Trong bài này tôi xin giới thiệu bài tập lai tạo giữa listening cloze và infogap của Juan Pablo Zuniga Vargas.
6 bước cơ bản để thực hiện bài luyện listening cloze - infor-gap
Juan phối hợp Listening Cloze và Info-Gap để khai thác bài dạy nghe. Bài tập listening cloze thường dùng trong CLT như một bài tập luyện nghe, kỹ năng tiếp thu (receptive skill). Để thực hiện bài tập này giáo viên phát cho học sinh một handout.
Học sinh sẽ được nghe một vài lần rồi ghi chép những thông tin mình nắm bắt được vào handout. Cuối cùng giáo viên kiểm tra bài tập của học sinh. Tất nhiên những bài tập kiểm tra sự hiểu của học sinh (check comprehension) không phải chỉ có điền vào handout mà còn có nhiều hình thức khác nữa như Gap-fill, Q&A, True-False, Correction, v.v.
Info-gap activity trong CLT là một bài luyện nói theo đôi. Trong hoạt động này hai học sinh chia sẻ thông tin với nhau về một chủ đề hoặc một sự kiện. Handouts được thiết kế hai bản: Student A và Student B, ví dụ hai bức tranh có một số điểm khác nhau.
Học sinh miêu tả cho nhau nghe tranh của mình, và cả hai cùng lấy thông tin của nhau để bổ sung vào tranh của mình. Cuối cùng hai học sinh dựng lên được một bức tranh đầy đủ. Bài tập Info-gap có thể là một sơ đồ, một bảng thông tin, v.v.
Juan nói rõ khi sáng tạo bài tập listening cloze-infogap , tác giả muốn có nhiều học sinh có cơ hội nói hơn (student talk: STT), biết lồng ghép các kỹ năng để giao tiếp (skills integration) và biết đánh giá lẫn nhau (peer assessment); trên cơ sở đó phát huy được tính độc lập trong học tập của người học (student autonomy).
Tác giả đã trình bày cách xây dựng bài tập và đưa ra 6 bước thực hiện.
1. Tìm một bài nghe thích hợp (Find an appropriate recording).
2. Nghe và ghi lại chính xác từng câu của bài nghe (Transcribe the recording)
3. Tách văn bản thành hai bản cloze, một cho Student A và một cho Student B. Chẳng hạn với bài cloze năm bước, hai bàn đều bỏ trống từ thứ năm, nhưng khác nhau ở chỗ, ví dụ, trong bản Student A từ thứ năm của dòng thứ hai bị bỏ trống bắt đầu từ từ thứ nhất. Nhưng trong bản Student B cũng từ thứ năm của dòng thứ hai bị bỏ trống nhưng bắt đầu từ từ thứ ba. Đánh số dòng trong bài cloze của cả hai handouts để khi giao tiếp học sinh dễ tìm thông tin, ví dụ
STUDENT A Handout (Trích một đoạn để minh họa) A Hare was very popular with the other beasts who all claimed to be her friends. But one day she heard the hounds approaching and hope to escape them by the aid of her many friends. So, she went to __________ horse, and asked him __________ carry her away from __________ hounds on her back. (Juan, 2015, p. 31) |
STUDENT B Handout (Trích một đoạn để minh họa) A Hare was very popular with the other beasts who all claimed to be her friends. But one day she heard the hounds approaching and hope to escape them by the aid of her many friends. _________, she went to the __________, and asked him to __________ her away from the __________ on her back. (Juan, 2015, p. 32) |
4. Phát handouts, chưa mở băng đĩa, yêu cầu học sinh đọc bài cloze trong một vài phút, cố phán đoán xem từ điền vào chỗ trống có thể là từ gì. Nếu bài có từ mới hoặc từ đã học nhưng cách dùng mới, hoặc trong bài có kiến thức mới thì hãy giảng cho học sinh ngay khi phát handouts.
Mở băng đĩa, học sinh nghe và điền từ vào chỗ trống. Bước này gọi là listening cloze phase. Ở những nơi không có băng đĩa, giáo viên đọc cho học sinh làm bài. Trong trường hợp này người thày không bản ngữ (non-native teacher) cần luyện trước ở nhà để đạt được mức phát âm càng gần với người bản ngữ càng tốt.
5. Khác với thói quen truyền thống là sau khi nghe người thày chữa bài cho học sinh, chúng ta cho học sinh làm việc theo đôi để họ tự sửa lỗi cho nhau, tạo ra một hoạt động nói sôi nổi. Giáo viên có thể gợi ý một số câu hỏi cho học sinh sử dụng trong khi thảo luận.
Một điều người thày cần quan tâm là trong giao tiếp dù bằng tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ hai hay ngoại ngữ không phải lúc nào hai bên cũng hiểu nhau, vì vậy người thày cần dạy cho học sinh kỹ thuật "negotiate for meaning" (kỹ thuật tìm kiếm nghĩa), ví dụ hỏi lại khi chưa hiểu, hoặc yêu cầu người nói giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng.
