại trong cuộc đua lên hạng, những cầu thủ ngôi sao như Hoàng Đức, Văn Lâm, Công Phượng… tiếp tục “đi dạo” ở hạng Nhất cùng nguy cơ sa sút phong độ, đánh mất cảm giác thi đấu đỉnh cao.

Nhìn ở góc độ chuyên môn, nhiều tuyển thủ chơi ở hạng đấu thấp sẽ ảnh hưởng chất lượng của đội tuyển Việt Nam. Và không ai đảm bảo nếu thất bại ở mùa giải 2024 - 2025, các ông bầu sẽ tiếp tục hứng thú với sân chơi này, khi tiềm lực của họ đủ sức đầu tư cho một đội tại V-League.

Bên cạnh đó, số tiền mà các ông bầu của các đội hạng Nhất chi ra quá lớn khiến nhiều cầu thủ không thể nào từ chối, Công Phượng (18 tỷ đồng), Văn Lâm (27 tỷ đồng), Hoàng Đức (xấp xỉ 30 tỷ đồng).

Theo ông Jernej Kamensek - cựu môi giới quốc tế và từng là Giám đốc kỹ thuật câu lạc bộ Bình Định, số tiền 18 tỷ đồng bằng với ngân sách một câu lạc bộ nhỏ châu Âu huấn luyện cho 100 cầu thủ trẻ hằng năm. Hoặc dễ so sánh hơn, hằng năm tỉnh Nghệ An cấp cho trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khoảng 30 tỷ đồng, nơi đào tạo khoảng 215 cầu thủ thuộc 12 lớp theo các độ tuổi từ U9 đến U21.

Vấn đề ở chỗ, bóng đá Việt Nam, kể cả hạng cao nhất V-League chưa thể lấy bóng đá nuôi bóng đá, mà sống bằng nguồn tiền của các ông bầu theo kiểu “thích thì chơi và chán thì bỏ”. Đằng sau câu chuyện các hợp đồng “bom tấn” ở hạng Nhất còn phản ánh cách làm “đốt cháy giai đoạn”, thiếu bền vững của các câu lạc bộ.

Không chỉ ở giải đấu cao nhất V-League, việc các đội bóng bỏ hạng Nhất, sau đó có thể giải tán bởi cách làm này diễn ra khá thường xuyên như đội Tây Ninh, Gia Định (năm 2021), An Giang (2022), Cần Thơ, Sài Gòn FC (2023). Tất cả đều theo công thức, được đầu tư nhanh, mạnh, nhưng khi các ông bầu gặp khó khăn về tài chính, hoặc không đạt mục đích nào đó thì đội bóng sống “lay lắt” hoặc biến mất trong một nốt nhạc.

Chưa ra sân chính thức, song Nguyễn Công Phượng đã mang về “quả ngọt” đầu tiên cho Bình Phước. Đội bóng này thông tin, toàn bộ số vé của mùa giải 2024 - 2025 đã được bán hết trong 15 phút và thu về tổng số tiền 1.045.000.000 (một tỷ không trăm bốn mươi lăm triệu đồng). Đặc biệt, số tiền bán vé này sẽ được câu lạc bộ Bình Phước đóng góp cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Phước để giúp đỡ đồng bào chịu thiệt hại do bão Yagi.

Mùa trước, theo thống kê của Ban tổ chức giải, sân Bình Phước dẫn đầu về số khán giả đến sân, cụ thể là 38 nghìn khán giả trong 10 trận trên sân nhà, trung bình 3.800 khán giả/trận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