Nhộn nhịp “chợ thuốc online”
Chỉ cần gõ từ khóa “mua thuốc online” tại thanh công cụ tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, người dùng sẽ nhận được kết quả là sự xuất hiện của hàng loạt hội nhóm buôn bán, trao đổi thuốc.
Mỗi nhóm này có từ hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên. Theo ghi nhận, những nhóm này mỗi ngày có hàng chục tài khoản cá nhân đăng tải bán thuốc, thậm chí có nhiều thuốc kê đơn.
“Cam kết rẻ hơn thị trường”, “Vận chuyển tận nhà sau khi chốt đơn”… là một số trong những lời mời chào hấp dẫn, khiến việc mua bán trên các hội nhóm này trở nên nhộn nhịp. Đáng chú ý, chỉ cần để lại địa chỉ và báo số lượng, bất kỳ ai cũng có thể mua thuốc kê đơn mà không cần bất cứ điều kiện nào khác.
Trong nhóm mang tên “Hội dược sĩ và nhà thuốc online”, một tài khoản tự nhận là dược sĩ thường xuyên đăng tải về công thức cắt liều thuốc, liều lượng và cách dùng thuốc.
Dưới bài đăng, một số tài khoản Facebook không “ngại” quảng cáo: “Em có sẵn. Mọi người cần gì, alo em ship”. Trong nhóm “Hội nhà thuốc Tây” với hơn 160 nghìn thành viên, nhiều tài khoản “mời chào” với những lời có cánh, như: Miễn phí ship đơn từ 500 nghìn đồng.
Một tài khoản đăng bài viết muốn tìm mua thuốc Thiazifar 25mg trị tăng huyết áp, phù do suy tim. Trên bao bì hộp thuốc ghi rõ “Thuốc kê đơn”. Sau khi bài viết đăng tải, tài khoản khác nhanh chóng để lại bình luận cho biết có sẵn hàng, sẽ gửi thuốc đến tận nơi khi có nhu cầu mà không cần đơn bác sĩ.
Việc mua thuốc online không chỉ dễ dàng trên những hội nhóm Facebook, mà còn cả đối với các sàn thương mại điện tử cũng như chuỗi nhà thuốc. Chỉ cần gõ tìm kiếm “mua bán thuốc online” trên Google, có hàng loạt kết quả về các nhà thuốc hiện ra với quảng cáo vận chuyển thuốc tới tận tay người tiêu dùng. Trên sàn thương mại Shopee, người dùng cũng có thể dễ dàng mua thuốc, thậm chí cả những loại thuốc kê đơn.
Tại Shopee, người dùng chỉ cần tìm “thuốc huyết áp cao” là cũng có thể nhận được hàng loạt quảng cáo về sản phẩm đến từ nhiều thương hiệu khác nhau.
Các sản phẩm được giới thiệu với công dụng như: Giúp điều hoà huyết áp, hạ huyết áp cao, viên uống chống tai biến… Sản phẩm được bày bán đến từ nhiều thương hiệu, quốc gia khác nhau, với mức giá dao động từ 58.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/hộp.
Trong khi đó, tại nhà thuốc Long Châu, nếu muốn mua thuốc online, người dùng có thể truy cập trang web hoặc tải ứng dụng. Với những loại thuốc cần kê đơn, người dùng có thể gửi đơn thuốc. Hoặc, trong trường hợp không có đơn, người dùng cần để lại số điện thoại để được dược sĩ liên hệ tư vấn.
Tiềm ẩn nguy cơ
Có thể thấy, việc mua thuốc online dễ dàng mang lại không ít thuận tiện cho người bệnh. Song, cũng không ít trường hợp phải nhập viện do tự ý mua thuốc online và sử dụng “bừa phứa”.
Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hoá (Quảng Bình) mới đây đã phẫu thuật, cứu sống nữ bệnh nhân bị thủng ruột. Cụ thể, bệnh nhân là T.T.T. (47 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt cao... Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán người này bị thủng tạng rỗng, cần phải phẫu thuật.
Bệnh nhân T., cho biết, suốt 3 tháng qua có sử dụng thuốc điều trị đau khớp mua trên mạng. Các bác sĩ nhận định, đây là một trường hợp biến chứng do lạm dụng kháng viêm có chứa hoạt chất NSAID (là thuốc giúp giảm đau, chống viêm, không có steroid trong cấu trúc).
Trường hợp khác, bệnh nhân H.V.Q. (nam, 57 tuổi, trú tại Bắc Sơn, Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng (lượng huyết sắc tố chỉ còn 44g/l, bình thường là 130g/l) do bị chảy máu dạ dày, tá tràng. Nguyên nhân chảy máu là do bệnh nhân tự mua thuốc chữa đau khớp trên mạng sử dụng. Sau 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng chảy máu tiêu hoá, mất máu nặng và phải vào viện cấp cứu.
Bệnh viện Nhi trung ương cũng mới tiếp nhận thiếu niên 16 tuổi được chẩn đoán mắc chứng thận hư. Thay vì điều trị theo phác đồ của bác sĩ, gia đình tự chuyển sang thuốc Nam, thuốc Bắc để điều trị cho con.
Năm 2023, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã cấp cứu cho nam bệnh nhân 63 tuổi sau khi uống thuốc trị tiểu đường mua trên mạng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, xét nghiệm loại thuốc bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng cách đây hơn 50 năm.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân khi bị bệnh cần đi khám ở các cơ sở y tế để được xác định bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn. Người dân cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng hay thuốc không đảm bảo về nguồn gốc (không có thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế).
Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả các mẫu vật còn lại cùng các thông tin liên quan.
Từ đó, có thể chuyển cho các cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm để xác minh và có biện pháp ngăn chặn ngộ độc tiếp tục xảy ra với người khác.
Việc bán thuốc, dược phẩm qua mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ người tiêu dùng. Do đó, nhiều quốc gia đã ban hành quy định cấm và áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm ngặt.
Tại Singapore, New Zealand, Canada, Mỹ, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội (SMSP) gỡ bỏ các trang web hoặc tài khoản vi phạm quy định về bán thuốc.
Hành vi vi phạm có thể bị phạt tới 50.000 SGD (khoảng 940 triệu đồng) ở Singapore, 50.000 NZD (khoảng 779 triệu đồng) ở New Zealand, 500.000 CAD (khoảng 9,3 tỉ đồng) tại Canada và 1 triệu USD (khoảng 25,5 tỉ đồng) tại Mỹ.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm có thể bị truy tố hình sự và chịu án tù tới 12 tháng tù (Singapore), 5 năm tù (New Zealand), 3 năm (Canada), 10 năm tù (Mỹ).
Ngoài ra, các quốc gia này còn yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xác minh danh tính người bán thuốc, gỡ bỏ quảng cáo sai lệch và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về nguy cơ khi mua thuốc qua mạng.