Bởi, làm thế nào để quản lý bán thuốc trên mạng không phải là điều dễ dàng.
Phải có quy định chặt chẽ
Không cần đơn, không có chỉ định của bác sĩ, nhưng người dân vẫn dễ dàng mua thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc, thậm chí là qua hình thức online. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhưng việc lạm dụng thuốc kháng sinh vẫn diễn ra phổ biến.
Chỉ cần gọi điện thoại hoặc thực hiện vài thao tác đặt hàng trên ứng dụng hay website, người dân có thể dễ dàng mua được loại thuốc mong muốn. Khi thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu thì ai cũng có thể trở thành dược sĩ chữa bệnh nội khoa, ngoại khoa, thậm chí là cả khoa sản.
Trong bối cảnh này, quy định cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TPHCM) dẫn báo cáo số liệu của một số nước đang phát triển cho thấy, có tới 75% - 80% thuốc phân phối qua mạng là thuốc kém chất lượng và thuốc giả.
Tại Việt Nam, việc quản lý chất lượng thuốc đối với các nhà thuốc lớn còn tồn tại nhiều khó khăn. Do vậy, làm thế nào để quản lý bán thuốc trên mạng không phải là điều dễ dàng.
Đại biểu đồng thời cho rằng, không nên đưa thuốc kê đơn vào danh mục thuốc được bán qua sàn thương mại điện tử. Với thuốc không kê đơn, phải có quy định chặt chẽ, tổ chức trong khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), khẳng định “không bao giờ ủng hộ” bán thuốc qua mạng. Ông Thức nêu câu chuyện thực tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy, do bệnh nhân chờ nhận thuốc bảo hiểm y tế quá lâu (có khi tới 5 - 6 ngày), bệnh viện đã có sáng kiến chuyển thuốc tới tận nhà cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, khi triển khai (chưa nói tới chuyện vận chuyển trong thời tiết mưa gió) đã có trường hợp người giao hàng đổi thuốc của bệnh nhân.
“Thuốc xịn bị đổi thành loại thuốc cùng hoạt chất, nhưng giá thành rẻ hơn. Sau một tuần, bệnh viện đã phải dừng ngay việc này”, ông Nguyễn Tri Thức chia sẻ.
Cấm cơ học là hình thức
Trước tình trạng mua bán thuốc kê đơn “tràn lan”, từ năm 2019, Bộ Y tế đã xây dựng đề án và thí điểm vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn. Qua đó, nhằm quản lý tình trạng bán thuốc phải có đơn của bác sĩ.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) nhận định, việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử cần được kiểm soát rất chặt chẽ.
Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ. Đồng thời, được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc. Bên cạnh đó, còn vấn đề khác như thu hồi thuốc…
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu rõ, hàng giả bán trên Internet đang là một vấn đề được phản ánh nhiều hiện nay. Do đó, lực lượng chức năng vô cùng khó khăn bởi “xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn…”.
“Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt. Do vậy, thương mại điện tử thì cơ sở tham gia phải đủ điều kiện kinh doanh dược và chỉ được bán các thuốc thuộc danh mục không kê đơn”, đại biểu nhấn mạnh.
Liên quan đến việc mua thuốc theo đơn online, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH Bình Dương) cho biết, vừa qua, Ủy ban Xã hội không ủng hộ việc này và chỉ đồng ý cho mua tại nhà thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, thực tế rất nhiều nhà thuốc đang bán online. Người mua chỉ cần chụp ảnh đơn thuốc là thuốc được chuyển đến tận nhà.
“Do đó, tôi nghĩ nếu cấm cơ học thì không có giải pháp hiệu quả. Vì vậy, tôi đề nghị cho triển khai, nhưng phải quy định rõ ràng, bắt đầu từ chính các nhà thuốc và chính các bệnh viện. Những nhà thuốc có hồ sơ bệnh án điện tử có thể chuyển thuốc đến tận nhà cho người dân”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nêu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Theo đó, cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh thương mại điện tử. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Dự luật đề xuất không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội nêu, việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.
Tuy nhiên, cần quy định cụ thể các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử. Quy định rõ các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, nhóm được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc.
Ủy ban Xã hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn với việc bán thuốc trên môi trường điện tử, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố. Điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử với dược phẩm để tạo sự công bằng với các cơ sở kinh doanh dược truyền thống...
Bình luận