Kinh nghiệm thực tiễn
Công nghệ đánh giá dựa trên máy tính ra đời từ những năm 90 và phát triển vượt bậc trong vài năm trở lại đây nhờ công nghệ số. Không chỉ là hàng loạt học sinh ngồi trước màn hình máy tính làm bài thi, nộp bài và chờ kết quả phản hồi, giờ đây, học sinh có thể thực hiện các dạng kiểm tra đánh giá (kể cả thi sát hạch phục vụ cho mục đích khác nhau) một cách độc lập, tại thời điểm, địa điểm khác nhau. Đặc biệt, hiện nay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với những diễn biến khó lường, nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng công nghệ này như một phương án tối ưu cho đánh giá kết quả học tập của học sinh.
So với việc thực hiện đánh giá bài thi trên giấy truyền thống, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Công nghệ đánh giá dựa trên máy tính tỏ rõ những ưu điểm vượt trội như: Khả năng đánh giá diện rộng mạnh, tiết kiệm chi phí, thời gian, sức lực; an toàn, bảo mật cao; tính chính xác, khách quan, công bằng, phân hóa và khả năng hồi đáp tức thời (trả kết quả ngay sau khi làm bài); có thể áp dụng cho nhiều loại đánh giá; có thể áp dụng nhiều lần, vào những thời điểm khác nhau…
Trong xu thế này, Bộ GD&ĐT cũng tính đến việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính trong một thời điểm phù hợp, với lộ trình được tính toán khả thi. Theo TS Tôn Quang Cường, việc thi trên máy tính chúng ta đã có kinh nghiệm thực tế. Thành công của 2 năm liên tiếp ĐHQG Hà Nội triển khai đánh giá năng lực thi tuyển đầu vào trên máy tính (2014, 2015) là những tiền đề để tiếp tục phát triển công nghệ đánh giá trong những năm tới. Quá trình phát triển các hệ thống đào tạo trực tuyến có tích hợp các chức năng đánh giá trong thực tiễn giáo dục ở Việt Nam đã tạo thói quen về nhận thức và kĩ năng cho học sinh ở nhiều địa phương. Nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến cũng có kinh nghiệm tham gia lĩnh vực đánh giá trực tuyến. Hệ thống các đơn vị làm công tác khảo thí cũng được phát triển, nhân rộng ở nhiều cấp, đơn vị giáo dục trên cả nước với đội ngũ ngày càng đông đảo.
Mới đây, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh THCS, THPT cũng quy định: Kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính, bài thực hành, dự án học tập. Một số trường phổ thông trên cả nước từng bước thí điểm làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Đặc biệt, trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Hà Nội đã tổ chức khảo sát chất lượng học sinh bằng hình thức online thay cho cách thức truyền thống.
Cần sự chuẩn bị bài bản
Chia sẻ về điều kiện để có thể triển khai thi tốt nghiệp THPT trên máy tính, PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Quản lý tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: Quan trọng là chuẩn bị hành lang pháp lý (quy định, quy chế...), hệ thống ngân hàng câu hỏi thi, cơ sở vật chất (địa điểm, máy móc thiết bị...). Bên cạnh đó, cách thi nào cũng cần làm quen; bởi hình thức này đối với học sinh thành phố có lẽ không bỡ ngỡ, nhưng với học sinh các tỉnh vùng sâu, vùng xa cần thời gian để tiếp cận, làm quen dần.
Nhận định việc triển khai thi tốt nghiệp trên máy tính là phù hợp với xu thế, thời đại và điều kiện của giáo dục Việt Nam, ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác HSSV, phụ trách tuyển sinh, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nêu 3 điều kiện cần chuẩn bị: Ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và đủ lớn vì thi nhiều đợt trong tháng, trong năm. Cơ sở vật chất, phòng máy, hệ thống máy chủ hiện đại, đáp ứng hàng ngàn lượt thi mỗi đợt. Đội ngũ nhân sự các trung tâm khảo thí phải được đào tạo bài bản, có chuyên môn về đánh giá trong giáo dục.
“Thí sinh phải thi nhiều đợt trong năm lấy điểm để xét tốt nghiệp. Kỳ thi phải được tổ chức bởi các trung tâm khảo thí của quốc gia hoặc trường đại học nhằm bảo đảm thí sinh được đánh giá cùng một thang đo, từ đó mới có cái nhìn toàn diện chất lượng của nền giáo dục và tạo điều kiện cho thí sinh cũng như các trường đại học, cao đẳng trong xét tuyển sinh” – ThS Nguyễn Vinh San nêu quan điểm.
Là chuyên gia về công nghệ giáo dục, TS Tôn Quang Cường cũng nhấn mạnh triển khai kỳ thi tốt nghiệp bằng máy tính cần có sự tính toán, lộ trình thực hiện và đầu tư hạ tầng công nghệ cũng như ngân hàng câu hỏi một cách bài bản. Hiện công nghệ đánh giá trong giáo dục đã phát triển vượt bậc dựa trên việc tích hợp các lĩnh vực công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện sinh trắc, giám thị số…
Tuy nhiên, điều quan trọng được TS Cường lưu ý là thay đổi tư duy về chuyển đổi số trong kiểm tra đánh giá, chứ không chỉ thuần túy chuyển đổi kiểm tra đánh giá theo định dạng số. Theo đó, toàn bộ công đoạn thực hiện quá trình thi đều được số hóa, thực hiện bằng các công cụ, giải pháp công nghệ số (bài thi được số hóa, phân phối trên nền tảng công nghệ, đăng ký và thực hiện thi trực tuyến, giám sát, xác thực thí sinh bằng công nghệ tránh gian lận, quản lý và công nhận kết quả thi bằng công nghệ…). Cùng với đó, xây dựng hệ thống nền tảng thi trực tuyến, hệ thống “giám thị công nghệ số”, ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, đường truyền tốc độ cao và quy trình hóa việc thi dựa trên công nghệ.