Đây được coi là bước ngoặt mang tính đột phá để bắt kịp bóng đá thế giới. Song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều băn khoăn về giải đấu có 23 năm mang mác chuyên nghiệp, và nếu tính từ mốc lịch sử ra đời là 43 năm.
Kỳ vọng vào đổi mới
Mùa giải tới, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lần đầu tiên thi đấu giống lịch bóng đá châu Âu, được xây dựng theo khung chương trình thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).
Theo đó, giải vô địch quốc gia (V-League) 2023 - 2024 khởi tranh từ ngày 20/10/2023 với thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt xác định thứ hạng, thay vì chia nhóm tranh ngôi vô địch và đua trụ hạng sau giai đoạn 1 như V-League 2023. Lượt đi kết thúc ngày 9/3/2024, lượt về kết thúc ngày 30/6/2024.
Hạng Nhất thi đấu từ tháng 10/2023 và cũng vắt qua hai năm. Lượt đi kết thúc vào ngày 4/3/2024 và kết thúc lượt về vào ngày 29/6/2024.
Cúp quốc gia 2023 - 2024 bắt đầu từ 24/11/2023 và kết thúc bằng trận chung kết ngày 7/7/2024.
Trận đấu sớm nhất của mùa giải 2023 - 2024 là Siêu cúp giữa Công an Hà Nội (vô địch V-League 2023) và Thanh Hóa (vô địch Cúp Quốc gia 2023), diễn ra vào ngày 7/10/2023.
Theo Tổng Giám đốc VPF, ông Nguyễn Minh Ngọc, chủ trương áp dụng lịch thi đấu mới Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thảo luận và thông qua từ cuối năm 2022. Vì thế, các đội sớm nắm bắt được kế hoạch và có sự chủ động chuẩn bị cho mùa giải mới.
Ngoài ra, ông Ngọc nhấn mạnh, việc điều chỉnh thời gian thi đấu của bóng đá Việt Nam phù hợp với yêu cầu từ phía Liên đoàn Bóng đá châu Á, đồng thời bước chuyển mình này sẽ tối ưu hóa lịch thi đấu giải quốc nội so với quốc tế, đặc biệt là hệ thống thi đấu của FIFA, đồng bộ thị trường chuyển nhượng cầu thủ giữa châu Á và châu Âu.
Thực tế, sự thay đổi này sẽ tạo ra những đột phá lớn cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong đó, V-League sẽ không bị tạm dừng theo những “mệnh lệnh hành chính” nào đó để chữa cháy cho hệ thống thi đấu vốn nhiều năm không tương thích với chương trình của FIFA.
Các câu lạc bộ không còn rơi vào tình thế cầu thủ đá vài vòng vừa “nóng máy” phải nghỉ để nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia tập trung, kể cả đội tuyển trẻ như U20 hay U23 Việt Nam.
Giờ đây, V-League chỉ nhường chỗ cho các đợt FIFA Days (Lịch thi đấu quốc tế của FIFA) và các giải đấu lớn của đội tuyển quốc gia.
Trận TopenLand Bình Định (bên phải) gặp Thép xanh Nam Định thuộc vòng 6 giai đoạn 2 V-League 2023. Ảnh: VPF. |
Mùa giải lịch sử đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ gói gọn trong vòng 7 tháng.
Trong quãng thời gian này, V-League 2023 - 2024 sẽ tạm dừng ở dịp FIFA Days (kéo dài từ 5 - 9 ngày/đợt) tháng 11/2023, tháng 3/2024 và tháng 6/2024; Vòng chung kết ASIAN Cup 2023, diễn ra từ ngày 12/1 - 10/2/2024 tại Qatar;
Vòng chung kết U23 châu Á 2024, diễn ra từ ngày 15/4 - 3/5/2024 cũng tại Qatar. Ngoài ra, BTC V-League còn phải tính toán lịch thi đấu sao cho phù hợp với lịch AFC Champions League (khởi tranh từ 19/9/2023 - 18/5/2024) và AFC Cup (19/9/2023 – 5/5/2024), cũng như lịch nghỉ Tết Nguyên đán (ngày 10/2/2024 là mồng 1 Tết).
Trong những mùa giải tiếp theo, khung thời gian có thể biến động theo chiều hướng phức tạp hơn, bởi V-League sẽ phải dành thêm thời gian cho đội tuyển quốc gia tranh tài tại AFF Cup 2024, U23 quốc gia tham dự SEA Games 33 năm 2025 diễn ra tại Thái Lan.
Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, Liên đoàn Bóng đá châu Á chưa quyết định về địa điểm và thời gian tổ chức AFF Cup 2024.
