Loạn bán, mua thuốc online: Tiện ích và tính mạng - bên nào nặng hơn?

GD&TĐ - Khi thương mại điện tử ngày càng phát triển, người dân dễ dàng tiếp cận với hình thức mua bán online.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng.

Song, thực tế, việc mua thuốc online được coi là “con dao hai lưỡi”.

Phương thức mua hàng này mang lại thuận lợi, nhưng cũng đem tới không ít rủi ro cho sức khỏe người dân. Báo GD&TĐ đã trao đổi với Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga về vấn đề này.

Cảnh tỉnh không cho riêng Việt Nam

- Hiện nay, tình trạng các sàn thương mại điện tử, tài khoản Facebook cá nhân, thậm chí nhà thuốc bán thuốc cho người dân qua hình thức online mà không cần đơn. Đặc biệt, không ít tài khoản mạng bán những loại thuốc được quảng cáo là nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Thưa ông, điều đó có tiềm ẩn những nguy cơ nào cho người dân?

- Trước đây, trong giai đoạn bùng phát của đại dịch Covid-19, các quy định về kê đơn và bán thuốc được nới lỏng. Tuy nhiên, sau đó, khi cuộc sống đã trở lại bình thường thì thói quen của cả người mua lẫn các nhà thuốc vẫn chưa có sự thay đổi. Bởi, mua bán thuốc online tiện cho cả người mua lẫn người bán.

Một ví dụ là các loại thuốc kháng sinh, đều cần kê đơn của bác sĩ. Song, các nhà thuốc nhỏ lẻ, thậm chí một số nhà thuốc lớn vẫn có thể bán vô tư mà không cần đơn. Họ bán online khi người mua yêu cầu.

Yếu tố thứ hai là sự bùng phát của thương mại điện tử tại nước ta trong những năm gần đây. Cả người mua lẫn người bán đều muốn có được sự thuận tiện giao dịch online.

Về cơ sở pháp lý, cũng có một số quy định về việc này. Ví dụ như khách hàng phải gửi đơn thuốc (qua app, qua nhắn tin Zalo…) cho nhà thuốc. Nhà thuốc phải cập nhật lên hệ thống để các cơ quan quản lý có thể nắm được.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều nhà thuốc vẫn lơ là trong thực hiện. Các cơ quan chức năng cũng chưa kiểm soát chặt chẽ việc này. Bằng chứng là cá nhân tôi có lần thử mua thì vẫn thấy các nhà thuốc, thậm chí nhà thuốc lớn đồng ý bán online.

Cuối cùng, việc vận chuyển thuốc như thế nào cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Một số loại thuốc yêu cầu phải được bảo quản trong nhiệt độ, độ ẩm nhất định.

Tuy nhiên, khi sử dụng dịch vụ giao hàng (phần lớn là qua các công ty logistics) thì việc này được phó mặc cho người giao hàng (shipper). Do đó, việc thuốc bị suy giảm chất lượng do nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, hay thời gian giao hàng kéo dài… là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tất cả yếu tố này, đều ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cũng như hiệu quả điều trị của bác sĩ.

- Không ít người cho rằng, hình thức bán thuốc online tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thuốc một cách nhanh chóng. Mặt khác, người bệnh có thể mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Hậu quả khi đó sẽ thế nào, thưa ông?

- Mua thuốc online thiếu kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh. Đó là, người bệnh có thể dùng phải thuốc kém chất lượng, sai chủng loại thuốc… Thậm chí, người bệnh mua phải các loại thuốc không được cấp phép, thuốc giả, thuốc độc….

Những loại thuốc này được phân phối một cách vô tư đến người tiêu dùng. Người bệnh có thể không khỏi bệnh, thậm chí bị dị ứng, sốc phản vệ, suy gan, suy thận… có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài yếu tố sức khỏe người bệnh, nó còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà thuốc, bác sĩ hay cơ sở khám chữa bệnh. Bài học tại Nhật Bản vừa qua là ví dụ.

Đó là một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ một hãng tên tuổi, uy tín cung cấp, nhưng vẫn gây ra suy thận và tử vong cho nhiều người. Đây thực sự là lời cảnh tỉnh với bất cứ quốc gia nào, không chỉ Việt Nam.

