Loại bỏ thói quen trì hoãn

GD&TĐ - Thói quen trì hoãn khiến nhiều trẻ ngày càng chây ỳ và rất khó để hoàn thành mọi việc. 

Hãy đặt ra thời gian con cần hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ảnh minh hoạ.
Hãy đặt ra thời gian con cần hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ảnh minh hoạ.

Cha mẹ cần xác định được nguyên nhân và tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Nguyên nhân

Trì hoãn có thể hiểu là việc trẻ chưa bắt tay vào thực hiện một công việc ngay mà tìm cách kéo dài thời gian hoặc thực hiện theo cách tạm thời.

Nhiều người cho rằng, thói quen trì hoãn ở trẻ chính là sự lười biếng. Thế nhưng, so với lười biếng, trì hoãn có nghĩa tích cực hơn. Bởi trẻ có thói quen trì hoãn vẫn làm và không hề bỏ qua nhiệm vụ của mình. Con chỉ là hoàn thành chậm và mất nhiều thời gian để đến đích thôi.

Cô giáo Trần Ngọc Mai (Trường Tiểu học Tam Khương, Hà Nội) đưa ra ví dụ như cha mẹ giao việc lau nhà cho con. Lẽ ra việc này chỉ mất 15 phút, nhưng do có thói quen trì hoãn, con không làm ngay mà đi làm các việc khác như: Xem phim, chơi game, ngủ,… và đợi đến lúc bố mẹ gần về mới làm. Tính thời gian, công việc lau nhà của trẻ do trì hoãn đã mất hàng giờ đồng hồ.

Còn lười biếng là sự thờ ơ và không có hành động gì của trẻ. Tiếp ví dụ lau nhà, trẻ lười biếng sẽ chẳng có một hành động lau nhà nào cả. Ngay cả khi người lớn đã về nhà.

Theo cô Mai, một số nguyên nhân khiến trẻ trì hoãn như: Trẻ không thấu hiểu được mong đợi của cha mẹ, không biết cách làm, sợ phải mắc sai lầm nếu làm không đúng, bị xao nhãng bởi những việc hấp dẫn hơn, không có khả năng quản lý thời gian tốt,… Bên cạnh đó, hai nguyên nhân đáng lo ngại nhất là tâm lý ỷ lại và việc trẻ sẽ không phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả mình gây ra do trì hoãn.

Hậu quả của thói quen trì hoãn có lẽ là điều chúng ta chẳng phải phân tích quá nhiều: Ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả học tập của trẻ; Dễ khiến trẻ bỏ lỡ những cơ hội và điều kiện tốt để phát triển bản thân; Hình thành các thói quen xấu: Trì trệ, thiếu trách nhiệm và kỷ luật; Ảnh hưởng đến nỗ lực và phát huy thế mạnh của bản thân.

Cô Trần Ngọc Mai cho rằng, phương pháp đầu tiên giúp con loại bỏ tính trì hoãn hiệu quả là cha mẹ hãy tâm sự và lắng nghe lý do của con chứ đừng vội vàng “gắn mác” con có tính trì hoãn. Bằng cách này, cha mẹ mới xác định được nguyên nhân sâu xa và tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Khi thấy con chưa hoàn thành một việc gì đó, cha mẹ đừng vội trách mắng trẻ. Hãy quan sát và hỏi han nguyên nhân khiến trẻ trì hoãn công việc đó một cách nhẹ nhàng và ân cần nhất. Người lớn cũng không nên tỏ ra khó chịu khi tâm sự với trẻ vì điều đó chỉ khiến con cảm thấy sợ hãi và không muốn chia sẻ với cha mẹ.

Khi đã tìm được nguyên nhân, người lớn hãy đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Nếu đó là nguyên nhân chủ quan như trẻ lười, mải chơi, hãy yêu cầu trẻ bắt tay thực hiện công việc được giao ngay lập tức. Ngược lại, nếu đó là nguyên nhân khách quan như bài khó quá, con không biết cách quét nhà, cha mẹ hãy hỗ trợ và hướng dẫn con.