6. Sau tất cả các hướng dẫn cần thiết như trên, học sinh bắt đầu giao tiếp với nhau để sửa lỗi. Đây gọi là info-gap phase. Giáo viên đi quanh lớp quan sát và hỗ trợ khi cần thiết, ví dụ như khi học sinh hỏi nghĩa hoặc cách phát âm một từ.
Đây là sáu bước cơ bản để thực hiện bài luyện listening cloze - infor-gap. Tuy nhiên ở trình độ cao hơn chúng ta có thể thiết kế thêm một số hoạt động bổ sung.
Thủ pháp KWL (KWL procedure) (Shermis, Vesta 2011)
Step 1: Thiết kết một chart gồm ba cột, gọi là bảng K (know: đã biết), W (want to know: muốn biết), L (learned: điều đã học được)
KWL Chart
What I know | What I want to know | What I learned |
Step 2: Phát cho học sinh bảng này trước khi phát handouts và thông báo sơ lược về nội dung chủ đề của bài nghe (listening passage). Không mở băng đĩa. Học sinh làm việc cá nhân, tự suy nghĩ và điền vào cột K còn hai cột W và L tạm thời bỏ trống.
Step 3: Phát handouts cho Student A và Student B. Học sinh đọc bài listening cloze trong handouts và ghi ý kiến của mình vào cột W (muốn biết gì). Việc này có thể làm cá nhân hoặc đôi hoặc nhóm.
Step 4: Học sinh ngồi theo đôi, làm bài listening cloze-infogap theo ba bước 4, 5, 6 ở trên.
Step 5: Học sinh làm việc theo đôi điền nốt thông tin vào cột L (đã học được điều gì)
Step 6: Làm việc toàn lớp. Học sinh các nhóm đưa ý kiến của mình về KWL và sau đó lớp thảo luận.
Step 7: Giáo viên đưa ra một checklist gọi là CAN-DO STATEMENTS (Những điều tôi có thể làm được qua bài học vừa rồi) trong đó có những câu như: I can clarify the meaning of the new words (Tôi có thể giải nghĩa từ mới), I can speak in English without feeling nervous (Tôi có thể nói bằng tiếng Anh mà không cảm thấy ngại).
Học sinh có thể nói nhiều điều khác mà họ có thể làm được qua bài học. Đây chính là một cách giúp học sinh tự đánh giá mình (self-assess), và thông qua nghe các bạn tự đánh giá sẽ tự thấy mình cần phải luyện tập thêm về điều gì. Cuối cùng học sinh có thể đưa ra những đề nghị về bài sau: tăng cường, củng cố, thêm, bớt điều gì.
A Story
Step 1: Nếu bài listening cloze-infogap là một câu chuyện có thể cho học sinh đóng vai các nhân vật trong chuyện, kịch hóa câu chuyện (dramatise the story) để luyện nói, tăng cường khả năng phát âm; hoặc cho học sinh làm việc nhóm thay đổi phần kết của câu chuyện theo ý mình để luyện viết.
Step 2: Học sinh có thể bình luận (nói/viết) về câu chuyện để thảo luận trong lớp hoặc có thể dùng điện thoại cá nhân để quay lại vở kịch đã đóng, cùng với lời bình về câu chuyện, rồi upload lên fb cá nhân hoặc lên blog của lớp, khối lớp hoặc trường để chia sẻ.
Comprehension Questions
Một hoạt động nữa có thể tiến hành trên lớp là cho học sinh làm việc theo nhóm để đưa ra một loạt các câu hỏi về nội dung bài listening cloze-infogap, sau đó tập hợp toàn lớp, nhóm nọ đặt câu hỏi cho nhóm kia, giúp nhau sửa những câu trả lời không đúng.
Pronunciation Practice
Để luyện phát âm, học sinh có thể ghi lại những lỗi phát âm trong quá trình thực hiện các hoạt động, tạo thành một checklist. Giáo viên sẽ là người dựa trên checklist này sửa và luyện lại cho học sinh những yếu tố mắc lỗi.
Grammar Drills
Để luyện ngữ pháp, học sinh cũng có thể làm tương tự như phần phát âm: ghi lại những từ và mẫu câu khó sử dụng để cùng nhau luyện lại với sự hỗ trợ của giáo viên.
Bài tập lai tạo listening cloze-infogap không những luyện được cả bốn kỹ năng chủ yếu là nghe, nói, đọc, viết mà còn phát huy được những kỹ năng nhỏ như phát âm, chính tả và từ vựng. Ngoài ra nó còn giúp cho học sinh nhận thức được trách nhiệm của mình trong học tập, trong hoạt động tập thể và kể cả trong việc tự đánh giá sự tiến bộ của mình. Tuy nhiên nó đòi hỏi lòng nhiệt tình, sự hiểu biết về phương pháp và khả năng điều khiển lớp của người thầy.