Và cũng cần phải nhắc lại, AFF Cup và SEA Games không nằm trong chương trình thi đấu của FIFA, song cả 2 giải đấu này đều là những giải đấu có vị trí và vai trò quan trọng với bóng đá Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực.
Một đội tuyển quốc gia mạnh luôn được đặt trên nền tảng của một giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp và chất lượng. Huấn luyện viên Philippe Troussier luôn mong muốn các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là lứa trẻ được thi đấu nhiều hơn. Có như thế, chiến lược gia người Pháp mới mở rộng biên độ lựa chọn, cũng như nâng cao chất lượng nhân sự lên tuyển.
Vậy nên, việc xây dựng bài bản hệ thống thi đấu chuyên nghiệp, dựa trên quyền lợi và tiếng nói của câu lạc bộ là bước đi cần thiết. Tránh xung đột lợi ích giữa đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ, đồng thời tránh làm khó cầu thủ mỗi khi được triệu tập lên tuyển.
Ngay ở “vùng trũng” Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia gần đây đã chuyển đổi lịch thi đấu trong nước cho phù hợp với hệ thống thi đấu của FIFA. Bởi không câu lạc bộ nào thích mùa giải kéo dài, ngắt quãng liên tục. Điều đó kéo theo nhiều hệ lụy trong quản lý, chế độ tiền lương cũng như duy trì phong độ cầu thủ.
Với bóng đá Việt Nam, trong giai đoạn đầu, những thay đổi mang tính lịch sử sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng đổi mới là cần thiết, nó giống như kế hoạch cải tổ V-League một cách khoa học, toàn diện, hướng đến cái đích chuyên nghiệp đúng nghĩa cho giải đấu 23 năm được định danh “chuyên nghiệp”.
Cầu thủ Công an Hà Nội ăn mừng chức vô địch V-League 2023. Ảnh: VPF. |
Đau đầu bài toán nguồn thu
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn quay cuồng với bài toán tồn tại như thế nào, cùng trăn trở bao giờ các câu lạc bộ có thể đứng vững trên chính đôi chân của mình?
Đơn cử như chuyện SHB Đà Nẵng xuống hạng sau hơn 2 thập niên góp mặt ở V-League. Bóng đá Đà Nẵng vốn là thế lực, có thể sánh ngang với những địa phương giàu truyền thống như Sông Lam Nghệ An, hay các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM hay Hải Phòng. Tuy nhiên, bóng đá sông Hàn cũng không thoát khỏi quy luật về sự tồn vong ở sân chơi khắc nghiệt như V-League.
Một cái kết đắng cho vùng đất nổi tiếng về truyền thống bóng đá, 3 lần giành chức vô địch quốc gia và 2 trong số đó nằm trong giai đoạn bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp.
Về mặt chuyên môn, SHB Đà Nẵng chỉ có thể tự trách mình. Quyết định thay tướng liên tục ở mùa giải 2023 đã đẩy đội bóng rơi vào trạng thái bất ổn từ “thượng tầng”. Người cũ ấm ức ra đi, trong khi người mới chưa đủ thời gian và có tính cách phù hợp để thu phục nhân tâm.
Chính sách dùng cầu thủ “cây nhà lá vườn” có thể là nước cờ sai mang tính thời điểm của lãnh đạo đội bóng này.
Những gương mặt kỳ cựu vốn là sản phẩm của lò đào tạo Đà Nẵng đã qua thời kỳ đỉnh cao, không thể gánh vác trọng trách đưa đội nhà vượt qua khó khăn. Nhóm cầu thủ trẻ giàu tiềm năng lại thiếu kinh nghiệm trong những thời khắc quyết định cho cuộc đua trụ hạng, trong khi ngoại binh chất lượng thấp.
Mặc dù vậy, vấn đề chuyên môn chỉ là bề nổi của một SHB Đà Nẵng bế tắc trước bài toán đầu tư và phát triển, kéo dài trong vài năm trở lại đây.
Việc UBND TP Đà Nẵng cắt nguồn kinh phí lên đến 20 tỷ dành cho đào tạo trẻ khiến cho đội bóng mất đi nguồn sữa bao cấp rất lớn. Bên cạnh đó, nhà tài trợ đứng sau đội bóng, từng kiến tạo nên những thành tích vang dội dường như cũng không có hành động nào thật sự quyết liệt với số phận của SHB Đà Nẵng.
Mùa trước, đội bóng này đã phải đối mặt với nguy cơ xuống hạng, song những người có trách nhiệm dửng dưng và giờ là cái giá phải trả, đội bóng xuống hạng.