Đôi khi sự trì hoãn xuất phát từ những nguyên nhân rất đỗi đời thường, chẳng hạn như trẻ thiếu ngủ, đói bụng, mệt mỏi hay có quá nhiều bài tập để làm nên không thể phụ giúp ba mẹ.

Nếu phát hiện trẻ trì hoãn vì những nguyên nhân này, người lớn cần hướng dẫn trẻ cách xây dựng một thói quen học tập và sinh hoạt thật khoa học. Trẻ cần được đảm bảo rằng bản thân phải ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa và dinh dưỡng, nghỉ ngơi đúng cách, học tập đúng giờ,… Có như vậy, trẻ mới không rơi vào trạng thái uể oải tinh thần và không muốn thực hiện một công việc nào khác.

loai bo thoi quen tri hoan (2).jpg
Ảnh minh họa.

Loại bỏ tâm lý ỷ lại

Đối với trẻ nhỏ, những công việc lớn thường sẽ quá sức và khiến trẻ dễ cảm thấy bản thân không thể hoàn thành được. Khi có tâm lý đó, trẻ sẽ vin vào lý do là cha mẹ giao một công việc quá khó, quá phức tạp để trốn tránh, không thực hiện.

Theo cô Mai, biện pháp giúp con loại bỏ tính trì hoãn bởi lý do này rất dễ, cha mẹ chỉ cần chia nhỏ công việc giao cho con thành từng phần nhỏ. Ví dụ: Thay vì yêu cầu con dọn dẹp ngăn nắp căn phòng của mình, cha mẹ hãy yêu cầu trẻ dọn dẹp bàn học, giường, tủ quần áo rồi đến quét và lau toàn bộ nền nhà của căn phòng. Có như vậy, con mới thấy những công việc đó là vừa sức với mình và nhanh chóng thực hiện.

Một lưu ý đối với phương pháp này là cha mẹ hãy đặt ra thời gian con cần hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì tính chất của công việc không quá phức tạp, nên hoàn toàn có thể yêu cầu trẻ hoàn thành sớm. Nhờ đó, trẻ mới có động lực để thực hiện và ngăn chặn thói quen trì hoãn ở trẻ.

Nếu thấy con có biểu hiện trì hoãn công việc vì sợ thất bại, thường là trong học tập, phụ huynh hãy chủ động đến tâm sự và chia sẻ nhằm giảm nhẹ tâm lý cho con.

Cha mẹ hãy dạy con cách biết chấp nhận bản thân mình, ngay cả những điều mình chưa thể làm tốt ở hiện tại. Động viên con hiểu rằng, chỉ cần con làm nghĩa là đang tăng dần cơ hội thành công. Còn nếu mãi trì hoãn không làm, lúc đó con mới thực sự thất bại.

Bên cạnh đó, trẻ thường có tâm lý ỷ lại. Đây là lối suy nghĩ cực kỳ nguy hại cho trẻ. Do đó, cha mẹ cần hạn chế việc giúp đỡ trẻ quá nhiều, mà thay vào đó để trẻ tự làm, không nên làm hộ phần việc của con.

Người lớn không tùy tiện giúp những gì trẻ có thể tự làm được. Thầy cô không dễ dàng giúp học sinh chữa bài khi chúng chưa chịu tư duy. Khi phụ huynh để con tự làm mọi việc, không chỉ ngăn cản thói quen trì hoãn và tâm lý ỷ lại. Điều này còn giúp trẻ mạnh mẽ và tự lập hơn.

“Người lớn cũng có thể sử dụng một bảng kế hoạch thực hiện công việc cụ thể cho con. Với bảng phân công công việc, có thể yêu cầu mốc thời gian trẻ phải hoàn thành với từng công việc cụ thể và quản lý nó một cách dễ dàng. Điều này còn giúp trẻ hình thành thói quen làm việc đúng deadline sau này”, cô Mai gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.