Cần chế tài nghiêm khắc

- Theo ông, cần có những phương pháp nào để hình thức kinh doanh này phát huy hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người bệnh?

- Các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng, còn có thể khiến người bệnh chủ quan, làm tình trạng bệnh nặng nề hơn. Ví dụ, người bệnh dùng thuốc chống đông kém chất lượng, có thể dẫn đến đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong. Nhưng vấn đề trách nhiệm thuộc về ai thì lại không rõ.

Trong xu thế phát triển của thương mại điện tử, tất nhiên việc mua bán thuốc cũng cần có sự thích nghi, thay đổi. Qua đó, mang lại sự thuận tiện cho người bệnh lẫn nhà thuốc, nhưng vẫn cần đảm bảo đúng nguyên tắc và an toàn.

Theo tôi, cần có những quy định chi tiết hơn nữa, về việc kê đơn điện tử và liên thông giữa các cơ sở y tế với nhà thuốc. Phải yêu cầu người mua thuốc cung cấp đơn (với thuốc kê đơn) dưới dạng bản cứng hay hình ảnh. Sau đó, phải lưu lại, cung cấp lên hệ thống để các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra.

Việc vận chuyển thuốc khi mua bán online cũng cần có quy định rõ về các thông số như: Nhiệt độ, độ ẩm, thời gian vận chuyển…

Theo tôi, cần có các chế tài nghiêm khắc. Có chế tài, nhưng quan trọng hơn là phải nghiêm túc thực hiện chế tài đó. Đó mới là vấn đề then chốt để điều chỉnh hành vi vi phạm của các nhà thuốc trong việc bán thuốc online.

- Qua đây, có thể thấy, không ít người dân vẫn có tâm lý “ngại” đi viện. Đặc biệt, không ít phụ huynh vì ngại đưa con đi khám, mà tự “bắt bệnh” và mua thuốc cho trẻ. Ông có thể nêu quan điểm cũng như khuyến cáo về vấn đề này?

- Trước đây, việc đi khám bệnh thường mất thời gian, phiền hà, tốn kém mà hiệu quả không cao. Hiện tại, tình hình cũng đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, người dân vẫn ngại đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, nhất là đưa con nhỏ hay người già đi khám.

Thực tế, tại các thành phố lớn, bệnh viện công, đặc biệt là tuyến Trung ương, đang bị quá tải. Thời gian các bác sĩ dành cho mỗi bệnh nhân không nhiều, trong khi người bệnh phải chờ đợi, làm nhiều xét nghiệm rất mệt mỏi. Do vậy, nhiều người khi có bệnh lại tự tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, hoặc truyền tai nhau từ những nguồn không chính thống, sau đó tự chẩn đoán bệnh, tự đi mua thuốc…

Đây là thực trạng rất nguy hiểm đối với mỗi cá nhân người bệnh, với sức khỏe cộng đồng cũng như đối với công tác quản lý y tế của Nhà nước. Do đó, ngoài việc đưa ra các quy định chi tiết, hợp lý về quản lý mua bán thuốc, cần phải làm sao để người dân được tiếp cận với hệ thống y tế một cách dễ dàng thuận lợi hơn.

Mỗi gia đình khi có người mắc bệnh, có thể đến gặp bác sĩ gia đình, hoặc cơ sở y tế phường, xã để được chăm sóc y tế một cách cơ bản. Sau đó, nếu tình trạng bệnh quá khả năng giải quyết, thì mới cần đến các bệnh viện địa phương, bệnh viện tuyến Trung ương.

Tránh tình trạng như hiện nay, có hệ thống y tế cơ sở nhưng hoạt động chưa hiệu quả, có phát triển bác sĩ gia đình nhưng người dân lúc cần không thấy đâu. Mỗi khi có bệnh, họ lại tập trung đến các bệnh viện lớn thì không hệ thống y tế nào có thể chịu được.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.

cách điều trị Bệnh ung bướu hiệu quả caoCho thuê xe 7 chỗ Quy Nhơn giá rẻ MXH120 tại vietteldata.vnThuốc sevelamer 800mg