Bóng đá Việt Nam đang phạt cho… tồn tại?

GD&TĐ - Nếu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không nhanh chóng chấn chỉnh nhằm đáp ứng chuẩn châu Á, vị trí của V-League sẽ còn tụt sâu hơn...

Nam Định (áo trắng) giành ngôi vô địch V-League 2023 - 2024 sau trận thắng Khánh Hòa 5-1, ngày 25/6. Ảnh: VPF.
Nam Định (áo trắng) giành ngôi vô địch V-League 2023 - 2024 sau trận thắng Khánh Hòa 5-1, ngày 25/6. Ảnh: VPF.

Và điều đó ảnh hưởng đến việc phân bổ số suất tham dự các giải đấu cấp câu lạc bộ châu lục, cũng như nhiều hệ lụy khác ở diện rộng hơn như với đội tuyển quốc gia.

Con số báo động

Trong cuộc họp ngày 17/6 vừa qua, Ban Cấp phép Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã phát đi thông tin chính thức, 4 câu lạc bộ được cấp phép không kèm điều kiện mùa giải 2024 - 2025 là: Bình Dương, TPHCM, Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng, đồng nghĩa đảm bảo chuẩn chuyên nghiệp như quy định cấp phép đặt ra.

8 đội được cấp phép nhưng kèm điều kiện là Nam Định, PVF CAND, Công an Hà Nội, Hà Nội FC, Thể Công Viettel, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Hoàng Anh Gia Lai.

Câu lạc bộ Khánh Hòa không được cấp phép do không đáp ứng các tiêu chí hạng A về tài chính và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, đội bóng này đã xuống hạng Nhất mùa tới nên vẫn đủ điều kiện tham dự hạng đấu này.

Cấp phép có điều kiện kèm biện pháp phạt cho 4 câu lạc bộ tham dự giải VĐQG mùa tới gồm: Hải Phòng; Đông Á Thanh Hóa; Bình Định; Bình Phước. Đáng chú ý, Bình Định và Hải Phòng được tạm thời cấp phép cùng nguy cơ bị cấm tham dự mùa giải sau nếu không gửi tài liệu chứng minh tiêu chí tài chính trước ngày 15/7.

Trong trường hợp 2 đội bóng này không đủ tiêu chuẩn dự V-League mùa giải 2024 - 2025, ban tổ chức sẽ có những phương án để thay đổi số lượng câu lạc bộ tham dự giải. Có thể hiểu những khả năng như Bình Định hoặc Hải Phòng sẽ bị loại khỏi giải, V-League 2024 - 2025 có thể giảm số đội, hoặc cơ hội lên hạng được trao cho những đội khác đủ điều kiện.

Trước đó, Ban Cấp phép VFF còn tổ chức họp bàn về cấp phép cho các câu lạc bộ Việt Nam tham dự giải đấu châu lục mùa giải 2024 - 2025. Dựa trên các tiêu chí cụ thể, Ban Cấp phép quyết định: Cấp phép có điều kiện cho 2 câu lạc bộ tham dự giải của Liên đoàn Bóng đá châu Á mùa giải 2024 - 2025 gồm: Công an Hà Nội và Hà Nội FC; cấp phép kèm biện pháp phạt cho Sông Lam Nghệ An và Bình Dương; cấp phép kèm biện pháp phạt có điều kiện cho 5 câu lạc bộ, gồm: Nam Định; Đông Á Thanh Hóa; Hà Tĩnh; Quảng Nam, PVF CAND. Và có đến 8 câu lạc bộ “bị cấm” tham dự giải đấu châu lục, trong đó có nhiều đội bóng tên tuổi. Danh sách cụ thể: Thể Công Viettel, Hải Phòng, TPHCM, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Định, Khánh Hòa, SHB Đà Nẵng và Bình Phước.

Chỉ với 2 câu lạc bộ được cấp phép tham dự sân chơi châu lục, con số này thấp hơn nhiều so với mùa giải 2023 - 2024 với 7 đội bóng đạt chuẩn. Sự hao hụt nghiêm trọng về số lượng được lý giải do tiêu chí cấp phép của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) ngày càng chặt chẽ, rõ ràng cũng như vấn đề giám sát được tiến hành công khai, minh bạch.