Bóng đá Đà Nẵng sẽ phải xóa đi làm lại từ hạng Nhất. Nhưng theo cách nào nếu không giải được bài toán nguồn thu, cũng như mối quan hệ giữa nhà tài trợ và địa phương?
Chuyện của SHB Đà Nẵng cũng là vấn đề chung của V-League, xoay quanh bài toán nguồn thu của các đội bóng.
Rõ ràng, gần như tất cả các câu lạc bộ chuyên nghiệp Việt Nam đến giờ vẫn chưa có được nguồn thu ổn định. Thay vào đó, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn đang được bao cấp từ những hợp đồng chuyển giao, gắn tên mang tính mùa vụ, và có thể là nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương.
Chẳng hạn, theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao TP Hải Phòng, giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm ngân sách TP Hải Phòng hỗ trợ câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Hải Phòng 40 tỷ đồng.
Đà Nẵng, rồi Hải Phòng cũng không thể duy trì nguồn tiền này cho đội bóng. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc chi ngân sách cho một đội bóng chuyên nghiệp chưa phù hợp quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước.
Vậy là, các đội bóng chỉ còn trông chờ vào nguồn tiền tài trợ từ các doanh nghiệp, thông qua các hợp đồng gắn tên với thời hạn 3 - 5 năm. Những hợp đồng kiểu này sẽ khiến cho đội bóng bất ngờ trở thành người giàu có. Nhưng tính bền vững gần như không tồn tại. Điều đó được chứng minh rất rõ qua sự xuất hiện và biến mất của nhiều đội bóng, sự “thay tên, đổi họ” vốn phổ biến làm mai một giá trị truyền thống, tinh thần màu cờ sắc áo.
Vào thời điểm năm 2020, Bình Định nhận gói tài trợ 3 năm lên đến 300 tỷ đồng. Đội bóng đất Võ mạnh tay mua sắm lực lượng, được gọi là “Chelsea Việt Nam”.
Nhưng trước mùa giải 2023, do những khó khăn về kinh tế nên hai nhà tài trợ chính buộc phải cắt giảm tài trợ khiến cho đội bóng Bình Định không đủ nguồn chi và nợ lên đến 35 tỷ đồng, trong đó 20 tỷ nợ lương, thưởng cầu thủ.
Khi đó, người hâm mộ bóng đá Bình Định lo ngại về việc đội bóng này có nguy cơ giải thể giống như trường hợp của Than Quảng Ninh trước đây. Nhưng vào phút chót, nhà tài trợ cho Bình Định kịp thời giải ngân. Tuy nhiên, sau mùa giải 2023, số phận đội Bình Định như thế nào còn là ẩn số. Hiện, nhiều ngôi sao nhấp nhổm chia tay đội bóng đất Võ.
Ngay cả đội bóng ổn định, tạo thương hiệu như Hoàng Anh Gia Lai cũng đang “mất phương hướng”.
Đội bóng phố Núi từng đi đầu về lương, thưởng, thuê thầy ngoại, đặc biệt họ xây dựng Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng. Trong đó, lứa đầu gây tiếng vang với những Công Phượng, Xuân Trường, Anh Tuấn, Văn Toàn, Hồng Duy… Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai lần lượt đẩy đi những “báu vật” của bầu Đức.
Người còn sót lại của thế hệ đầu tiên Nguyễn Tuấn Anh cũng đang được đồn đoán sẽ ra đi trước mùa giải 2023 - 2024. Đội bóng phố Núi giờ đây chỉ thuộc nhóm hạng trung, không đủ lực cạnh tranh chức vô địch.
V-League đứng trước bước ngoặt lịch sử, về lịch thi đấu, song nó vẫn đang mang trên mình quá nhiều bài toán được đặt ra ngay từ những ngày đầu lên chuyên đến giờ vẫn còn loay hoay đi tìm lời giải. Nếu không tìm được lối thoát cho vấn đề nguồn thu, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục cái vòng luẩn quẩn cho sự tồn tại thay vì phát triển.
Bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp từ năm 2000. Nhưng lịch sử giải vô địch quốc gia được bắt đầu từ năm 1980, khi đó là Giải bóng đá A1 toàn quốc. Một giải đấu có tuổi đời hơn 4 thập niên đáng ra có thể tự hào về truyền thống, sức mạnh được kiến tạo trên nền tảng chắc chắn và ổn định.
Nhưng đến lúc này, gần như tất cả các đội bóng tham dự V-League đang sống dựa vào các ông chủ, hoặc nguồn kinh phí bao cấp khác, trong khi với bóng đá chuyên nghiệp, các câu lạc bộ cần phải sống khỏe bằng những nguồn thu ổn định từ khán giả, bản quyền truyền hình, quảng cáo và tiền tài trợ…