BSCKI. Lê Thanh Huyền – Phó trưởng khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ chia sẻ, khi trước vành tai trẻ có một lỗ tròn nhỏ ở trước, đó chính là rò luân nhĩ.
Rò luân nhĩ là một dị tật bẩm sinh được hình thành do sự kết hợp không hoàn chỉnh giữa cung mang thứ nhất và cung mang thứ hai để tạo ra tai ngoài. Dị tật được biểu hiện bằng lỗ rò nhỏ trước vành tai, đi sâu vào trong và bám vào sụn vành tai có thể xuất hiện ở một hoặc 2 bên tai của trẻ.
Bản chất trong lòng đường rò là một ống được lát bởi biểu mô có khả năng chế tiết dịch. Nếu không xảy ra tình trạng nhiễm trùng, rò luân nhĩ không cần xử trí. Trẻ có thể chung sống cả đời với dị tật.
Một số trường hợp rò luân nhĩ bị viêm, sưng hay tắc và thường gây ra cảm giác ngứa, khó chịu, tiết ra chất bã đậu (do trẻ sờ gãi, bóp nặn), rỉ dịch màu trắng, có mùi hôi hoặc phình ra, tạo thành nang (nang khi bị bội nhiễm sẽ trở nên to dần, tạo thành áp-xe rò luân nhĩ).
Nếu không được điều trị đúng cách, rò luân nhĩ không những gây mất thẩm mỹ mà còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm sau này.
Khi trẻ xuất hiện tình trạng rò luân nhĩ bị viêm, phụ huynh được khuyến cáo đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được điều trị ổn định tình trạng nhiễm trùng. Sau đó trẻ sẽ được phẫu thuật để loại bỏ đường rò.