Những liên đoàn thành viên được yêu cầu thực hiện cấp phép “đúng người, đúng việc”, không có thái độ “cả nể” như trước. Tất cả những vi phạm đều bị xử phạt theo mức độ tương ứng. Mùa giải năm ngoái Liên đoàn Bóng đá Iran nhận án phạt 100 nghìn USD với lý do cấp phép cho một câu lạc bộ không đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, việc AFC tiến hành mạnh tay vấn đề cấp phép bởi năm tới là mùa giải đầu tiên hệ thống thi đấu mới cấp câu lạc bộ được triển khai, theo chuẩn châu Âu.

Hai giải đấu quen thuộc là AFC Champions League (Cúp C1 châu Á) và AFC Cup (Cúp C2 châu Á) sẽ không còn. Thay vào đó là bộ 3 giải đấu, gồm: AFC Champions League Elite, với sự tranh tài của 24 câu lạc bộ hàng đầu châu lục; AFC Champions League 2, quy tụ 32 câu lạc bộ và AFC Challenge League, với sự tham dự của 20 câu lạc bộ.

Tiền thưởng cũng tăng rất cao. Đơn cử như đội vô địch AFC Champions League Elite sẽ nhận 12 triệu USD, gấp 3 lần so với số tiền thưởng hiện tại là 4 triệu USD. Đội về nhì nhận 6 triệu USD, so với khoản tiền thưởng 2 triệu USD hiện tại.

phat cho ton tai (2).jpg
Trận Công an Hà Nội gặp Hải Phòng ngày 20/6 trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: VPF.

Chuyên nghiệp kiểu nửa vời

Cuộc cải tổ của AFC theo hướng chuyên nghiệp và chuẩn hóa khiến bóng đá Việt Nam lộ thêm nhiều hạn chế.

Nhìn từ lăng kính cấp phép với những tiêu chí cần có của một đội bóng chuyên nghiệp, các câu lạc bộ Việt Nam “rụng như sung”. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nếu Ban Cấp phép nghiêm khắc hơn thì không đội bóng Việt Nam đạt chuẩn tham dự sân chơi châu lục.

Điều đó phản ánh thực trạng, tính chuyên nghiệp của các câu lạc bộ ở Việt Nam sau hơn 20 năm tiến lên chuyên nghiệp không được cải thiện, tăng cường theo thời gian, mà ngày càng kém đi, xa rời chuẩn quốc tế.

Lý do có nhiều nhưng tựu trung có lẽ thuộc về nhận thức, tầm của người lãnh đạo, cơ chế, đó là khâu chiến lược và điều hành cũng như một tiêu chí trong cấp phép, vấn đề tự chủ tài chính chưa được bảo đảm.

AFC thông qua các liên đoàn thành viên siết chặt cấp phép không phải gây khó dễ hay thể hiện thái độ “nhũng nhiễu” với các câu lạc bộ. Các quy định đặt ra ngày một chi tiết hơn nhằm giúp các câu lạc bộ đạt chuẩn, phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi cho các thành viên câu lạc bộ cũng như tạo ra hành lang pháp lý để các đội bóng vận hành suôn sẻ.

Trong cấp phép, AFC không áp đặt cứng nhắc những tiêu chuẩn cao nhất, theo công thức của châu Âu, thay vào đó là nhóm những tiêu chí cơ bản cần phải có của một câu lạc bộ chuyên nghiệp. Đơn cử, về sân đấu, AFC không đặt nặng sức chứa của sân lên đến vài vạn khán giả, mà chú trọng mặt cỏ, hạ tầng dịch vụ thi đấu đạt chuẩn.

Ngay cả về tài chính, tiêu chí cấp phép cũng không yêu cầu các câu lạc bộ chứng minh nguồn lực tài chính lớn đến mức nào, mà chú trọng về sự minh bạch trong thu chi, bảo đảm quỹ lương cho cầu thủ cũng như bộ máy vận hành câu lạc bộ, trong đó có tuyến đào tạo trẻ và y tế - những khâu sống còn bảo đảm cho sự phát triển của bất cứ đội bóng nào.

Việc có quá ít câu lạc bộ của Việt Nam bảo đảm tiêu chí cơ bản trong cấp phép cho thấy thành quả 23 năm làm chuyên nghiệp của chúng ta không thực sự bền vững như sự kỳ vọng. Nguyên nhân do những người có trách nhiệm quản lý thiếu chiến lược phát triển, hay buông lỏng khâu giám sát, hoặc giữa cái chuẩn V-League và chuẩn theo AFC có độ vênh lớn?

Trong “Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt năm 2013, Mục 3 (Các chỉ tiêu chính) có đặt ra: Bóng đá nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có trình độ bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á.

VFF những năm gần đây cũng đặt ra mục tiêu tham dự World Cup 2026 (đã thất bại), hoặc 2030. Vấn đề đặt ra, từ chiến lược được xác định rõ ràng như thế, việc các câu lạc bộ Việt Nam - nền tảng đội tuyển quốc gia lại chưa bảo đảm tiêu chí được cấp phép tham gia sân chơi châu lục trở thành nghịch lý trong xây dựng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, kéo dài trong nhiều năm. Đồng thời, nó cũng giúp chúng ta hiểu thêm vì sao các câu lạc bộ Việt Nam chưa một lần vượt qua vòng bảng AFC Champions League, và thành tích ấn tượng ở sân chơi hạng 2 như AFC Cup khá hiếm hoi.

Trên thực tế, tình trạng các câu lạc bộ Việt Nam không đáp ứng được tiêu chí của AFC tồn tại dai dẳng nhiều năm, thậm chí nhiều đội bóng cũng không đáp ứng được chuẩn V-League.

Như thời điểm mùa giải năm 2020, Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh và SLNA không đủ tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp, trong đó có Hải Phòng, Nam Định và SLNA không đạt được tiêu chuẩn cấp phép 2 năm liên tiếp. Điều này đồng nghĩa, các câu lạc bộ trên không đủ điều kiện được cấp phép tham dự các giải đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam, tuy nhiên bằng lý do nào đó, những người có trách nhiệm vẫn đặc cách cho nhóm này tham dự V-League 2021!?

Hay ở mùa giải 2016, có 7 câu lạc bộ không đạt tiêu chí cấp phép, trong đó có Quảng Nam. Khi đó, lãnh đạo đội bóng Quảng Nam nêu quan điểm rằng, liệu Ban Cấp phép VFF có dám dừng V-League hay không vì còn quá nhiều câu lạc bộ không đạt chuẩn chuyên nghiệp. Cuối cùng V-League vẫn diễn ra với sự góp mặt đầy đủ của 14 đội.

Mùa giải năm ngoái, Ban Chấp hành VFF đã đồng ý cấp phép ngoại lệ cho Hoàng Anh Gia Lai đổi sang tên mới LPBank Hoàng Anh Gia Lai và Viettel đổi tên thành Thể Công Viettel bởi đề nghị đổi tên của hai câu lạc bộ này không phù hợp với Điều 8 “Quy chế bóng đá chuyên nghiệp” (sửa đổi, bổ sung năm 2023), trong đó có quy định: Câu lạc bộ không được thay đổi tên trong khi mùa giải đang diễn ra.

Trong khi đó V-League 2023 - 2024 đã diễn ra được 3 vòng đấu. Việc cấp phép ngoại lệ này đã nhận phản ứng không ít của dư luận, và nhiều ý kiến cho rằng, Ban Chấp hành VFF cấp phép không theo quy chế, khiến nhiều đội bóng bất mãn, gây ra tâm lý không tốt trong vấn đề tuân thủ luật chơi.

AFC có quy định: “Giải bóng đá Vô địch quốc gia phải theo thể thức sân nhà – sân khách với tối đa 2 câu lạc bộ sử dụng chung một sân thi đấu”. Nhưng với bóng đá Việt Nam đến giờ vẫn tồn tại tình trạng 3 đội là Công an Hà Nội, Hà Nội FC và Thể Công Viettel sử dụng chung… sân Hàng Đẫy.

Tất nhiên, 3 đội này lấy Hàng Đẫy làm sân nhà không vi phạm quy định khi tham dự giải quốc nội như V-League, cúp quốc gia, song nó bị cấm nếu theo chuẩn châu lục.

Trong những cuộc họp gần đây, Công an Hà Nội, Hà Nội FC và Thể Công Viettel vẫn chung quan điểm, lấy Hàng Đẫy làm sân nhà. VFF và đơn vị tổ chức giải buộc ra tối hậu thư đề nghị các câu lạc bộ sớm quyết định phương án sân thi đấu chính thức. Theo kế hoạch muộn nhất ngày 19/7 các câu lạc bộ sẽ phải hoàn tất thủ tục đăng ký tham dự mùa giải, trong đó bao gồm sân thi đấu.

Mới đây, theo tiêu chí về khả năng cạnh tranh và thành tích của các câu lạc bộ trong mùa giải vừa qua, AFC đã công bố bảng xếp hạng các giải VĐQG mạnh nhất châu lục. Việt Nam nằm ngoài top 10 châu Á, đứng thứ 3 Đông Nam Á. Thái Lan tiếp tục đứng đầu khu vực khi họ sở hữu Bangkok United, câu lạc bộ duy nhất của Đông Nam Á vượt qua vòng bảng AFC Champions League. Xếp thứ nhì là Malaysia.

Ngoài ra, kết thúc mùa giải năm ngoái, theo Transfermarkt, trang chuyên định giá cầu thủ và giải đấu bóng đá, giải đấu có giá trị cao nhất Đông Nam Á là Super League của Indonesia là 74,32 triệu euro. Thai-League của Thái Lan đứng thứ hai với 74,3 triệu euro. Đứng thứ 3 là M-League của Malaysia (55,24 triệu euro). V-League của Việt Nam xếp thứ 4 (38,05 triệu euro). Con số của V-League chỉ bằng hơn 1/2 so với giá trị thương hiệu của các giải đấu quốc nội ở Indonesia và Thái Lan.

Theo Quy chế cấp phép câu lạc bộ bóng đá (sửa đổi, bổ sung năm 2023) của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành ngày 7/11/2023, có 5 loại tiêu chí cấp phép dựa trên những quy định từ Liên đoàn Bóng đá thế giới, châu Á để tham dự các giải đấu quốc nội và châu lục, gồm: Thể thao, cơ sở vật chất, nhân lực và hành chính, pháp lý, tài chính. Các loại tiêu chí sẽ được phân hạng A, B, C.

Hạng A có những quy định cụ thể như sau:

Tiêu chí thể thao: Chương trình phát triển bóng đá trẻ; có đội trẻ trực thuộc câu lạc bộ hoặc liên kết với các đơn vị: Ít nhất 3 đội ở lứa tuổi từ 10 đến 21, ít nhất 1 đội trẻ dưới 10 tuổi; chăm sóc y tế cầu thủ; chương trình đào tạo cầu thủ về luật thi đấu, kiểm soát doping và các nội dung khác theo yêu cầu từ Liên đoàn Bóng đá châu Á và Việt Nam.

Tiêu chí cơ sở vật chất: Sân vận động được phê chuẩn để tổ chức thi đấu các giải cấp câu lạc bộ Liên đoàn Bóng đá châu Á và Việt Nam; sân vận động phải được cấp chứng chỉ và có kế hoạch thoát hiểm; cơ sở vật chất tập luyện.

Tiêu chí nhân sự và hành chính: Văn phòng câu lạc bộ; chức danh giám đốc điều hành, huấn luyện viên trưởng và trợ lý huấn luyện viên đội 1, đội trẻ; các cán bộ an ninh, truyền thông, y tế, pháp lý, nhân viên vật lý trị liệu.

Tiêu chí pháp lý: Bản cam kết tuân thủ các điều luật, quy định khi tham gia các giải thuộc hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, giải đấu cấp câu lạc bộ Liên đoàn Bóng đá châu Á; tài liệu pháp lý; quyền sở hữu và kiểm soát câu lạc bộ; hợp đồng (bằng văn bản) với cầu thủ.

Tiêu chí tài chính: Báo cáo tài chính thường niên đã được kiểm toán; báo cáo tài chính giữa niên đã được soát xét; không có khoản phải trả quá hạn nào phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng và đối với nhân viên và các cơ quan thuế, tổ chức xã hội; kế hoạch tài chính kỳ tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Cựu Tổng thư ký NATO có công việc mới

GD&TĐ -Cựu Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sẽ là Chủ tịch Hội nghị An ninh Quốc tế Munich (MSC) kể từ năm tới.